Bên cạnh những phóng viên nhiệt tình, năng động, tác nghiệp một cách sáng tạo, chấp hành nghiêm túc kế hoạch, kỷ luật của cơ quan thì vẫn còn có những người mang tiếng là nhà báo nhưng ý thức kỷ luật kém, chây ì, thụ động không bao giờ thực hiện đúng lời hứa khi thực hiện nhiệm vụ.
Trong suốt nhiều năm làm công tác trong nghề báo, làm quản lý, biên tập tin bài, điều mà tôi trân trọng, khâm phục nhất là những đồng nghiệp, phóng viên biết xây dựng tác phong làm việc khoa học, xử lý công việc đâu vào đấy, với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ” và không ngừng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, nhiệm vụ cơ quan đặt ra.
Trong cuộc sống, công việc hàng ngày, tôi cũng rất thích những ai làm việc một cách nhiệt tình, có tâm, có tư duy, có sự sáng tạo và luôn cố gắng nỗ lực rèn luyện tác phong đó ngày càng chuyên nghiệp hơn. Với phương châm lấy hiệu quả công việc làm thước đo cho năng lực của bản thân, nhiều phóng viên, nhà báo luôn xây dựng cho mình lề lối làm việc “mình vì mọi người”, sẵn sàng học hỏi người khác và chỉ bảo cho bạn bè, đồng nghiệp để cùng tiến bộ.
Ở các cơ quan báo chí, với tinh thần, trách nhiệm được giao, nhiều phóng viên đã nỗ lực trong mọi công việc, hoạt động chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ một cách cao nhất. Bằng sự nỗ lực, nhiệt tình với công việc chuyên môn, không những hàng ngày đều vượt định mức giao rất cao, có nhiều bài viết có chất lượng, mà những phóng viên đó còn được lãnh đạo cơ quan khen thưởng, biểu dương.
Thế nhưng, một thực tế cho thấy, ở các cơ quan báo chí, vẫn còn một bộ phận phóng viên, mang danh là nhà báo hẳn hoi nhưng tinh thần làm việc luôn thụ động, không có sự năng động trong quá trình tác nghiệp nên việc phát hiện đề tài, vấn đề để phản ánh chưa nhiều, chưa hay. Một số phóng viên khi phát hiện được đề tài, vấn đề hay, nhưng do khả năng diễn đạt còn yếu nên bài viết thiếu sinh động, thiếu hình ảnh, không lột tả được hết những gì cần phải nêu lên.
Qua công tác biên tập, có thể thấy một hạn chế lớn nhất lâu nay của một số phóng viên là chưa chú ý đến việc viết sapô đặt tít bài, tít xen, trang trí cho bài viết của mình. Vì vậy việc đặt tít bài còn rất yếu, phần lớn theo kiểu cho xong việc, hoặc theo lối mòn như hô khẩu hiệu và trông chờ ỷ lại vào người biên tập, duyệt bài. Không những vậy, rất nhiều phóng viên khi hành văn còn bị lỗi chính tả, câu cú lủng củng, cụt què. Có những phóng viên vẫn lặp đi lặp lại những lỗi chính tả cũ, nhất là không phân biệt những từ “đồng âm dị nghĩa” cho dù đã biên tập, nhắc nhở rất nhiều lần.
Điều đáng buồn hơn, có người vẫn rất “vô tư” trả lời là hầu như ít khi đọc lại tác phẩm của mình đã đăng báo, cùng lắm là chỉ đọc cái tít, phần đầu và phần cuối bài là xong. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến họ không nâng cao được kỹ năng, tay nghề trong quá trình làm báo. Bởi vì đã thiếu kỹ năng nhưng lại không cần cù, chịu khó đọc lại, học hỏi, rút kinh nghiệm qua biên tập nên họ vẫn mãi tụt hậu, chậm nhịp so với guồng máy chung.
Một điều phải nói đến nữa đó là tinh thần, trách nhiệm của một số người đối với công việc chưa cao, làm việc theo kiểu được chăng hay chớ, có tâm lý đối phó là chính. Nói một cách khác là làm việc mà “thiếu lửa” mặc dù đã công tác ở cơ quan báo chí đã lâu năm nhưng tác phong, cách làm việc vẫn theo kiểu “ở trên mây”, không chịu khó tư duy, tìm tòi, đào sâu vấn đề, nhất là không có kế hoạch, không tổng hợp, xâu chuỗi được sự kiện, vấn đề, nên hầu hết những bài viết vẫn nhạt nhòa, theo dạng cho có.
Bên cạnh đó, ở một bộ phận phóng viên vẫn tồn tại tâm lý làm việc theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, cho dù đã được cơ quan triển khai kế hoạch từ rất lâu. Điển hình như trong việc thực hiện kế hoạch báo xuân hàng năm, cho dù cơ quan xây dựng kế hoạch, triển khai từ nhiều tháng, rồi hàng tuần cũng liên tục động viên đôn đốc, nhưng đến hạn nộp bài thì không ít người khi hỏi đến lại “mặc cả, kỳ kèo như đi chợ”, cứ hẹn lần hẹn lữa khất ngày này qua ngày khác. Quả thật, nếu cả cơ quan báo chí mà phần lớn phóng viên có cách làm việc như vậy thì việc “bể” kế hoạch tin bài, tuyên truyền là điều không thể tránh khỏi.
Nghề báo là nghề vất vả, đòi hỏi những người làm báo luôn phải cố gắng học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn mới theo kịp guồng máy, sự phát triển với tốc độ nhanh của báo chí. Vì vậy, đối với những người làm báo theo kiểu cầm chừng, không có hướng phấn đấu tích cực hơn, không nâng cao trình độ tác nghiệp, thể hiện khả năng, cứ buông xuôi thả nổi trong công việc thì chắc chắn không chóng thì chầy cũng sẽ bị đào thải, bởi vì không theo kịp với áp lực công việc.
Tường Mạnh
Theo Người làm báo Đắk Nông