Sự dấn thân không mệt mỏi, sự trải nghiệm thầm lặng của những chuyến đi sẽ đem về kinh nghiệm viết để đời cho nghề báo.
“Đường dài mới biết ngựa hay”
Đời làm báo mỗi người một vẻ, có nhà báo sống mãi với thương hiệu của mình (kể cả khi đã qua đời), có nhà báo vi phạm pháp luật phải chịu cảnh tù tội, có nhà báo suốt đời cứ thường thường bậc trung... Rõ ràng, “đường dài mới biết ngựa hay”.
“Đường dài” chính là sự dấn thân đam mê, sự trải nghiệm sâu sắc của người cầm bút cốt đem về từng đề tài hay, cách viết sống động, trung thực khiến bạn đọc biết đến anh là một nhà báo có nghề. Đơn giản, nếu không dấn thân vào gian lao và khổ ải, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, chắc chắn nhà báo không thể có đề tài “hơn người” được. Không dấn thân nghĩa là không có trải nghiệm.
Nếu nhà báo không dấn thân, không trải nghiệm sẽ không bao giờ có kinh nghiệm. Hoặc dấn thân, trải nghiệm nửa vời sẽ không thể viết nổi một bài báo mang đến nhiều lợi ích cho xã hội. Thực tế, mỗi chuyến đi, mỗi tác phẩm báo chí xuất sắc tạo cho người làm báo một tâm thế vững vàng hơn, một vị trí đáng trân trọng trong đời sống xã hội. Từ tâm thế, vị trí này có những tác động trở lại khiến tay nghề của nhà báo càng vững chắc, “lan tỏa” hơn. Sự tác động này đem đến niềm tin cho bạn đọc, từ đó công chúng cung cấp cho nhà báo nhiều nguồn tin quý, độc quyền.
Một lần, nhờ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lưỡng Minh, huyện Tương Dương dẫn lên đỉnh Pù Lôm cao chót vót dãy rừng miền tây xứ Nghệ để thâm nhập hang ổ buôn bán ma tuý của các đối tượng vốn là người dân tộc địa phương. Nhóm đối tượng từng tạo ra những điểm nóng nhức nhối về ma tuý trên biên giới Việt - Lào. Đi trong chiều tối, trèo lên đỉnh Pù Lôm mới hay, nếu lỡ nói tiếng Kinh, lỡ đưa máy ảnh lên chụp hình có thể bị đối tượng mang ba lô ma tuý bắn ngay lập tức. Sau chuyến thâm nhập, phóng sự “Đột nhập thung lũng ma tuý Pù Lôm” được đăng trên Báo Tuổi Trẻ. Một lần khác sang Thà Khẹc (Trung Lào) đưa tin nhanh vụ tai nạn thương tâm của hàng chục lao động bị lật đò trong đêm khuya trên sông Mekong để hiểu thêm cảnh đời phiêu bạt “chui”, kiếm sống nơi xứ người. Một lần rời thị xã Móng Cái (Quảng Ninh), “mai phục” bên này bờ sông Bắc Luân, ghi hình một cô gái đồng hương Nghệ An vừa thoát khỏi hang ổ mua bán người bên kia biên giới tháo thân về đất Việt. Vấn nạn đang là đề tài thời sự. Từ đây, tòa soạn chỉ đạo đi tiếp lên Lạng Sơn, Cao Bằng để viết hồ sơ 5 trang về vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới trên Báo Tuổi Trẻ chủ nhật. Vụ đó, nếu không có điện thoại một người thân ở Bộ Tư lệnh biên phòng thì không thể sang được bên kia biên giới cách cửa khẩu hàng trăm ki-lô-mét để tiếp cận một “động” mại dâm có không ít cô gái Việt.
Tất cả những bài viết đã hằn sâu trong kí ức tác giả những trải nghiệm từ cách đi, cách tiếp cận, cách khai thác, ghi chép, ghi âm tư liệu kể cả những số điện thoại mở ra mối quan hệ cần thiết hỗ trợ khi gặp trắc trở giữa đường xa, rừng thẳm để trở về an toàn với những bài báo không lãng nhách.
Khắc chế đường đi của những “ổ mối”
“Ổ mối” ở đây là biểu hiện của những tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực, tham nhũng. Sở dĩ đề cập tới nội dung này, bởi quá trình điều tra đề tài chống tham nhũng thường gặp những “sự đời” trớ trêu do nhân vật tìm đủ mọi cách chối tội, kể cả việc từ chối nhà báo tiếp cận. Khi đó, nhà báo thực hiện hai công việc một lúc: Vừa khai thác hành vi phạm tội, vừa ngăn chặn để đối tượng không thể hợp thức hóa hành vi tham nhũng. Công việc này thực sự là một trải nghiệm quý khi thực hiện phóng sự điều tra.
Khi viết những nẻo đường tác nghiệp này, nhà báo đang thực hiện phóng sự điều tra về việc truy chi hàng chục tỷ đồng từ Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An) cho hai Ban quản lí rừng phòng hộ (BQLRPH) Kỳ Sơn, Tương Dương của tỉnh này. Chúng tôi biết Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) Công an Nghệ An cũng đang khai thác việc truy chi gây những hậu quả khó lường.
Ngày 5/10, PC03 đã gọi hỏi anh Trần Quốc Thuận - nạn nhân đầu tiên trong vụ án. Hồ sơ vụ án của chúng tôi có được sau hơn ba tháng điều tra, cho biết năm 2014 anh Thuận xin nghỉ việc tại BQLRPH Kỳ Sơn về quê làm việc khác. Bất ngờ, tháng 7/2019 khi chúng tôi và PC03 đang ráo riết điều tra, thu thập chứng cứ vụ án thì anh Cao Văn Quỳnh (Trưởng ban QLRPH Kỳ Sơn) xuống nhà anh Thuận ở xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc, TP. Vinh. Tại đây, “anh Quỳnh đưa cho tôi 4 - 5 triệu gì đó, nói là tiền cũ của tôi và nhờ tôi kí vào một số văn bản mà tôi không để ý là văn bản gì”, anh Thuận kể lại.
Tiếp đó, vào dịp tháng 9, khi cường độ điều tra càng tăng, anh Quỳnh xuống nhà anh Thuận lần hai, đưa 130 triệu đồng. Anh Quỳnh vẫn nói, “tiền cũ đang sót lại” và bảo anh Thuận kí nhận. Trong lúc đó, anh Thuận không hề hay biết đây là số tiền trong tổng số hơn 2 tỷ đồng mà năm 2013 Quỹ Bảo vệ & phát triển rừng truy chi ngược về năm 2012 cho 14 cán bộ 2B (diện hợp đồng dài hạn) của BQLRPH Kỳ Sơn. Sở dĩ có chuyện này là do BQLRPH Kỳ Sơn nhận số tiền nêu trên nhưng không cho cán bộ 2B, kể cả phó ban biết ngoài anh Quỳnh (trưởng ban) và kế toán, thủ quỹ.
Ngay sau khi biết tình huống này, PC03 đã khẩn trương gửi giấy triệu tập, mời anh Thuận đến Cơ quan cảnh sát điều tra làm việc. Theo PC03, việc nạn nhân Thuận nhận tiền và kí như vậy là tạo điều kiện cho người phạm tội hợp thức hóa hồ sơ để chạy án. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì sau này khi phá án rất khó đấu tranh với người phạm tội vì “sở trường” của tội phạm là chối tội. Nội dung nêu trên chỉ là một chi tiết nhỏ trong vụ án. Hiện thời gian này đang trong giai đoạn chính của vụ án. Mới hay, trong quá trình thực hiện đề tài chống tham nhũng, công việc của nhà báo nếu được phối hợp nhịp nhàng với Cảnh sát điều tra thì hiệu quả sẽ tăng gấp nhiều lần. Thực tế này không dễ xảy ra, nhưng nếu có thì đây chính là một vốn liếng rất quý của nghề báo./.