Tác nghiệp trong môi trường số
Thứ tư - 25/12/2019 09:15
Trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo, dù ở môi trường nào cũng phải tìm mọi cách để có được nguồn tin sớm nhất, trung thực nhất cung cấp tới bạn đọc trên cơ sở phân tích bản chất của sự kiện, thông tin. Nhà báo có một nền tảng kiến thức, kinh nghiệm tốt thì có được thông tin nhanh và chuẩn xác. Hoạt động trong môi trường công nghệ kỹ thuật số, để có được nguồn tin nhanh và chuẩn xác thì mỗi nhà báo cần phải thận trọng, đề phòng tất cả các khả năng có thể xảy ra, cần phải có cái nhìn nhiều góc độ, phán đoán đúng, đặc biệt là vẫn phải đến tận nơi diễn ra nguồn tin để viết, phân tích, nhận định…
Truyền thông số là truyền thông trong mạng kỹ thuật số, internet. Hiệu ứng thông tin tuyên truyền trong mạng kỹ thuật số nhanh, rộng. Một thông tin trên mạng, thậm chí một câu nói được viết đăng trên mạng cũng có thể gây ra hiệu ứng truyền thông số. Tương tự, trong một bài báo đăng trên mạng internet lỡ viết một câu “sơ sểnh”, không đúng thì phản ứng ngược là rất nhanh. Bởi vậy, mỗi nhà báo cần có nhiều kỹ năng, quan trọng nhất là nền tảng tri thức, tính nhân văn đối với xã hội con người để không “vùi dập” hiện tượng, sự việc, không câu “view”, câu “like”… Nhà báo phải có tâm trong môi trường truyền thông mới này.
Tuy nhiên, để bảo vệ bản thân mình tác nghiệp trong môi trường số, thực tế hiện nay kỹ năng an toàn số của nhà báo, phóng viên còn nhiều hạn chế. Trong nhiều sự cố tấn công mạng vào Việt Nam thì không hiếm trong số đó liên quan đến nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí. Những sự cố chủ yếu như nhà báo bị khóa tài khoản facebook cá nhân; bị lập facebook giả mạo và đăng tin, bài vào tài khoản giả mạo này. Có trường hợp nhà báo bị bôi nhọ trên mạng xã hội; bị viết, nói không đúng sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của nhà báo… Tất cả những việc làm này chủ yếu với mục đích “dằn mặt” nhà báo, phóng viên trước những công việc họ đang làm mang lại hiệu quả tốt cho xã hội, cộng đồng nhưng lại ảnh hưởng không tốt đến lợi ích của riêng tổ chức, cá nhân đó. Ngoài ra, nhà báo có thể phải đối mặt với việc bị giám sát; bị khai thác phần cứng và phần mềm dữ liệu; tấn công lừa đảo; bị đe dọa, quấy rối online, bôi nhọ và xóa thông tin; chiếm đoạt các sản phẩm báo chí; vi phạm sở hữu trí tuệ, bản quyền… Khi nhà báo bị lập tài khoản giả mạo để phát tán thông tin giả mạo thì mức độ nguy hiểm của tin giả sẽ rất nghiêm trọng.
Chính vì vậy, trước những nguy cơ ảnh hưởng xấu khi hoạt động trong môi trường số, các nhà báo cần phải trang bị những kỹ năng an toàn cho chính mình. Chúng ta có thể tham khảo bộ dụng cụ an toàn cho nhà báo của Internews: Giữ quyền kiểm soát máy tính của mình; bảo vệ dữ liệu của mình; giữ email an toàn hơn; lướt web an toàn hơn; an toàn hơn với wifi; chat và giao tiếp an toàn; khắc phục sự cố khi truy cập; an toàn hơn trên mạng xã hội và trên blog; hãy thực sự xóa dữ liệu của mình; tôn trọng các nguy cơ trong chia sẻ thông tin online; sử dụng điện thoại an toàn hơn; áp dụng “Kỹ năng an toàn” khác.
Ngoài những vấn đề trên, thiết nghĩ nhà báo không nên đăng các thông tin cá nhân và các mối quan hệ gia đình, thân thiết lên facebook, trang mạng xã hội để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, tấn công, uy hiếp. Tuyệt đối không nên cài đặt và sử dụng các phần mềm lạ, không an toàn; đồng thời nên đặt mật khẩu cho những tài liệu quan trọng khi lưu trữ, tắt định vị cá nhân... Theo ông Nguyễn Hòa Văn, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam thì ngoài 2 trụ cột của nghề báo là bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp và tri thức thì trụ cột thứ 3 của nghề trong thời đại hiện nay là nền tảng công nghệ. Nếu không có nền tảng hiểu biết về công nghệ, nhà báo có thể “rước họa” vào thân.
PV