Dẫn hiện trường là một hình thức thể hiện hiệu quả của truyền hình hiện đại. Sự xuất hiện của phóng viên truyền hình tại địa điểm diễn ra sự kiện làm tăng sự tin cậy của công chúng. Sự hiện diện của phóng viên tại hiện trường các vụ hỏa hoạn, lũ lụt, tai nạn giao thông hoặc tại vùng đang có chiến sự làm tăng tính chân thực của phóng sự.
Với một biên tập viên truyền hình khi quyết định dẫn hiện trường hãy tự hỏi: “ Tại sao mình lại phải dẫn”? Việc dẫn có giúp kể lại câu chuyện không? Sự xuất hiện của bạn có giúp thu hút sự chú ý của khán giả không? Ngoài ra bạn còn phải tự vấn: Có cần thiết phải có bạn trong câu chuyện, địa điểm này không?Dẫn hiện trường có phải phong cách của đài của bạn không? Và câu hỏi cuối cùng việc dẫn của bạn có thay thế được cảnh thích hợp bị thiếu trong phóng sự hay không?
Khi bạn tự trả lời những câu hỏi trên một cách rõ ràng thì không có lý do gì bạn lại không xuất hiện trong phóng sự ” nóng bỏng” của mình!
Vậy dẫn hiện trường ở đầu, giữa hay cuối của phóng sự? Xin thưa ngay không có niêm luật báo chí nào quy định thời điểm dẫn chương trình trong một phóng sự; Không quan trọng ở đầu, cuối, giữa phóng sự. Điều quan trọng nhất là giúp kể câu chuyện một cách tốt nhất.
Trong tin tức, phóng sự phóng viên dẫn hiện trường thường xuất hiện ở cuối phóng sự. Đó là cách khi phóng viên cần tóm tắt những diễn biến cuối cùng của sự kiện mà bạn phản ánh. Các phóng viên giỏi, có kinh nghiệm thường đưa ra một vài phân tích về sự kiện ban đang chứng kiến và đưa tin. Phóng viên Lê Hồng Quang của Đài truyền hình Việt Nam tại Châu Âu thường dẫn ở cuối phóng sự, tin tức do kíp phóng viên của anh thực hiện.
Rõ ràng những phân tich ngắn gọn, những lời kết của Lê Hồng Quang làm công chúng truyền hình Việt Nam đón nhận với sự tin cậy.
Tuy nhiên bạn đừng bao giờ dẫn hiện trường vào cuối phóng sự khi bạn có những hình ảnh mạnh, âm thanh ấn tượng kể câu chuyện khi chia tay với công chúng của mình.
Trong một ý nghĩa khác dẫn hiện trường còn là cầu nối giữa hai ý có liên quan trong phóng sự. Hơn thế dẫn hiện trường còn giúp chúng ta vượt qua bối cảnh đi vào diễn biến câu chuyện.
Dẫn hiện trường sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn khi viết lời bình cho phóng sự. Bạn cần lưu ý khi dẫn hiện trường bạn hãy dẫn vài câu ngắn, tránh đưa các con số vì nó sẽ không phù hợp khi bạn làm hậu kỳ.
Phần cuối của của bài viết này chúng tôi muốn đưa ra một số tiêu chí đánh giá về dẫn chương trình truyền hình : Thông tin chính xác; Dễ hiểu, đơn giản; Tự nhiên trong câu chuyện; Tạo sự tin cậy; Thuyết phục công chúng; Tạo hứng thú cho công chúng; Sinh động, lôi cuốn công chúng của bạn.