Năng khiếu báo chí là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, được nhiều người quan tâm, nhưng cũng khó có thể có câu trả lời thỏa đáng. Hy vọng ý kiến dưới đây sẽ được đông đảo các đồng nghiệp các nhà báo, các nhà nghiên cứu quan tâm cùng trao đổi để vấn đề ngày một sáng rõ hơn.
Chủ thể hoạt động báo chí – nhà báo – có cần hay không cần năng khiếu nghề nghiệp đang là vấn đề tranh luận chưa có hồi kết. Nếu là nhà báo thực thụ cần có năng khiếu báo chí thì năng khiếu báo chí là gì, và mối quan hệ nào giữa năng khiếu với quá trình học tập và rèn luyện.
Năng khiếu mở lối vào nghề
Thực tế từng xảy ra chuyện này: Hai nhà báo cùng đi cơ sở nắm tình hình, thu thập thông tin, tiếp xúc thực tế như nhau nhưng sau đó, một người viết được phóng sự hay, hấp dẫn chỉ sau vài giờ. Trong khi đó, người kia có thể thức thâu đêm mà vẫn chưa viết xong một bài. Rõ ràng, có năng khiếu báo chí sẽ giúp cho nhà báo tiến hành công việc một cách nhẹ nhàng, thú vị, đem lại tác phẩm báo chí hấp dẫn, có sức thu hút công chúng trong thời gian ngắn nhất.
Vậy năng khiếu là gì? Theo từ điển tiếng Việt (nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1997). Năng khiếu là “tổng thể nói chung những phẩm chất sẵn có giúp con người có thể hoàn thành tốt một loạt hoạt động ngay khi chưa học tập và rèn luyện trong hoạt động đó”. Như vậy, năng khiếu là một tố chất sẵn có, bẩm sinh bên trong con người và những tố chất này giúp họ hoàn thành tốt hoạt động với chất lượng và hiệu quả. Có thể nói rằng, năng khiếu có tín hiệu khả năng đến với nghề, là cơ chế khởi động hình thành phẩm chất nghề nghiệp; như là chất kích thích, xúc tác trong quá trình tiến hành hoạt động để có thể thể hiện năng lực rõ rệt và đạt hiệu quả cao nhất. Các đồng nghiệp báo Nhân Dân thường nhắc đến nhà báo Thép Mới với tâm phục, khẩu phục. Ông đi cơ sở không mấy khi ghi chép, chủ yếu là nghe, quan sát, suy ngẫm (thi thoảng ghi chép vài con số) nhưng ngay sau đó đã có bài phóng sự đầy ắp chi tiết, sinh động và tràn đầy hơi thở cuộc sống, hấp dẫn người đọc. Có lần ông kể, dịp nọ từ sân bay ra Hà Nội vào cuối năm, chưa kịp “thưởng thức” cái rét thủ đô, ban biên tập gợi ý viết bài ký cho báo Xuân. Tối hôm ấy, nhét gói thuốc lá vào túi, ông đi dạo vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Đi được nửa vòng, ông “à” nhẹ một tiếng và quay về, ngồi vào bàn, viết một mạch hơn một giờ xong bài ký ngoài sự tưởng tượng của nhiều người. Thép Mới là nhà báo lão thành, tài năng vượt trội với năng khiếu sở trường về thể loại ký và phóng sự.
Những cấp độ của năng khiếu
Năng khiếu báo chí có thể được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ:
Thứ nhất, đó là tổ chức tư duy, hiểu nhanh, tiếp thu nhanh, có khả năng phát hiện, phán đoán nhanh và chính xác về bản chất và xu hướng vận động của sự kiện, vấn đề đang diễn ra. Đó là sức bật của trí tuệ, độ linh hoạt của tư duy, khả năng ứng biến trong những hoàn cảnh phức tạp và tức thời, có thể giải thích và giải đáp vấn đề công chúng quan tâm một cách thuyết phục. Đó là khả năng chịu được áp lực công việc cao. Có thể người có học vấn và trình độ cao nhưng chưa hẳn làm báo tốt là do vậy.
Thứ hai, đó là tố chất phát hiện sự kiện và vấn đề khi mới manh nha, phát hiện và “chắp nối": mối liên hệ giữa sự kiện với vấn đề nóng hổi mà xã hội quan tâm hoặc tiềm ẩn sự quan tâm; biết cách tiếp cận, nghiên cứu, khai thác thông tin dữ liệu, đặc biệt là khả năng quan sát phát hiện những chi tiết bình thường mà tiêu biểu để có thể lột tả bản chất sự kiện trong sự so sánh, đối chiếu, lập luận nêu bật giá trị thông tin.
Thứ ba, đó là tố chất giao tiếp hòa nhập nhanh với các nhóm xã hội, biết lắng nghe, chia sẻ và thuyết phục trong hoạt động thu thập thông tin. Có khả năng thiết lập và củng cố các mối quan hệ nghề nghiệp, quan hệ công việc cho việc thu thập và xử lý thông tin – dữ liệu. Trong truyền thông, khả năng hòa nhập nhanh và biết tạo ra những tương tác bình đẳng trong nhóm, trong xã hội nhằm lôi kéo công chúng vào những vấn đề trọng tâm để bàn luận và có khả năng dẫn dắt câu chuyện đến đích đã định là điều hết sức cần thiết.
Thứ tư, đó là năng lực sáng tạo, thể hiện tác phẩm báo chí (bằng ngôn ngữ chữ viết, ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ hình ảnh, hoặc là sự kết hợp hay là sự xuất hiện trước công chúng…). Cấp độ này thể hiện năng khiếu rõ nhất và dễ nhận biết nhất. Ở cấp độ này, mỗi nhà báo có những thiên hướng không giống nhau. Có người rất giỏi thể hiện tài năng ở thể loại phóng sự, ký hay tiểu phẩm nhưng lại không thể viết được ở thể loại bình luận.
Năng khiếu báo chí cần có môi trường và điều kiện thể hiện. Đó là môi trường gia đình, xã hội có thể giúp cho việc bộc lộ tố chất đặc thù này. Năng khiếu có mối quan hệ chặt chẽ với vấn đề học tập, rèn luyện.
Có tố chất năng khiếu rõ rệt, nhưng không có điều kiện và thiếu ý chí học tập thì những tố chất năng khiếu có thể bị mai một. Trong trường hợp này, nếu có chí học tập, rèn luyện với môi trường và điều kiện cho phép, những tố chất năng khiếu sẽ “ra hoa, kết trái” phát triển thành tài năng. Ngược lại, có 10% năng khiếu nhưng thiếu nghị lực và ý chí… thì cũng khó trở thành nhà báo thực thụ. Điều kiện ở đây bao gồm việc sử dụng và huấn luyện của cơ quan báo chí. Tổng biên tập nên và cần biết thế mạnh, sở trường của từng người để bồi dưỡng, sử dụng và phát huy. Còn mỗi người nên tự phát hiện năng lực sở trường của mình mà chú tâm rèn luyện, thể hiện, để có thể nhanh chóng trưởng thành trong nghề nghiệp.
Chọn người có năng khiếu để đào tạo
Làm thế nào để phát hiện những người có năng khiếu báo chí? Đây là câu hỏi đặt ra nhiều năm nay nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng, để phát hiện những người thông minh, có năng lực và phương pháp tư duy phù hợp, đồng thời qua thử việc giao việc cụ thể (tất nhiên không phải kỳ thi tuyển nào cũng chú trọng những tố chất làm báo). Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhiều năm có thi tuyển môn năng khiếu báo chí. Đề thi ngày càng được cải tiến nhằm kích thích năng lực tư duy sáng tạo cũng như kỹ năng thể hiện. Mọi nỗ lực của nhà trường nhằm tuyển chọn được những sinh viên có khả năng phát triển nghề nghiệp.
Qua khảo sát hơn 200 tổng biên tập các cơ quan báo chí hiện nay, hơn 90% số người được hỏi cho rằng làm báo phải có năng khiếu. Việc đào tạo chủ yếu tập trung cung cấp những kiến thức cơ bản về báo chí và hoạt động tác nghiệp, tạo điều kiện và kích thích năng lực sáng tạo, khả năng bộc lộ tố chất năng khiếu và uốn nắn những lệch lạc có thể có ở người học. Nếu không được tuyển chọn người thật sự có năng khiếu, hiệu quả đào tạo sẽ rất hạn chế.