Tôi theo đuổi ước mơ làm báo từ một câu chuyện “nghe lỏm” của một nhà báo làm phóng sự về một chàng thanh niên học giỏi nhưng nhà nghèo. Anh ấy phải tranh thủ đi bơm ga bật lửa vào ban ngày và rửa bát thuê cho nhà hàng vào ban đêm để có tiền đi học. Đó là câu chuyện truyền cảm hứng đầu đời và tôi theo đuổi ước mơ làm báo từ đó. Vì tôi nghĩ làm báo sẽ gặp được những con người thú vị và những câu chuyện thú vị. Và thực sự nghề đã cho tôi những câu chuyện truyền cảm hứng cho cuộc đời mình.
Nghị lực của những học sinh nghèo
Phóng sự đầu tiên tôi thực hiện là gương một gia đình nghèo có 3 người con đều là học sinh giỏi quốc gia ở xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên. Gần 9 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người cha khắc khổ, vai áo bạc màu, đi chiếc xe Cub 50 chở cây cảnh giao khắp nơi để lấy tiền nuôi con ăn học. Thấu hiểu cảnh nhà, mẹ đau yếu, ruộng đất chật chội, bố phải bươn chải vất vả, ba người con đều nỗ lực hết sức để học hành. Và quả ngọt đã đến khi cả 3 người con đều là những học sinh xuất sắc của Trường THPT Chuyên Hưng Yên. Đặc biệt, cả 3 đều có niềm đam mê với môn địa lý và đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia ở bộ môn này. Khi tiếp xúc với gia đình để làm phóng sự, tôi cảm nhận như họ học bằng một ý chí như ngọn lửa khát khao cháy bỏng được vươn lên tỏa sáng. Khi ấy, tôi nghĩ thực sự nghề đã cho cơ hội được gặp những con người thú vị. Chính những nhân vật này đã truyền thêm cho bản thân tôi niềm đam mê với nghề. Gia đình và câu chuyện của họ là cảm hứng để tôi luôn nỗ lực hết mình để đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Người thầy thuốc giàu lòng nhân ái
Câu chuyện thứ hai tôi muốn nói đến là câu chuyện của một người thầy thuốc đáng kính, với lương tâm nghề nghiệp và yêu thương lan tỏa đã truyền cho tôi niềm tin vào những điều thiện lành luôn ẩn chứa trong cuộc đời này.
Suốt một thời gian dài, tôi rất ghét khi nhắc đến “bệnh viện”. Bởi ở đó không chỉ là bệnh tật, là chết chóc mà còn có những câu chuyện truyền miệng về sự nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận những người mặc áo bluse trắng. Nhưng rồi tôi đã bỏ được cái nhìn có phần cực đoan thái quá về ngành y qua câu chuyện xảy ra cách đây hơn 7 năm. Để tìm hiểu về chủ đề mà mình sẽ phỏng vấn khách mời trong chương trình tọa đàm, tôi đã vô tình nghe được câu chuyện của 2 bác sỹ ở Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên đến tận nhà người bệnh, thuyết phục họ để bệnh nhân ở lại bệnh viện tỉnh phẫu thuật chấn thương sọ não. Vì nếu chuyển đi Hà Nội sẽ vô cùng tốn kém và nguy hiểm cho bệnh nhân trên đường chuyển viện. Bình thường bệnh nhân và người nhà thường có thái độ “cầu cạnh” bác sỹ nhưng đây thì ngược lại. Và tôi đã ấn tượng với vị bác sỹ chuyên khoa ngoại thần kinh đó. Sau này, suốt quá trình tác nghiệp, tôi còn biết rất nhiều lần bác sỹ này đã đứng ra bảo lãnh để phẫu thuật cấp cứu cho nhiều bệnh nhân nghèo dù người nhà không có khả năng chi trả. Thuyết phục người nhà bệnh nhân nghèo điều trị cho họ rồi lại đi tìm những tấm lòng hảo tâm để kêu gọi giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo. Anh chỉ suy nghĩ có một điều “không thể thấy chết mà không cứu”. Có lần chi phí phẫu thuật cho bệnh nhân hết hơn 40 triệu, gia đình nghèo quá đã xin về, chấp nhận cái chết cho người thân của họ nhưng anh vẫn động viên họ ở lại điều trị, rồi lại đi xin đủ tiền hỗ trợ cho bệnh nhân và trợ giúp cuộc sống sau này. Còn rất nhiều những câu chuyện khác về những điều thiện lành anh mang đến cho bệnh nhân đã truyền cho tôi niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
… Và những ước mơ bay xa
Đó là câu chuyện về cô giáo Trần Thị Thúy, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Đức Hợp, huyện Kim Động, người đã đoạt giải đặc biệt trong Diễn đàn giáo dục toàn cầu và trở thành 1 trong 50 giáo viên tiêu biểu trên toàn cầu.
Tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với cô khi làm chương trình Giao lưu về những người phụ nữ truyền cảm hứng. Câu chuyện của một cô giáo lớn lên ở một vùng quê nghèo, dạy học ở mái trường làng nhưng đã kết nối được với hàng ngàn giáo viên trên thế giới, để lớp học của mình thành lớp học “xuyên lục địa” đã thực sự để lại cho tôi rất nhiều xúc cảm tốt đẹp. Điều đặc biệt hơn là có được danh vọng và những cơ hội “đổi đời” ở các quốc gia phát triển hơn nhưng cô giáo Thúy đã khước từ tất cả để trở lại trường làng, tiếp tục truyền cảm hứng cho các trò nhỏ của mình về những ước mơ vươn xa. “Cô Thúy làm được, cô Thúy đến được Canada thì các em cũng làm được”, đó là điều mà cô Thúy luôn muốn khích lệ với các em học sinh nhỏ của mình. Cũng chính điều đó đã khích lệ bản thân một người làm báo nhiều ước mơ như tôi. Ai cũng có quyền mơ ước và sống có đam mê, nỗ lực sẽ làm ta lớn mạnh không ngờ.
Còn có những câu chuyện truyền cảm hứng khác mà tôi có được trong gần 9 năm tác nghiệp của mình. Nghề không chỉ cho tôi được khám phá, được trải nghiệm mà còn được cả cuộc đời. Sau mỗi tác phẩm không chỉ là nhuận bút với cơm áo gạo tiền mà còn là những câu chuyện truyền cảm hứng cuộc đời.