Phát hiện đề tài phóng sự từ chi tiết nhỏ

Thứ năm - 10/10/2019 07:35
Việc phát hiện đề tài phóng sự là một công việc tương đối khó khăn với phóng viên mới vào nghề. Phạm vi của bài viết này, tác giả xin góp nhặt một phần nhỏ vào việc chia sẻ cách tìm ra những đề tài phóng sự từ chi tiết nhỏ nhặt mà đôi khi người làm báo không chịu khó chú ý đến, nên vô tình bỏ qua.
111
Không có sự xả thân, lăn lộn, “tắm mình” trong thực tiễn sống động 
thì không có thể tạo ra “xung lực” mạnh mẽ, sâu sắc cho ngòi bút
1. Phóng sự được ví như “trọng pháo” của báo chí, nó có sức “công phá” lớn không chỉ về mặt thông tin mà cả những rung cảm thẩm mỹ. Nhưng để “nạp đạn” cho “trọng pháo” ấy là đề tài, là chất liệu lại không dễ tí nào. Người ta nói đề tài quyết định tới 50%, thậm chí 80% thành công của phóng sự cũng chẳng có gì ngoa ngôn.

TS. Nguyễn Quang Hòa trong cuốn “Phóng sự báo chí – Lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm” (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, năm 2015) phần chia phóng sự theo đối tượng phản ánh gồm có: phóng sự sự kiện, vấn đề, hiện tượng, chân dung…; phóng sự chia theo các lĩnh vực nội dung có thể kể đến phóng sự chuyên đề kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa – thể thao – du lịch, an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới…; phóng sự chia theo quy mô độ sâu mà nó phản ánh có phóng sự dài kỳ, một kỳ…

2. Chi tiết nằm ngay trong cuộc sống, con người, sự vật, sự kiện, vụ việc. Có những chi tiết “lộ thiên”, nhưng cũng có nhiều chi tiết ẩn sâu, đòi hỏi phóng viên phải dày công “mai phục”, khám phá. Chi tiết là bộ phận nhỏ nhưng có vai trò quan trọng cấu thành nên tác phẩm báo chí. Mỗi chi tiết đều chứa đựng những giá trị thông tin phản ánh về sự kiện, vấn đề và quan điểm, tư tưởng của phóng viên. Theo GS-TS. Tạ Ngọc Tấn trong cuốn “Tác phẩm báo chí” (Nhà xuất bảnGiáo dục Hà Nội, năm 1995) thì chi tiết là những bộ phận nhỏ nhất của sự kiện. Chi tiết có thể là một hành vi, lời nói, cử chỉ của con người hay một trạng thái cụ thể của hoàn cảnh diễn ra sự kiện. Thông qua chi tiết, nhà báo mô tả, phản ánh sự kiện. Chi tiết là một trong những yếu tố thuộc nội dung của tác phẩm báo chí (gồm sự kiện, chi tiết, đề tài, vấn đề, chính kiến, tư tưởng). Chi tiết đóng vai trò rất quan trọng trong việc khẳng định, làm rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm báo chí; là bằng chứng để công chứng tiếp nhận đặt niềm tin vào báo chí. Bởi vì, chi tiết là cái khách quan đầu tiên để tạo thành khách quan chung của toàn bộ sự kiện.

3. Phát hiện chi tiết từ những điều nhỏ nhặt, có khi hiện ra trước mắt của phóng viên, có thể trở thành đề tài phóng sự có giá trị. Chẳng hạn, có lần tôi chạy xe ngang phường 1, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) thấy trên vỉa hè có quầy bán rau để hai chữ “miễn phí”. Thấy vậy, tôi ghé lại mới biết là quầy rau của bà Võ Thị Thu Nga phát miễn phí cho người nghèo. Từ đó hình thành trong tôi đề tài phóng sự và triển khai thành bài viết. Bài phóng sự đoạt giải báo chí đồng bằng sông Cửu Long năm 2018. Có thể thấy, chi tiết nhỏ, vụn vặt, không đáng để quan tâm đến hai chữ “miễn phí” nhưng trở thành đề tài phóng sự có giá trị. Để làm được công việc này, đòi hỏi phóng viên phải tiếp cận tư duy vấn đề, kể cả chi tiết bình thường nhất.

Có khi đề tài phóng sự từ chi tiết nhỏ trong tấm ảnh đã đăng trên báo mà phóng viên vô tình bỏ qua khi xem báo. Chẳng hạn, có lần tôi xem bài viết trên Báo Đồng Tháp và nhiều người thầm lặng tham gia đội xây dựng cầu từ thiện ở huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp). Trong đó, có người đàn ông lớn tuổi, bị khuyết tật, vậy là tôi nắm thông tin về nhân vật trong tấm ảnh đó để triển khai kế hoạch cho bài phóng sự về một người bình dị mà có tấm lòng cao quý. Ngoài ra, tôi rất nể phục nhân vật Phạm Thị Đồng đã hơn 70 tuổi vẫn hăng say đóng góp bằng việc nấu ăn thiện nguyện cho đội thi công cầu.

Trong lần đi công tác ở thành phố Sa Đéc, tôi thấy người phụ nữ giữa thời tiết nắng nóng vẫn lom khom vá đường. Từ chi tiết bình thường đó, tôi viết về bà Nguyễn Thị Phượng Thu có 11 năm vá đường từ thiện. Tuy cuộc sống của bà Thu không khá giả nhưng có tấm lòng thiện nguyện, bỏ tiền túi ra mua vật tư vá đường bị hư hỏng và phóng sự đã chạm vào trái tim của người đọc.

Nhà báo Phùng Nguyên (Tạp chí Người Làm Báo) cho rằng, đề tài mới nằm ở tư duy mới, cái nhìn mới và cách tiếp cận mới. Khi mọi cái tưởng như đã cũ thì hãy “lạ hóa” đề tài bằng cái nhìn mới của mình, hãy tìm cái mới trong cái cũ, tìm những điều có lý trong những cái tưởng như vô lý, tìm cái thuận trong cái nghịch và cái nghịch trong cái thuận. Từ đó, sẽ bật ra những đề tài mới và hay. Bởi đó chính là cái chất của phóng sự, phóng sự thường diễn tả những cái đang mâu thuẫn, đang vận động, đang xung đột, đang định hình.

Tóm lại, từ tìm ra đề tài đến hoàn thiện bài phóng sự là cả vấn đề khó khăn, đòi hỏi phóng viên phải chú ý lắng nghe, quan sát, đi nhiều, đọc nhiều, tư duy vấn đề…

Đặc biệt, phóng viên không nên định kiến bỏ qua những cái nhỏ nhặt để có những bài phóng sự mang đậm hơi thở cuộc sống.

Dương Út
Hội Nhà báo tỉnh Đồng Tháp



Tài liệu tham khảo:
  1. ThS. Nguyễn Thu Trang, “Bài giảng Nghiệp vụ báo truyền hình”, Trường Cao Đảng truyền hình, năm 2019.
  2. TS. Nguyễn Quang Hòa, “Phóng sự báo chí – Lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm”, Nxb Thông tin và Truyền thông, năm 2015
  3. Tạp chí Người Làm Báo số 385, năm 2016                                   
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây