Báo chí dữ liệu đang ngày càng phát triển mạnh mẽ chứng tỏ một xu hướng làm báo hiện tại thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng. Thay vì phải trình bày những thông tin như cách làm báo truyền thống, việc tường thuật và phân tích những sự kiện thời sự bằng con số và hình họa đang dần tạo nên một món ăn "lạ vị" cho bạn đọc. Điều này đòi hỏi mỗi người làm báo không ngừng tiếp cận những kiến thức, kỹ năng mới để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu thông tin của độc giả.
Cùng với báo chí thị giác, báo chí dữ liệu đang là một trong hai xu hướng lớn nhất hiện nay của báo điện tử. Báo chí dữ liệu được sử dụng trong hầu hết tất cả lĩnh vực phản ánh của thực tiễn cuộc sống bằng việc thể hiện các dữ liệu một cách phong phú, đa dạng và độc đáo thông qua các biểu bảng, hình ảnh sinh động, hấp dẫn, giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát, rõ ràng, thấu đáo những vấn đề mà nhà báo đề cập.
Ở Việt Nam, báo chí dữ liệu đã xuất hiện trên một số báo điện tử từ gần 10 năm trở lại đây, tuy nhiên, đa phần báo điện tử ở nước ta chưa có sự đa dạng về chất lượng cũng như hình thức sản xuất những nội dung thông tin liên quan đến báo chí dữ liệu. Đặc biệt, nhiều phóng viên quen với lối viết "nhiều chữ" truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào những đồng nghiệp có khả năng sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại để sản xuất các tác phẩm báo chí dữ liệu thông qua những thông tin do mình thu thập được. Như vậy, thay vì trực tiếp sản xuất, nhiều người chỉ đóng vai trò tổng hợp những thông tin "thô" và kiểm tra lại nó khi sản phẩm đã cơ bản hình thành.
Trước yêu cầu của thực tiễn, việc tiếp cận công nghệ là điều vô cùng cần thiết đối với mỗi nhà báo, nhằm tăng tính độc đáo cho nội dung bài viết thông qua sử dụng báo chí dữ liệu. Để sản xuất được những tác phẩm báo chí dữ liệu, phóng viên phải sử dụng phần mềm đặc biệt phân tích số liệu và xác minh tính chính xác của sự việc trong thực tế, nhằm hỗ trợ cho các bài viết của mình. Đồng thời, mỗi người cũng cần trang bị sức "đề kháng" cần thiết trước vấn nạn tin giả trong quá trình thu thập thông tin, nhằm đảm bảo rằng những dữ liệu của mình hoàn toàn chính xác và phù hợp với những gì bài viết đề cập. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thông tin và những hình thức trình bày sao cho vừa đảm bảo được chất lượng thông tin, vừa thu hút được sự theo dõi của bạn đọc cũng là một vấn đề gây khó khăn cho nhiều nhà báo. Tạp chí Người Làm Báo ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này:
Sinh viên Lê Huyền, Lớp báo chí, Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội: Để tạo ra những sản phẩm dữ liệu báo chí, điều tôi thực sự quan tâm là làm thế nào để mỗi cách thức trình bày bắt kịp xu hướng và nhu cầu của người đọc. Sinh viên khi sản xuất những tác phẩm báo chí dữ liệu thường gặp khó khăn trong việc lên ý tưởng thiết kế và cách cụ thể hóa những con số, dữ liệu sao cho thật rõ ràng, dễ hiểu. Đối với những sinh viên mới tiếp cận với các phần mềm thiết kế, việc tự học thường mất rất nhiều thời gian. Do đó, tôi mong muốn các cơ sở đào tạo báo chí không chỉ là nơi dạy những kiến thức chung về báo chí, mà còn cung cấp thêm bộ môn thiết kế cho sinh viên, giúp sinh viên có điều kiện phát huy sức sáng tạo, cũng như bắt kịp với xu hướng phát triển của nền báo chí hiện đại.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật - Phó TBT VietnamPlus:
Báo điện tử Vietnamplus đã có 7 năm liên tiếp giành giải báo chí quốc gia, trong đó đó ba năm gần đây đều đoạt đủ các giải A, B, C ở thể loại báo điện tử. Một trong những nguyên nhân tạo nên thành công đó chính là việc tích hợp báo chí dữ liệu vào trong những sản phẩm báo chí đoạt giải. Điều đó cho thấy, VietnamPlus đã nhận thức được từ rất sớm xu thế nổi bật của báo chí dữ liệu, nên đã có sự chuẩn bị kỹ càng về khâu đào tạo phóng viên, triển khai các công cụ để phục vụ cho xu thế nói trên. Hiện tất cả các phóng viên của VietnamPlus đều có thể chủ động sản xuất được Infographics dạng bảng biểu có tương tác, có khả năng phân tích dữ liệu để làm dài thêm cho tác phẩm báo chí của mình, đặc biệt là mảng phóng sự điều tra, phân tích thị trường, tài chính doanh nghiệp...
PGS, TS Trương Thị Kiên, Viện Phó Viện báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Báo chí dữ liệu là một xu hướng mới của báo chí hiện nay. Việc tiếp cận những nội dung thông tin qua những con số và đồ họa góp phần giúp người đọc tiếp nhận nội dung mà bài báo muốn đề cập trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do đây là một xu hướng hoàn toàn mới ở Việt Nam nên việc đào tạo đang còn nhiều hạn chế. Giảng viên phải luôn tự học, tự đúc rút kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng những bài giảng về báo chí dữ liệu có chất lượng, đáp ứng nhu cầu học hỏi của sinh viên. Bên cạnh đó, Viện Báo chí cũng liên tục mời các nhà báo chuyên nghiệp vào thỉnh giảng, chú trọng đến phần thực hành, hoặc liên kết đưa sinh viên ra trực tiếp học tập - làm việc tại các môi trường báo chí chuyên nghiệp, nhằm trang bị những kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngược lại, ngoài việc được dạy ở trường, sinh viên cũng phải tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn về kỹ thuật, kỹ năng sử dụng những ứng dụng, phần mềm để tự sản xuất ra được những sản phẩm báo chí dữ liệu có chất lượng tốt, độc đáo và hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của bạn đọc.
Phóng viên Thu Trang, Báo Lao động Thủ đô:
Đối với báo chí dữ liệu, việc lựa chọn, phân tích dữ liệu đóng vai trò quan trọng, quyết định đến câu chuyện phóng viên kể tới độc giả, qua những con số, phóng viên nêu bật vấn đề giúp độc giả thấy được toàn bộ thông tin sự việc. Thực tế cho thấy, báo chí dữ liệu đang là một trong những loại hình báo chí thu hút sự chú ý từ công chúng bằng hình ảnh trực quan. Tuy nhiên, đa số phóng viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong phân tích dữ liệu phức tạp, dữ liệu đa chiều cũng như cách thể hiện thông tin bằng hình ảnh cho những dữ liệu phức tạp. Thời gian tới, rất mong Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo báo chí tổ chức các khóa đào tạo, trao đổi nghiệp vụ ngắn hạn về phương pháp phân tích dữ liệu mới, cách lên ý tưởng, trình bày các tác phẩm báo chí dữ liệu giúp phóng viên nâng cao nghiệp vụ về báo chí dữ liệu.