Một bài viết rất khó đặt tên

Thứ năm - 06/02/2020 11:21
“Tôi viết ra những dòng này,hi vọng có thể góp phần cùng anh chị em trong VTV6 lưu giữ mãi những cảm xúc thiêng liêng, đẹp đẽ về: “Quảng Trị - Sáng mãi niềm tin chiến thắng”. Hi vọng chúng ta sẽ tiếp tục trưởng thành để thực hiện được nhiều chương trình hay và ý nghĩa hơn nữa bằng trái tim ấm nóng của những con người tài năng và bản lĩnh trong nghề nghiệp”

Hôm nay ngồi viết những dòng này tôi thấy thật khó khăn bởi có quá nhiều điều tôi muốn viết, nhưng lại không biết bắt đầu tư đâu, cũng không biết diễn đạt như thế nào.
111
Một tiết mục trong Chương trình Giao lưu nghệ thuật “Quảng Trị - Sáng mãi niềm tin chiến thắng”
Tôi nhận tin mình tham gia vào nhóm làm nội dung chương trình kỷ niệm 40 năm chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị một ngày đầu tháng 3/2012. Lúc đó, chỉ thấy có gì đó vui: A, mình sắp được thử sức trong một chương trình mới.

Thế mà bây giờ, đã hơn 7 năm trôi qua, khi chương trình truyền hình trực tiếp về Quảng Trị đêm 27/7/2012 kết thúc, Quảng Trị đã trở thành một phần trong con người, trong cuộc sống, trong mỗi vui buốn của tôi.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Quảng Trị cách đây đúng 12 năm. Khi đó, tôi còn là một con nhóc sinh viên, chỉ biết hỏi đi hỏi lại: Sao cây cối ở nơi này xanh thế chỉ biết tự trách mình: Sao cứ khóc như một đứa trẻ? Và hồn nhiên cùng đám bạn chụp ảnh bên dòng Thạch Hãn. Dòng sông trôi nghiêng nghiêng. Êm như dòng sông quê tôi...

Thế mà bây giờ, nếu trở lại Quảng Trị, tôi vẫn khóc như một đứa trẻ trước những con đường, trước mỗi hàng cây; vẫn khóc trước mỗi kỉ vật trong bảo tàng, khi giọng thuyết minh của các anh chị hướng dân viên trong Thành Cổ cất lên... Tôi vẫn khóc, như thể lần đầu tiên tôi đến mảnh đất này; mà tôi khóc, cũng như thể tôi được trở về một nơi nào thân thương, gần gũi lắm... Chỉ có điều, tôi không còn ngô nghê hỏi: Sao cây xanh lạ thế? Tôi cũng không còn thấy dòng Thạch Hãn hiền như xưa. Mỗi câu chuyện với mỗi người cựu chiến binh tôi gặp; mỗi địa danh lịch sử chúng tôi đi qua; mỗi thông tin chúng tôi thu lượm được hằng ngày đều cho tôi thêm hình dung rõ nét về 81 ngày đêm bi tráng của một thế hệ anh hùng.

Tôi tự trách mình về những dằn vặt tầm thường mà tôi đã trải qua, tự thấy mình phải biết yêu những gì mình đang có, tự dặn mình hãy thấy hạnh phúc vì được sống trong hòa bình, vì được có một tuổi trong hòa bình, thay vì hơi chút là chán ghét, là ta thán... nói nghe có vẻ sách vở, nhưng quả thực tôi đã cảm thấy rất tự hào vì được là công dân của đất nước Việt Nam – một đất nước bé nhỏ nhưng rất đỗi anh hùng.

Tôi biết, trong đời làm nghề, có lẽ may mắn lắm mới có được một, hai chương trình lớn như thế này để tham gia, để học tập, để trưởng thành. Tôi biết, có những chuyện tôi và các anh chị đồng nghiệp đã trải qua giống như một giấc mơ mà mãi mãi tôi không thể nào quên. Tôi biết, mình sẽ mãi hối tiếc vì đã không thể tham gia chương trình, người anh em, người chú, người bác mới... dù tôi được biết mặt hay chưa một lần gặp mặt. Tôi cũng biết, có những người rất yêu thương tôi, sẵn sàng chia sẻ cùng tôi... Những tình cảm đó vượt lên cả tình đồng nghiệp đơn thuần, nó trở thành tình anh chị em, tình thân mà tôi tin, không phải ở môi trường làm việc nào tôi cũng tìm thấy.

Tôi đã khóc khi đọc Facebook của mọi người ở cơ quan trong suốt quá trình làm chương trình về Quảng Trị. Tôi khóc khi một đồng nghiệp “sành điệu” dường như sống rất gấp, rất hiện đại viết những dòng khiến bất cứ ai cũng có thể yêu Quảng Trị. Tôi khóc khi một em sinh viên là cộng tác viên lần đầu tiên được đến Quảng Trị chia sẻ cảm xúc của mình... Tất cả ê-kíp hơn 100 người từ ít tuổi nhất đến nhiều tuổi nhất dường như đều thở chung một bầu không khí, đều đập chung nhịp của một trái tim. Và họ đều đã khóc. Có người đàn ông 34 tuổi khóc như một đứa trẻ. Và có những đưa trẻ - như chúng tôi – khóc để lớn hơn. Cũng có những giọt nước mắt chảy âm thầm, để khẳng định VTV6 chúng tôi có thể làm những điều mà nhiều người cho rằng: chưa thể.

Hôm nay ngồi viết những dòng này, Tôi thấy thật khó khăn bởi có quá nhiều điều tôi muốn viết, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, cũng không biết diễn đạt như thế nào. Vẫn có điều gì đó đang nghẹn lại, vẫn có những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài vì có quá nhiều vất vả của các anh chị  phụ trách (tổ sản xuất, nội dung, sân khấu...) đã trải qua mà không phải ai cũng biết, cũng không phải có thể viết ra đủ để mọi người cùng hiểu.
 
Phạm Lan Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây