Năng lượng từ khắt khe, nghiệt ngã

Thứ bảy - 09/11/2019 07:46
Khi viết những dòng này tôi cứ hình dung Nguyễn Uyển đang quẩy một đôi bồ nhễ nại bước đi trong buổi hoàng hôn nắng sánh dưới những tán rừng cọ biếc xanh miền Trung du quê ông. Đôi bồ ấy một bồ là báo chí và một bồ là văn chương. Hơn 50 năm cầm bút bạn đọc vẫn lúng túng khi giới thiệu ông, nhà văn hay nhà báo. Lúng túng là vì ông xuất sắc ở cả hai lĩnh vực này. Ông viết văn trước cả viết báo, viết từ khi còn là anh giáo làng, rồi mới về làm phóng viên báo Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ và Vĩnh Phúc), rồi đi đào tạo đại học báo chí khóa đầu của Trường Tuyên huấn T.Ư. Chạm tuổi 80 ông đã viết tới 25 tác phẩm, chủ yếu là sách văn học, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến bút ký. Lại cũng viết ba tập sách truyền nghề làm báo. Sách văn được độc giả tìm mua, sách báo cũng đắt như tôm tươi. Và thế là cái bồ của ông cứ nặng lên mãi. Cho nên tuổi đã cao rồi ông vẫn hăng đi, hăng nghĩ và hăng viết.
111
Nghề báo là nghề năng động và nhiều thử thách
Một bất ngờ đối với bạn văn, bạn báo, cuối năm 2019 ông xuất bản liền ba cuốn sách, cuốn nào cũng dầy dặn trên dưới 600 trang in. Một nhà văn cùng quê Phú Thọ với ông nói vui: Sách này người nào khỏe mới đủ sức đọc. Quả có thế. Tôi đã bơi trong dòng sông chữ của hai tập ký Lẽ sống ILẽ sống II, rồi bơi tiếp trong dòng sông báo chí: tập tiểu luận Nghề khắt khe, nghiệt ngã.  Đã từng dạy học, từng làm Hiệu trưởng trường phổ thông cấp II, ông có mấy định nghĩa: Nghề giáo-chuẩn mực; nghề báo-khắt khe, nghiệt ngã; Nghề văn-nhọc nhằn. Tôi chưa thấy cuốn từ điển nào ghi danh mấy nghề như thế. Đó là chiêm nghiệm, là sáng tạo của Nguyễn Uyển. Nó chuẩn đến mức, nói theo ngôn ngữ lớp trẻ bây giờ là… không cần chỉnh.

Lẽ sống I tập hợp 62 ký chân dung chọn lọc, trong đó phần lớn là chân dung nhà báo. Nhà văn viết chân dung nhà văn, nhà báo viết chân dung nhà báo. Đó là điều rất thuận lợi, tưởng chỉ cần ngồi vào bàn là kể ra đủ thứ chuyện trên đời về nhân vật mà anh muốn giới thiệu với mọi người, bởi anh đã quá thuộc họ, đã quá hiểu khi làm nghề thì họ phải nghĩ như thế, làm như thế. Nhưng không phải. Cái sự “thuộc” kia không khéo sẽ đánh lừa anh. Vì người viết mỗi người mỗi tạng, mỗi người mỗi ngón nghề. Nguyễn Uyển đã vẽ chân dung chính xác. Và điều quan trọng hơn, chân dung ấy có sức hấp dẫn vì nó gần với đời, với nghề, với đồng nghiệp (nhà báo Hữu Thọ gọi là “tình bút mực”), khiến ai cũng có thể chia sẻ, cảm thông và không phải là một lời khiêm tốn mang tính hình thức, ai cũng có thể học được đôi điều. Nói như nhà văn, nhà báo Phan Quang: “Đọc bộ sách đồ sộ của Nguyễn Uyển, tôi rút ra nhiều bài học cho chính mình”. Ta gặp ở đây những nhà báo nổi tiếng Hoàng Tùng, Đỗ Đức Dục, Hồng Chương, Quang Đạm, Lưu Quý Kỳ, Hữu Thọ, Phan Quang, Trần Công Mân… Ta gặp ở đây những nhà báo “say nghề hơn say cơm”, “ta viết tức là ta tồn tại”, “tài năng nào cũng phải lao động cật lực”. Ta gặp những cây bút cả đời lăn lộn để đứng ở đầu nguồn tin tức. Tác phẩm báo chí của họ vừa giàu chi tiết, vừa có tầm khái quát cao, nhiều khi có sức lay động lớn, tạo nên cả dòng thác lớn trong lịch sử dân tộc. Để tạo nên dòng thác lớn là do nhà báo lăn lộn trong thực tiễn để tìm điển hình tiên tiến, phát hiện loài cây ký từ khi nó còn là cái mầm non tơ, mảnh dẻ. Nói như nhà báo Hoàng Tùng: “Điển hình, mô hình, nhân tố mới là “ngôn ngữ” của báo chí. Nhờ nó mà nuôi và nhân ra diện rộng. Đây chính là phương cách của báo chí, là trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà báo”. 

Người viết chân dung bây giờ không nhiều. Viết chân dung hay lại càng khó.  Tìm đến các nhà báo để kể chuyện với mọi người về họ là  cái say của Nguyễn Uyển. Hình như ông không định viết chân dung. Ông quan sát, thấy yêu, thấy phục thì viết. Cho nên đọc văn-chân-dung thấy giàu chi tiết, thấy đọng lại nhiều nghĩ ngợi, thấy cả trí tuệ và mối lo cơm áo gạo tiền của những bậc thức giả. Có những điều “nghĩ” cách đây ba, bốn chục năm vẫn nóng và sáng như ánh nắng ngoài bậu cửa. Chẳng hạn như ông nhận xét về Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân: “Ông là người giữ cữ, giữ nhịp chính chuẩn, không lệch, không sai, bắt nhịp với thời đại, với nguồn thông tin đa dạng, trung thực, nhiều chiều”. Hoặc nói về Lưu Quý Kỳ: “Tùy bút của ông không hề tô hồng, không dày công trau chuốt ngôn từ, mà nói bằng lòng mình, viết bằng tâm can của mình, bằng cuộc đời đầy gian nan thử thách, Đọc ông, tôi có cảm giác, hạnh phúc của cuộc đời ông không phải là chức tước mà là cái nghề dã cho ông được giãi bày, tâm sự”.
                                                     *
Nếu như ở ký chân dung Nguyễn Uyển đã bộc lộ rõ thế mạnh đặc tả tài năng,  tính cách, phong cách độc đáo của nhân vật thì trong Lẽ sống II, tập bút ký chọn lọc viết về những miền quê, ông lại ông đã thành công ở sự xông xáo, lặn lội đến các vùng sâu, vùng xa còn nhiều gian khổ để ghi chép lại những cái lạ, cái hay, cái đẹp, cái bất ngờ của đất và người ở đó. Viết về đất nước mình dường như chưa thỏa, năm 2014 ông còn có hẳn một tập bút ký Giữa đất trời Âu. Chẳng là được vợ chồng người con gái mời sang Cộng hòa Séc “nghỉ ngơi, thăm thú”, ông đã không quên mang theo máy tính, máy ảnh, đặc biệt là “mang theo” cái máu xê dịch, ham ghi ham viết của một nhà văn, nhà báo luôn thính nhạy với các vấn đề thời sự. Vấn đề đau đáu trong ông là:  Đầu những năm 90 của thế kỷ trước sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu sụp đổ thì tình hình kinh tế-xã hội ở đó ra sao? Họ đang theo mô hình, học thuyết nào? Rồi người Việt ở bên đó sống ra sao, tình làng nghĩa xóm ở “giữa đất trời Âu” thế nào? Ở Séc chưa tìm đủ câu trả lời, ông lại nhảy tàu sang Đức, sang Nga, sang Bỉ…

Ở trong nước, không rõ Nguyễn Uyển có chủ ý không nhưng các bài ký của ông đã viết về hầu hết các điểm cực bắc, cực nam, cực tây đất nước. Cực bắc, ông đã leo lên mái nhà Tổ quốc - đỉnh Lũng Cú ở Đồng Văn, Hà Giang. Cực Tây bắc là Ka Lăng, Thu Lũm của huyện Mường Tè, Lai Châu. Ka Lăng còn là điểm mút, là “Tây bắc của Tây bắc”. Nhà văn như reo lên trong buổi mặt trời như cái mâm bạc trồi  khỏi núi: “Tôi xoay sang đông-núi lô xô với tên gọi trúc trắc, xa sâu: A Mố Cò. Quay phía tây-núi như tấm phản lim khổng lồ thả đứng mang cái tên rất riêng  nơi ven trời Tây Bắc: A Hu Lo Mé. Nhìn phương nam – núi giăng giăng như rồng lượn kéo theo cái tên dài ngoẵng: Mì Ba Ló Khà. Ngước lên phía bắc – lừng lưỡng,ngất ngưởng dãy núi Tè Xứ.  Đỉnh Tè Xứ đổ về là của ta. Mạn bên là đất Trung Quốc”. Xuôi về cực nam, ông đến Phú Quốc, Mũi Cà Mau. Sang phía Tây rạo rực nghe tiếng gà gáy ba nước Lào-Việt-Cam pu chia cùng nghe: Cửa khẩu Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.

Một nhà văn khi đã ngoài 70 tuổi, đi “công tác” không có giấy giới thiệu, không có sự tài trợ của bất cứ ai, chỉ có cái bút danh Nguyễn Uyển là nhịp cầu gần gũi nối ông với bạn bè, đi như thế quả là bền bỉ, dẻo dai và có phần… liều lĩnh. Vợ con nhà văn và các cháu nội ngoại có đến 10 người theo nghề báo đã hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cụ khỏe hơn con cháu nghĩ. Cụ viết khỏe hơn cả lúc đang trẻ. Bởi vì đã có một thời gian chừng hơn 10 năm do bận công việc ở Hội Nhà báo Việt Nam, Cụ hầu như không viết cái truyện , hay bài ký nào.
111

Đấy là nói về các “điểm rơi” ở các “cực” của Nguyễn Uyển. Thật ra ông gắn bó nhiều nhất là hai vùng quê. Một, vùng quê trung du nơi ông đã sinh ra. Hai, Điện Biên Phủ nơi ông gắn bó và yêu mến, ông giải thích là cha ông đã chiến đấu ở đó, hai người chú ruột của ông đã hi sinh ở đó. Ông yêu Mường Trời như yêu chính bản thân mình. Yêu hạt gạo Điện Biên chỉ đơn giản vì “hạt gạo là nhân của thóc”.Yêu điệu xòe nối vòng tay lớn: “Dứt cuộc rượu, vòng xòe lại nới rộng thêm ra. Ngọn lửa bùng lên. Bập bùng, bập bùng theo nhịp trống chiêng. Tay ngừng vung, xung quanh vò rượu lại nêm thêm người”. Còn khi viết về quê nhà, nhiều người đọc văn ông và thuộc luôn cái tên Quân Khê -làng ông. May cho ông, cho nghề văn làng Quân Khê thật là hay, thật là nhiều chuyện. Hay đến mức cách đây gần 40 năm, từ mảnh đất ông đã viết được những thiên bút ký nổi tiếng: Đất lọc hạt, Làng có chuyện. Chưa cần đọc, cái đầu đề đã gợi, đã hay rồi. Cái chuyện ở làng ngày ấy nay đọc lại vẫn trúng phóc chuyện nông thôn ta hôm nay. Đó là mâu thuẫn giữa cấp tiến và bảo thủ, trung thực và gian dối, cùng vô số căn bệnh nảy nòi từ máu tham, ghen ghét, đố kị. Đúng là làng có chuyện. Vượt lên khỏi lũy tre làng sẽ gặp huyện, gặp tỉnh, gặp nước, gặp nhân loại. Sự lắng đọng của câu chuyện là ở cái triết lý thâm sâu ấy.
                                                      *
Vốn gốc gác là nhà giáo, nhà báo Nguyễn Uyển thường được mời đi giảng dạy báo chí.  Nói cũng như viết, ông không thích khái quát những điều lí luận cao siêu. Ông rỉ rả kể chuyện đời, chuyện nghề, chuyện rèn đức, luyện nghề, chuyện về cái non kém của bản thân một số đồng nghiệp để người sau đừng mắc phải. Những chuyện ông kể là tích lũy của cả cuộc đời làm báo, làm văn. Thế rồi một ngày kia Thầy Uyển tập hợp tất cả các bài giảng, chỉnh sửa đôi chút, rút gọn nhiều lần vật lên thành cuốn bài tiểu luận báo chí về cái nghề nhiều vinh quang nhưng khắt khe, nghiệt ngã. Thầy lí giải muốn làm nhà báo giỏi phải có cây bút tốt. Tài năng là ngồi xuống và viết. Đừng bao giờ bằng lòng, không có gì chóng cũ bằng chính cái mới. Cho nên phải biết phân biệt nhân tố mới với cái mới, với điển hình, với mô hình. Còn với tư cách một nhà báo thế hệ đi trước, Nguyễn Uyển luôn nhấn mạnh tính trung thực của người làm báo.  Trên con đường dài dặc, gian truân ấy có thể quên điều này điều nọ, nhưng trung trực phải là phẩm chất hàng đầu. Trung thực, theo ông: “Đó là sức mạnh của bản thân mình chứ không phải trên danh nghĩa. Nhà báo phải truyền đến bạn đọc cái mà mình nhận biết trực tiếp chứ không phải cái mình mơ mộng. Nhìn thấy tận mắ , nghe thấy tận tai, thấy thực chất cái sự thậ bên trong của sự vật, hiện tượng”.

Suốt đời quan sát và suy ngẫm, giờ đây ông thợ cày Nguyễn Uyển đã có thể tạm dừng sau mùa gặt bội thu. Nhưng dường như ông vẫn chưa sắp xếp được thời gian để… nghỉ. Lại vỡ đất. Lại lọc hạt. Lại đi tìm nhân của thóc.  Ông bảo: “Say mê là thứ giời đày/ Càng béo con chữ càng gầy niêu cơm”. Tôi hiểu đấy là niêu cơm Thạch Sanh, vơi lại đầy. Niêu cơm không cốt để no bụng mà còn nạp cho ta năng lượng tinh thần vô giá./.
 
(Đọc bộ sách Lẽ sống I, Lẽ sống IINghề khắt khe, nghiệt ngã của
Nguyễn Uyển – NXB Hội Nhà văn, 2019)
Hải Đường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây