Làm thế nào để cơ quan báo chí và người làm báo sống bằng nghề?

Thứ sáu - 20/12/2019 08:07
Thu nhập của người viết báo sụt giảm

Hơn 15 năm theo nghề báo, từng làm việc cho nhiều cơ quan báo chí – cả báo giấy và báo điện tử, tôi nhận thấy thu nhập của nghề báo không tăng mà có xu hướng ngày càng sụt giảm. Cách so sánh trực quan nhất về thu nhập của nghề báo được nhiều đồng nghiệp có thâm niên làm báo trên 10 năm đưa ra để dẫn chứng là: Mười năm trước nhuận bút của một nhà báo có thể mua được một chỉ vàng nhưng hiện nay phải viết tới 10 bài báo nhuận bút mới có thể mua được một chỉ vàng. Trong bối cảnh vật gí ngày càng leo thang, thu nhập của người làm báo (cụ thể là phóng viên – nhà báo) không những không tăng mà còn có xu hướng giảm xuống khiến cho người viết báo gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Hiện nay, nguồn thu nhập chính của người viết báo là lương cứng và nhuận bút. Mức lương cứng hàng tháng ở nhiều cơ quan báo chí mà tôi biết ở mức rất thấp, dao động từ 3-6 triệu đồng. Nhuận bút của phóng viên mức trung bình cũng dao động khoảng 3-6 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức thu nhập trung bình của một phóng viên chỉ dao động trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập tương đối thấp trong khi chi phí đối với nghề báo lại càng cao (cần phải đầu tư nhiều máy móc thiết bị tác nghiệp). Với mức thu nhập này, nghề báo không phải là công việc hấp dẫn đối với người trẻ. Trên thực tế, ở nhiều cơ quan báo chí, không ít phóng viên trẻ quyết định bỏ nghề chuyển sang làm truyền thông làm Youtube để kiểm tiền. Do thu nhập thấp nên nhiều người viết báo lâu năm cũng đâm ra chán chường, muốn bỏ nghề, hoặc làm việc kiểu cầm chừng.
600

Chênh lệch thu nhập từ nhuận bút

Hiện nay, hầu hết các báo giấy ở Việt Nam đều thêm ấn phẩm báo điện tử như báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao động, Lao động, Phụ nữ TP.HCM, Pháp luật Tp. HCM… Việc duy trì cùng lúc hai ấn phẩm báo giấy lẫn báo Online làm quỹ thời gian làm việc của phóng viên tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, mức thu nhập của phóng viên lại không tăng lên tương xứng. Chưa hết, việc thực hiện cùng lúc hai ấn phẩm đã tạo ra sự chênh lệch về thu nhập giữa phóng viên trẻ và nhà báo thâm niên. Qua thời gian làm việc cho một số cơ quan vừa  có báo giấy vừa có online tôi nhận thấy thu nhập của phóng viên trẻ thường cao hơn nhà báo thâm niên. Nguyên nhân là do sự chênh lệch về nhuận bút. Cụ thể, các phóng viên trẻ thường có số lượng sản phẩm vượt trội so với nhà báo có nhiều năm trong nghề do đó tiền nhuận bút cũng cao hơn.

Sở dĩ có sự chênh lệch trên là do nghề báo hiện nay đòi hỏi sự đa năng – đa sản phẩm, việc ứng dụng nhiều kỹ năng liên quan đến công nghệ số làm cho phóng viên trẻ có kỹ năng vượt trội hơn những nhà báo lớn tuổi.

Nói một cách dễ hình dung phóng viên trẻ có xu hướng tác nghiệp thiên về kỹ năng còn nhà báo lớn tuổi có xu hướng nghiêng về kiến thức nên chủ yếu viết cho báo giấy. Chính kỹ năng vượt trội giúp phóng viên trẻ có nhiều sản phẩm – nhất là các sản phẩm báo điện tử hơn nhà báo lớn tuổi. Từ đó dẫn đến sự chênh lệch về thu nhập.

Sự chênh lệch này, khiến cho không ít người làm báo lâu năm nảy sinh tâm lý chán nản, ảnh hưởng khoonbg nhỏ đến năng suất và thu nhập. Đây cũng là bài toán nan giải về mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng sản phẩm báo chí. Nhiều phóng viên có mức thu nhập cao từ nhuận bút từ báo online nhưng thông tin chỉ dừng lại ở mức thấp, thậm chí vô thưởng vô phạt trong khi người làm báo lâu năm sản phẩm có hàm lượng tri thức cao lại có mức nhuận bút thấp hơn!
Sự mâu thuẫn về cách tính nhuận bút

Liên quan đến thu nhập từ nhuận bút của người viết báo, hiện nay nhiều cơ quan áp dụng cách tính tiền dựa vào lượng truy cập. Cụ thể, sản phẩm báo chí, tin – bài nào được nhiều người truy cập thì sản phẩm đó được tính nhuận bút cao hơn. Cách tính này có hai mặt, khuyến khích được sản phẩm báo chí hấp dẫn người đọc nhưng lại có xu hướng chạy theo thị hiếu kiểu câu khách giật gân.

Có thể nói tính giải trí và tính hữu ích trong tác phẩm báo chí có xu hướng đối lập nhau và tạo ra sự mâu thuẫn về nhuận bút. Nhiều sản phẩm báo chí chỉ mang tính giải trí nhưng có lượng truy cập cao – nhuận bút cao trong khi nhiều sản phẩm báo chí có tính hữu ích cao nhưng lại có lượng truy cập ít – nhuận bút thấp. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho nhiều người viết báo có trách nhiệm cảm thấy chán nản vì mức thù lao không tương xứng.

Ngoài mâu thuẫn về lượng truy cập và nhuận bút, cách tính nào bằng giữa chất lượng bài báo cũng là do khiến cho các sản phẩm báo chí thiếu chất lượng. Cụ thể, nhiều cơ quan kêu gọi phóng viên viết điều tra hoặc bài chuyên sâu nhưng mức nhuận bút dành cho các sản phẩm này lại không cao, không khích lệ được người viết. Ví dụ, trong một tháng phóng viên đầu tư viết một bài điều tra hay nhưng tổng nhuận bút của tuyến bài này cũng không bằng 10 tin – bài làng nhàng của phóng viên khác, dẫn đến tình trạng càng đầu tư cho sản phẩm lại càng bị thua thiệt về thu nhập. Quan sát trên mặt báo chúng ta có thể nhận thấy, hiện nay tần suất xuất hiện caqcs bài báo điều tra trên các báo rất thấp so với những năm trước đây.

Sự thay đổi tất yếu của nhà báo

Những mâu thuẫn về thu nhập giữa nhuận bút và chất lượng sản phẩm báo chí nói trên dù được nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí nhận ra nhưng việc đưa ra giải pháp không hề đơn giản. Tại một số đơn vị tôi từng làm việc, sự mâu thuẫn về thu nhập giữa các phóng viên kéo dài khiến cho không khí làm việc thường ngột ngạt, dẫn đến chất lượng sản phẩm báo chí cũng bị ảnh hưởng theo.

Theo tôi, với bối cảnh hiện nay, người viết báo cần phải thay đổi quan điểm về nghề nghiệp. Đối với người làm báo có thâm niên phải thay đổi thói quen tác nghiệp thiên về kiến thức và kỹ năng truyền thông (kỹ năng viết) mà phải trang bị thêm những kỹ năng về công nghệ, kỹ thuật số. Đơn cử, nên trang bị thêm về kỹ năng làm báo online như kỹ năng chụp ảnh, quay phim, kỹ năng dựng clip, kể cả những kỹ năng thực hiện sản phẩm báo chí dữ liệu… Ví dụ đối với một bài điều tra, thay vì chỉ thể hiện bằng chữ và kèm một số ảnh chụp như trước đây việc làm thêm các sản phẩm video sẽ làm cho bài báo sinh động và hấp dẫn bạn đọc hơn…

Việc trang bị thêm các kỹ năng về báo chí điện tử sẽ giúp phóng viên làm ra nhiều sản phẩm báo chí phù hợp với mong muốn của bạn đọc. Đối với phóng viên trẻ, bên cạnh thế mạnh về kỹ năng cũng nên đầu tư thời gian để trau dồi kiến thức. Nên tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, nên dành thời gian đọc sách, đọc các tài liệu liên quan đến các lĩnh vực mà mình đang thực hiện. Việc làm ra nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng sẽ góp phần làm tăng thêm nguồn thu cho cơ quan báo chí, qua đó thu nhập của người làm báo cũng sẽ được cải thiện.

Như chúng ta đã biết, bất cứ công việc gì muốn làm tốt phải đảm bảo ba yếu tố: Kiến thức – Kỹ năng – Thái độ. Nghề báo cũng vậy, ngoài trang bị tốt kiến thức, kỹ năng phải có thái độ đúng đắn với nghề nghiệp.
111
Nghề báo là nghề năng động và nhiều thử thách.
Nhiệm vụ chính của nhà báo là làm ra các sản phẩm báo chí chất lượng để phục vụ bạn đọc và nhận được các khoản thu nhập từ tờ báo mà mình đang làm việc chứ không phải là nơi tận dụng các đặc quyền đặc lợi của nghề báo nhằm mục đích để làm giàu.

Minh bạch tài chính, tránh tiêu cực trong nghề

Như chúng ta đã biết, hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí đều tự thu tự chi, không được cấp phát tiền từ ngân sách nhà nước. Trên thực tế, nguồn thu từ các cơ quan báo chí ngày càng phong phú hơn. Trước đây nguồn thu từ các cơ quan báo chí chủ yếu là tiền bán báo và tiền quảng cáo, hiện nay có thêm nguồn thu nhập cho thuê văn phòng, tiền tổ chức các hoạt động truyền thông…

Sự phong phú về nguồn thu của cơ quan báo chí dẫn đến tình trạng có một số người làm báo trở nên giàu có nhờ tận dụng các mối quan hệ để làm truyền thông. Từ đó cũng tạo ra sự phân cấp, chênh lệch thu nhập đáng kể giữa những người làm báo có trách nhiệm với người đọc và những người tận dụng nghề báo để làm giàu. Có thể nói, nhiều người làm báo có năng lực và trách nhiệm cao nhưng thu nhập lại thấp và ngược lại. Đây là sự mâu thuẫn âm ỉ trong nghề báo có nguy cơ làm cho các sản phẩm báo chí mất tính khách quan và sự trung thực.

Với thực trạng trên, tôi nghĩ rằng các cơ quan báo chí cần phải minh bạch các nguồn thu chi, tránh tình trạng nhập nhằng giữa hoạt động báo chí và truyền thông. Các nguồn thu từ hoạt động của cơ quan báo chí phải được chi trả công bằng cho người làm báo. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần phải đầu tư trang thiết bị, tránh sự lệ thuộc vào các công ty truyền thông và các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật số. Ví dụ như đầu tư tương xứng cho báo điện tử, mua sắm các thiết bị hiện đại để làm báo online…
 
Nhà báo Trần Trung Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây