Xây dựng "thương hiệu" nhà báo
Thứ sáu - 13/12/2019 10:27
"Thương hiệu" là cụm từ gần đây được sử dụng khá phổ biến, dùng để chỉ giá trị sản phẩm mang dấu ấn riêng. Đối với hoạt động báo chí, thương hiệu nhà báo cũng được nhắc đến với sự nể trọng, thường dành cho những nhà báo có tác phẩm báo chí mang dấu ấn cá nhân và có chất lượng cao. Để xây dựng được thương hiệu nhà báo là việc khó, ngoài sự nỗ lực hoạt động nghiệp vụ của cá nhân nhà báo còn cần đến sự quan tâm, tạo điều kiện tốt của các cơ quan báo chí.
Để xây dựng thương hiệu, không chỉ bản thân mỗi nhà báo phải nỗ lực nâng cao nghiệp vụ mà còn cần sự hỗ trợ, quan tâm giúp đỡ của đồng nghiệp và các cơ quan báo chí. Sản phẩm báo chí là sản phẩm mang tính tập thể. Mỗi tác phẩm báo chí mang phong cách riêng, đặc thù riêng của mỗi cơ quan báo chí. Chính vì thế, khi nhà báo có thương hiệu thì cũng góp phần nâng cao vị thế cho cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cần xác định rằng xây dựng "thương hiệu" cho các nhà báo chính là một việc làm góp phần tích cực cho việc xây dựng "thương hiệu" cho chính cơ quan báo chí. Từ đó cơ quan có định hướng, chỉ đạo, tạo điều kiện thực hiện công việc này một cách liên tục, chính xác, có sức thuyết phục cao. Việc tạo điều kiện thuận lợi có thể ở cơ chế chính sách về thời gian, đầu tư trang thiết bị phục vụ tác nghiệp cũng như chế độ đãi ngộ. Các cơ quan tạo điều kiện để những nhà báo có năng lực được tiếp cận những đề tài nóng bỏng, gai góc, từ đó có những tác phẩm báo chí có sức thu hút cao đối với công chúng; nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà báo thông qua các lớp, các buổi tập huấn, sinh hoạt trao đổi nghiệp vụ.
Bất cứ nhà báo nào cũng mong có những tác phẩm báo chí hay, tạo dư luận tốt trong xã hội. Để có được tác phẩm báo chí chất lượng cao, đòi hỏi nhà báo phải đầu tư thời gian, tâm huyết, tập trung trí tuệ và phải có năng khiếu thể hiện tư duy, ngôn từ. Để tạo nên thương hiệu thì một nhà báo cần phải có không ít tác phẩm báo chí chất lượng cao hoặc tác phẩm báo chí mang dấu ấn đặc trưng. Mỗi nhà báo có thế mạnh trong một số lĩnh vực nhất định, cái chính là tìm và khai thác đúng thế mạnh của mình. Tuy nhiên để biết được thế mạnh của mình và theo đuổi thế mạnh đó, đòi hỏi nhà báo phải say nghề, nỗ lực không ngừng nghỉ. Có người chuyên tâm theo thể loại ghi chép, người theo thể loại phóng sự, điều tra, người lại theo thể loại tùy bút, tản văn...Về các lĩnh vực cũng cần thể hiện sự chuyên sâu: Người thì chuyên về Xây dựng Đảng, người lại chuyên về Văn hóa, Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Công nghiệp, Đầu tư...Cho dù có theo đuổi ở lĩnh vực nào, muốn tạo được thương hiệu cho riêng mình, nhà báo cũng phải tìm tòi những đề tài mang tính phát hiện vấn đề, cách thể hiện hấp dẫn và hiệu quả.
Đối với cá nhân các nhà báo xác định được rằng, việc xây dựng "thương hiệu" cho chính mình là một việc làm thường xuyên có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân nhà báo và với cả cơ quan báo chí. Cần phải phân biệt rạch ròi việc xây dựng "thương hiệu" này, không phải là khoe mẽ, khoa trương; không phải là ở đâu, chỗ nào cũng vỗ ngực ta là thế này, ta làm được cái nọ, cái kia, mà việc xây dựng "thương hiệu" ấy phải được ẩn mình trong mỗi tác phẩm, mỗi chương trình. Nhà báo xây dựng "thương hiệu" bằng cách đầu tư vào tác phẩm. Mỗi tác phẩm báo chí được công chúng hồ hởi đón nhận chính là những viên gạch xây dựng nên hình tượng đẹp của nhà báo trong lòng công chúng. Và đó cũng là những viên gạch xây dựng nên "thương hiệu" của cơ quan báo chí.
Hội nhà báo nên thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức các cuộc thi báo chí để góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà báo tác nghiệp. Hội nhà báo cũng cần tổ chức tốt việc thực hiện chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao của Hội Nhà báo Việt Nam cho hội viên. Những việc làm đó sẽ đóng góp tích cực xây dựng "thương hiệu" cho các nhà báo, cho các cơ quan báo chí.
M.N