Báo chí không nên chạy đua về tốc độ với mạng xã hội

Thứ hai - 13/01/2020 10:01
Ở Việt Nam hiện có 868 tờ báo in và điện tử, 67 đài PT-TH, 94 cơ quan chủ quản, 6 cơ quan báo chí đa phương tiện (số liệu cập nhật ngày 7.7.2019) doanh thu quảng cáo đạt 65 triệu USD/năm; 34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền, doanh thu quảng cáo trong lĩnh vực truyền hình đạt 414 triệu USD/năm.

Việt Nam đã cấp phép cho 436 mạng xã hội trong nước với số lượng người dùng ước đạt 46 triệu, trong đó Zalo là mạng xã hội lớn nhất với số lượng người dùng khoảng 40 triệu người, doanh thu quảng cáo đạt 7 triệu USD/năm. Trong khi đó, hai mạng xã hội nước ngoài là Facebook và Google có tổng cộng 95 triệu người dùng, doanh thu quảng cáo của hai mạng xã hội (MXH) này ước đạt 370 triệu USD/năm.
111
Việc internet và mạng xã hội bùng nổ đã làm ảnh hưởng đến văn hóa đọc của mọi công dân toàn cầu, nhất là Châu Á. Theo truyền thông, trung bình mỗi người Trung Quốc chỉ đọc 0,7 quyển sách/năm, Việt Nam 0,8 quyển, Ấn Độ 1,2 quyển, Hàn Quốc là 7 quyển. Chỉ có Nhật Bản là có thể sánh với các nước phương Tây với 40 quyển/năm, riêng người Nga là 55 quyển. Năm 2015, có 44,6% số người Đức đọc ít nhất một cuốn sách mỗi tuần. Con số tương tự ở các nước Bắc Âu.

Tuy người châu Á đọc sách ít nhưng lại là đối tượng truy cập vào các mạng xã hội đông nhất, trong đó có Việt Nam. Theo báo cáo tháng 4.2018 của tổ chức Weare Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam rất cao, đứng thứ 7 thế giới với 58 triệu người, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đứng thứ sáu trong những thành phố đông người dùng Facebook nhất với 14 triệu thành viên. Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt Nam tương ứng 7 giờ và 2,5 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%. Ngôn ngữ tiếng Việt cũng nằm trong top 10 trong các ngôn ngữ trên Facebook. Điều đó có cả mặt mạnh và mặt hạn chế của nó.

Mạng xã hội có nhiều mặt tác động xấu đến báo chí nhưng với tốc độ phát triển hiện nay, giải pháp đề xuất của các nhà báo đều nêu rõ: Báo chí và mạng xã hội cần liên kết với nhau, hợp tác và phát triển. Báo chí cần tận dụng lợi thế của mạng xã hội để làm kênh thông tin chính thống của cơ quan báo chí, linh hoạt tổ chức sản xuất các tin bài trên nhiều tuyến để đảm bảo tính thời sự, phù hợp với các hình thức phân phối thông tin khác nhau như trên mạng điện tử, kênh mạng xã hội, báo giấy…Nhà báo cần trau dồi kiến thức và kỹ năng tác nghiệp trong môi trường số, trên hết đó là nâng cao đạo đức làm báo trong môi trường mạng xã hội.
111

Những người làm báo in bản lĩnh không dại gì chạy đua tốc độ cự ly ngắn với báo mạng. Mà dân báo in sẽ dùng sự trung thực chính xác của thông tin tạo niềm tin đối với bạn đọc. Những người làm nhật báo (báo ngày) thì còn cần nhiều tin thời sự nóng hổi nên cần cạnh tranh từng giây phút về thời gian công bố tin bài. Chính vậy nhật báo trở nên khó khăn khi cứ phải chạy đua tốc độ để chiếm được độc giả. Còn báo tuần, do tự chủ hơn về tốc độ - nên thời gian lại là thế mạnh của báo tuần, báo tháng, của tạp chí chuyên ngành. Các loại báo khi không cần chạy đua tốc độ thì sẽ cần độ chín, độ sâu, sự chắc chắn và sự kết nối liên tục của các vệt, các chuỗi thông tin. Đó là loại tác nghiệp phù hợp với chu kỳ ra báo trên dưới một tuần của tuần báo, hay dài hơi hơn một chút của báo bán nguyệt san, nguyệt san. Như vậy, về tương lai của báo in có thể là mô hình báo cách ngày, báo tuần, tạp chí là phù hợp nhất. Báo tuần là cỗ xe tăng bánh xích đột phá vấn đề chứ không phải cỗ xe đua công thức F1 chạy đua tốc độ săn tin thời sự.

Và cũng nên nói một chút về quy hoạch và tính tôn chỉ mục đích, rằng thị trường báo chí chỉ rạch ròi khi chính những người làm báo rạch ròi về loại hình cũng như tính chất nội dung từng loại hình báo chí để đứng vững trên trận địa thông tin của mình. Nếu chúng ta chỉ quy hoạch báo chí theo cách gom lại những đầu báo về cùng một cơ quan chủ quản mà không quy hoạch loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử (và trang điện tử)… thì rất có thể chỉ đáp ứng được nhiệm vụ tinh gọn bộ máy để dễ dàng chỉ đạo theo quy hoạch, nhưng lại rơi vào tình thế vô tình nhường trận địa cho mạng xã hội vốn không bị quản lý chặt chẽ có đất tung hoành hơn là hệ thống báo chí.

Khi phóng viên và tòa soạn tờ báo không còn yếu tố chịu nhiều sự áp lực phải cạnh tranh tốc độ với thông tin trên mạng xã hội, thì báo chí sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc thông tin chính xác và trung thực cho bạn đọc, đáp ứng tốt hơn việc thực hiện tôn chỉ mục đích của một tờ báo, tránh được những khiếm khuyết hiện nay.

Trong một buổi nói chuyện với Hội nghị báo cáo viên ngày 5.7.2019, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã có ý kiến như sau: “Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị trước đây đã đưa ra quan điểm rất hay là khả năng quản lý tới đâu thì phát triển tới đó, nhưng thời gian qua chúng ta đã để cho Internet và mạng xã hội phát triển quá đà trong khi văn bản pháp luật chưa có, dẫn đến việc quản lý hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Cần phải có các biện pháp kỹ thuật để xử lý vấn đề này: Đừng lo tự do Internet ảnh hưởng đến nhân quyền, ngôn luận”.
Huỳnh Dũng Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây