Trách nhiệm thiêng liêng của người làm báo là bảo vệ quyền lợi công dân

Thứ tư - 23/10/2019 07:43
Những bài viết đầu tiên của tôi được đăng trên báo điện tử Vietnam-net.vn khi tôi học năm thứ 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từ chuyện thầy bói xem chân phán chuyện trinh tiết đến người ăn xin giả què cụt lấy lòng thương của thiên hạ, rồi việc tiểu thương lấn chiếm đường quốc lộ để kinh doanh… được tôi tìm hiểu cặn kẽ và phản ánh lên mặt báo. Ở góc độ nào đó, những bài báo đã nói lên thực trạng về mặt trái của xã hội. Sau khi bài báo “Chợ ngô dài 10km trên đường quốc lộ” được đăng tải, trong suốt hơn một năm, không còn tình trạng tiểu thương lấn đường quốc lộ 2, đoạn từ ngã ba Kim Anh (Sóc Sơn, Hà Nội) đến gần thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) để bán ngô. Những vụ tai nạn trên đoạn đường này giảm rõ rệt do đường đã thông thoáng. Người dân quanh khu vực kháo nhau, là do có nhà báo phản ánh nên cơ quan chức năng làm gắt, không ai dám ra đường bán ngô  nữa.
111
Các nhà báo đang tác nghiệp
Tôi vui vì nhận thấy bản thân đã làm được một việc có ích. Có lẽ, đối với mỗi người làm báo, niềm vui lớn nhất là được chứng kiến thành quả sau chuỗi ngày miệt mài theo đuổi những đề tài gai góc. Khi cái xấu, cái ác bị loại bỏ để thế chỗ cho cái đẹp, cái thiện, cuộc sống trở nên tươi đẹp hơp. Tôi tiếp tục theo đuổi niềm vui trong công việc với những đề tài khác. Ra trường, tôi về công tác tại Báo Vĩnh Phúc. Tôi từng theo đuổi một vụ việc trong suốt 4 năm và cũng đến ngày gặt hái được thành quả. Đó là vụ tranh chấp 600m2 đất giữa gia đình ông Ngô Thái Kiểm, bà Nguyễn Thị Đệ với gia đình bà Lê Thị Chí ở thôn Tân Long, xã Hồ Sơn (Tam Đảo). Bà Chí sớm ly hôn chồng, một mình bôn ba khắp nơi làm thuê kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học. Đến khi về già bà chỉ mong có một chỗ ở ổn định thì oái oăm thay lại xảy ra sự mất đất. Trở về địa phương sau nhiều năm, bà Chí mới biết, phần diện tích đất của gia đình bà đang được gia đình ông Kiểm, bà Đệ sử dụng. Nguyên nhân là, trong khoảng thời gian bà Chí vắng  mặt tại địa phương, cơ quan chức năng đã cấp chồng lấn diện tích đất của bà Chí giao cho gia đình bà Đệ, ông Kiểm. Bà Chí đã nhiều lần đến nhà bà Đệ chỉ để xin lại một phần diện tích đất làm chỗ ở nhưng không được bà Đệ đồng ý. Bà Chí đành làm đơn ra tòa, mong tìm lại mảnh đất của mình. Sự kiện kéo dài suốt 10 năm và chỉ thực sự ngã ngũ khi bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội được tuyên vào đầu năm 2019. Mấu chốt của vụ việc nằm ở tờ “đơn xin trả đất” có chữ ký được sao chép từ “giấy bán bạch đàn” mà bà Đệ đã đưa ra trước toà làm bằng chứng. Chúng tôi đã theo dõi sát sao vụ việc và xem xét kỹ hồ sơ vụ án, phát hiện ra chữ ký trên hai tờ đơn này giống hệt nhau. Khi đem hai tờ đơn này tới cơ quan công an để xác minh, chúng tôi nhận được kết quả đúng như dự đoán. Nhờ chứng cứ này. Tòa án đã ra bản án không đủ căn cứ để khẳng định bà Chí đã trả lại đất cho Lâm trường Tam Đảo, cũng  không có quyết định thu hồi đất của cơ quan chức năng có thẩm quyền, từ đó, buộc gia đình ông Kiểm, bà Đệ trả lại 600m2 đất nêu trên cho  bà Chí.

Bà Chí vui mừng khôn xiết khi nhận lại được mảnh đất của mình. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng vui lây và còn tự hào khi góp công đưa vụ việc đi đến hồi kết. Một cái kết có hậu. Tôi đã theo đuổi đến cùng vụ việc, đã vận dụng khả năng suy đoán, tìm ra bằng chứng thuyết phục, đưa vụ việc ra trước công chúng. Nhưng cái giá tôi phải trả cho điều này không hề rẻ. Thời điểm bài báo viết về vụ tranh chấp đất được đăng tải lần đầu trên Báo Vĩnh Phúc vào năm 2015, Bà Đệ đã nhiều lần đến Tòa soạn đòi kiện tác giả vì cho rằng thông tin trong bài không đúng sự thật, những cuộc gọi liên tiếp đến Ban biên tập đòi kỷ luật và cho nghỉ việc đối với phóng viên. Một phóng viên trẻ mới rời khỏi ghế nhà trường như tôi khi ấy không tránh khỏi một phen lao đao. Nhưng suy cho cùng, đó cũng là cơ hội để tôi thử thách bản thân, xem bản lĩnh của mình đến đâu.

Với bản năng của một người làm báo, tôi vẫn “ngựa quen đường cũ”, chẳng thể làm ngơ khi quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Năm ngoái, tôi có viết một phóng sự về việc người dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên (Sông Lô) bỗng dưng bị thay đổi tên dân tộc thành Sán Chay trên các giấy tờ tùy thân, từ chứng minh nhân dân cho tới giấy khai sinh, sổ hộ khẩu… Tìm hiểu sâu xa vụ việc mới biết, người dân hoàn toàn bị động trước vụ việc khi chẳng có thông báo nào từ phía cơ quan chức năng. Người dân cho rằng, mình vốn dĩ là dân tộc Cao Lan  từ  bao đời nay, sao lại chuyển thành Sán Chay? Sán Chay là dân tộc nào? Chưa kể do thông tin trên các giấy tờ thiếu đồng nhất, khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tôi quyết định xuống thủ đô, tìm gặp GS.TS Trần Trí Dõi, chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (khoa Ngôn ngữ học). Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số- miền núi và lưu vực sông Hồng, Trường đại học KHXH và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và được nghe ông giải thích. Theo đó, việc thay đổi tên dân tộc Cao Lan thành Sán Chay căn cứ vào Quyết định 121 của Tổng cục Thống kê về danh mục các dân tộc Việt Nam (năm 1979). Theo đó, dân tộc người Cao Lan là nhóm thuộc dân tộc Sán Chay (thuộc 54 dân tộc Việt Nam). Việc thay đổi tên dân tộc thành Sán Chay đảm bảo đúng quy định của Nhà nước về Danh mục thành phần các dân tộc Việt Nam, song, nó không phù hợp với thực tế hiện nay. Nguyên nhân là do, tên dân tộc Cao Lan đã được người dân sử dụng trong thời gian dài và họ nghiễm nhiên coi đó là tên chính thức của dân tộc mình. Mặt khác, khi Quyết định 121 được ban hành năm 1979, các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã chậm trễ trong việc đưa vào lĩnh vực hành chính công. Cho đến  năm 2015, quy định này bỗng nhiên được áp dụng, gây tâm lý bất ngờ, hoang mang cho người dân.

Trong trường hợp này, nhà báo đóng vai trò cầu nối, chuyển tải ý kiến của Giáo sư đến với người dân Cao Lan để họ hiểu rõ nguồn cơn, gốc tích của sự việc; đồng thời, nói lên nguyện vọng của người dân là được sử dụng tên dân tộc Cao Lan trên các giấy tờ như trước đây. Từ đó, các cơ quan chức năng xem xét, đưa ra  giải pháp phù hợp với cách ghi tên dân tộc mới là viết tên nhóm nhỏ trước, sau đó, đóng mở ngoặc tên dân tộc chính thức, cụ thể là Cao Lan (Sán Chay). Cách ghi này đáp ứng nguyện vọng của người dân tộc Cao Lan. Đến nay, các giấy tờ tùy thân của người Cao Lan ở Quang Yên đều được ghi là Cao Lan, những giấy tờ đã ghi tên dân tộc là Sán Chay được cơ quan chức  năng tạo điều kiện thuận lợi để xác định lại tên dân tộc.

Mỗi nhà báo đều có những câu chuyện riêng khi theo đuổi từng vụ việc. Mục đích là để tìm ra sự thật và đứng về lẽ phải, bảo vệ quyền lợi cho người dân. Người làm báo giúp báo chí thực hiện quyền năng và trách nhiệm của mình, một trong những quyền năng và trách nhiệm thiêng liêng của báo chí là bảo vệ quyền lợi của công dân. Vừa qua, tôi vinh dự được nhận giấy khen của Tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc vì có nhiều thành tích xuất sắc viết bài đấu tranh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Đó là động lực để tôi tiếp bước trên con đường làm bào đầy chông gai./.
 
Bạch Nga (Báo Vĩnh Phúc)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây