Trong hơn 30 năm làm báo đến hôm nay khi hoàn thành nhiệm vụ với Nhà nước, tôi mới hiểu rằng, nghề báo mà tôi trải qua có nhiều điều muốn nói, muốn bộc bạch cùng các bạn trẻ khi mới mới vào nghề. Bởi tôi hiểu rằng, khi xã hội và đất nước ta càng phát triển, thì báo chí nói chung, từng loại hình báo chí nói riêng lại càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống hàng ngày của mỗi một đất nước, một dân tộc. Đối với nước ta, báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là vấn đề giải trí đơn thuần, mà báo chí chúng ta còn có chức năng tuyên truyền, cổ vũ, nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào xây và bảo vệ đất nước, báo chí còn tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và định hướng hành động của các tầng lớp quần chúng nhân dân, nhất là trong thời đại 4.0 như hiện nay thì báo chí cách mạng như ngọn đuốc soi sáng con đường đổi mới đất nước.Nghề báo, bất kể là báo in, báo phát thanh, báo hình hay điện tử hiện nay có thể được được xem là một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, do vậy đòi hỏi các phóng viên, nhà báo khi đã bước vào nghề cần phải luôn đề cao tính năng động, tính sáng tạo và đương nhiên rất cần đến một sự trải nghiệm thường xuyên và liên tục không ngưng nghỉ trong tác nghiệp. Việc các phóng viên, nhà báo muốn tiến đến mục tiêu là một nhà báo chân chính, theo tôi nó cần đòi hỏi mỗi phóng viên, nhà báo phải có hiểu biết rộng và sâu cộng với sự đam mê nghề nghiệp. Điều quan trọng là phải luôn năng động, có tính bền bỉ, dẻo dai về sức khỏe…nhất là với một nhà báo, phóng viên miền núi như ở Lạng Sơn. Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã có rất – rất nhiều lần đến với cơ sở vùng khó khăn và đã có đến hàng chục lên phải ăn, nằm ở các cơ sở đó để tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với bà con các dân tộc ít người để nắm, để hiểu đời sống và sản xuất của bà con nơi mình định viết, định làm phóng sự về vùng đó. Như vậy ,nếu không có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai thì làm sao có được tác phẩm báo chí hay được. Một lần tôi cùng anh bạn đồng nghiệp đến với bà con dân tộc Dao thôn Khuổi Cay, xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn phản ảnh về đời sống của bà con nơi đây. Sau gân 2 ngày, gọi là ăn nghỉ tại cơ sở đó mới biết. Đã lâu bà con nơi đây chưa hề biết đường giao thông bê thông thế nào, điện lưới và nhiều thứ khác bà con chưa hề được tiếp cận. Họ chỉ tự cung, tự cấp làm ăn nuôi sống gia đình, khi nghe nhà báo nói về điện, đường giao thông, trường học… nhiều bà con cứ ngơ ngác và ước mong có một ngày ở đây sẽ được hưởng chính sách đó của Nhà nước mang đến cho họ. Tác phẩm phóng sự truyền hình: Hương Quế Khuổi Cay sau đó được phát sóng và tham gia dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc được đánh giá cao. Điều mừng hơn là sau đó, người dân Khuổi Cay đã được Nhà nước đầu tư xây dựng đường điện, đường giao thông và các công trình khác khá đầy đủ và hiên nay bà con dân tộc Dao nơi đây đang chung sức xây dựng nông thôn mới. Hạnh phúc của người phóng viên, nhà báo là được người dân họ ghi nhận và rất nhớ đến chúng tôi mỗi khi được trở lại quê hương họ.
Trong đời hoạt động báo chí, tôi đã nhiều lần phối hợp cùng với các đồng nghiệp của đài của báo tỉnh và một số báo TW và tỉnh bạn kịp thời ghi lại những khoảnh khắc của sự kiện đang diễn ra trên địa bàn tỉnh để có được những hình ảnh đẹp. Tuy nhiên để có được những vấn đề đó chúng tôi đã dành cho nhau những điểm, những vị trí thuận lợi để tác nghiệp, nhiều lần đã phải tác nghiệp trong điều kiện vô cùng khó khăn, như phải đi bộ nhiều km, lần theo đường mòn núi đá, lội suối, leo lên cây để tác nghiệp. Nghề báo cũng là một nghề đặc thù ở chỗ là: làm việc bất kể nắng, mưa, rét mướt, trời tối, thậm chí có khi thức đêm…để sáng tạo tác phẩm báo chí. Một lần tôi cùng một đồng nghiệp của Đài PT-TH tỉnh đi bộ gần chục km đường núi, đường rừng để đến được thôn Thâm Xi, xã Tân Tri, huyện Bắc Sơn để làm phim khoa giáo nơi bà con dân tộc Dao thôn đó trồng Nấm hương trên gỗ có hiệu quả. Kết quả là phim đó đã đạt giải Liên hoan truyền hình toàn quốc tại Quảng Ninh.
Nghề báo là như vậy, còn muôn kiểu khi tác nghiệp mà quãng đời làm báo của tôi chưa kể xiết được, hy vọng trong bài viết này chỉ hé mở đôi điều mà các đồng nghiệp đã từng gặp như tôi và mong được các đồng nghiệp cùng tham khảo./.
Bài, Ảnh: Lương Xuân Tam Hội Nhà báo tỉnh Lạng Sơn