Súc tích, ngắn gọn: Bài học thường trực với mỗi người làm báo
Thứ sáu - 20/12/2019 07:59
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người luôn quan tâm đến công tác báo chí và cho rằng báo chí là vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén, là lĩnh vực quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Người chỉ rõ, báo chí là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Bác là tấm gương sáng và đạt kết quả cao về sự tự rèn luyện để trở thành người viết báo dày dặn. Bác dạy “học viết ngắn, đến cố viết dài ra rồi lại viết ngắn lại”. Đó là quá trình khổ luyện của một tấm lòng yêu nước vĩ đại.
Hay như nhà thơ người Anh Robert Southey cũng đã từng nói: “Nếu bạn muốn sắc sảo thì phải viết ngắn gọn; vì với những từ ngữ như những tia nắng, càng cô đọng bao nhiêu thì càng nóng bỏng bấy nhiêu”.
Chắc hẳn với những người đã vào nghề lâu năm cũng như mới “chập chững” vào nghề, yêu cầu sự súc tích, ngắn gọn trong thể hiện tác phẩm báo chí luôn là nỗi suy tư thường trực, đương nhiên mỗi cá nhân với trải nghiệm nghề sẽ có góc nhìn, sự cô đọng không giống nhau. Tóm lại ngắn gọn chính là sự trợ giúp của sức mạnh. Ngược lại, dài dòng sẽ làm giảm tác dụng của bài viết vì chúng làm mờ tâm điểm, chệch sự chú ý đối với thông điệp chính. Chính vì lẽ đó, những nhà báo nổi tiếng, tầm cỡ thường cân nhắc từng chữ, vứt bỏ những “râu ria” đến khi tâm điểm của bài viết hiện ra rõ rệt, tạo một mạch xuyên suốt, hấp dẫn từ mở đầu đến kết thúc tác phẩm.
Tuy nhiên để làm được điều đó, nghe có vẻ đơn giản nhưng đó là một sự lao động trí óc, rèn giũa ngòi bút nghiêm túc và “đổ mồ hôi”. Những tác phẩm chất lượng không thể ra đời bằng nghệ thuật trong bóng tối, đó là kết quả của sự cần cù, khéo léo. Như có nhà báo từng chia sẻ vui: “Kẻ siêu nhân có thể băng qua tòa nhà cao tầng bằng một cú nhảy duy nhất, nhưng một nhà báo giỏi thì không “phù phép” nào cả, mà cần phải ngồi trước bàn phím để viết một dòng. Rồi một dòng nữa, và một dòng nữa…”. Mỗi nhà báo chân chính trong nghề đều thấu hiểu, mỗi tác phẩm báo chí không chỉ viết một lần là xong. Bản nháp lần một, bản nháp lần hai, bản nháp lần ba… thậm chí những tác phẩm phóng sự, ghi chép, bản nháp có khi đến hàng chục lần. Mỗi lần chỉnh sửa là một lần làm cho tác phẩm báo chí thêm sắc cạnh, màu sắc, đến gần và tương tác tốt hơn với bạn đọc.
Trên nhiều tác phẩm báo chí hiện nay, nhất là báo mạng điện tử, do yêu cầu của thông tin nhanh, kịp thời, đôi khi, nhiều nhà báo, tòa soạn đã “bỏ qua” những hạt sạn về câu chữ trên tác phẩm.
Đặc thù báo Đảng địa phương, để vận động, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, câu chữ càng cần ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Hoàn thành một tác phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, song phải gần gũi, cô đọng, hấp dẫn, thiết thực với cuộc sống nhân dân và được nhân dân đón nhận, như một kênh chuyển tải tiếng nói của Đảng đến với nhân dân và ngược lại, phản ánh, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng… đó là sự suy tư, “đau đáu” thường trực của mỗi người làm báo Đảng chúng tôi trên hành trình nghề của mình.