Tìm đề tài, yếu tố quan trọng để có tác phẩm báo chí hấp dẫn

Thứ hai - 23/12/2019 10:07
Hiện nay, rất nhiều các phóng viên, nhất là các phòng viên trẻ đang loay hoay, bị động với việc tìm kiếm các đề tài để thể hiện một tác phẩm báo chí của mình. Mặc dù đề tài trong lĩnh vực báo chí rất đa dạng phong phú và hiện diện xung quanh cuộc sống nhưng để phát hiện và xác định được đúng đề tài “đắt”, sát với hơi thở cuộc sống, đáp ứng được đúng, đủ sự quan tâm bạn đọc và khán thính giả thì đó là vấn đề không hề đơn giản.
111
Có thể nói, đề tài báo chí xuất phát từ hiện thực cuộc sống, nó ở ngay xung quanh chúng ta nhưng cũng có thể thấp thoáng, ẩn hiện ở đâu đó mà chỉ có những người tích cực tìm tòi mới có thể nhận ra. Ở các cơ quan báo chí của tỉnh thì có nhiều cách để tìm đề tài từ đội ngũ cộng tác viên ở các huyện thị xã, thành phố, các đài truyền thanh, các trưởng thôn và các mối quan hệ khác. Đây là những đầu mối tin cậy để cung cấp các thông tin, đề tài từ ở các thôn, xóm đến các xã phường, thị trấn về những vấn đề nổi cộm đã đang và sẽ diễn ra mà người làm báo có thể chắt lọc thông tin phù hợp với định hướng tuyên truyền của cơ quan mình. Để làm được điều này thì phóng viên phải tìm hiểu mọi cách để có được thông tin mà các đề tài, thông tin này phần lớn không nhìn thấy. Có những thông tin với cộng tác viên cho là lớn nhưng với phóng viên thấy bình thường và ngược lại có những thông tin tưởng như vô thưởng vô phạt  nhưng với người làm báo tinh tế, biết chắt lọc, phân tích sẽ là những đề tài lớn. Ví như, làng có nhiều người trường thọ; thôn có nhiều gia đình tứ đại đồng đường; hay một gia đình nghèo nuôi con thành đạt v.v và v.v… Hoặc có thể tìm đề tài qua các báo cáo. Là phóng viên, ai cũng được phân công phụ trách theo dõi địa bàn, theo dõi ngành. Qua mỗi báo cáo, chúng ta có thể chọn chi tiết, chắt lọc thông tin, cái hay, cái tốt, những vấn tồn tại ở đó mà làm đề tài cho tác phẩm của mình. Nhất ở các báo cáo tổng kết một vấn đề gì đó hay báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri tại mỗi kỳ họp HĐND các cấp. Những báo cáo này sẽ có những thông tin, đề tài có thể xây dựng tác phẩm báo chí mang tính thời sự ngay được như những thông tin về ô nhiễm môi trường, thời vụ... Nhưng cũng có những thông tin phải chờ đến thời điểm thích hợp mới có thể thực hiện..

Hiện nhiều phóng viên, nhà báo đang phát triển kiểu lấy đề tài theo cách “Đọc người, ngẫm ta”; nghĩa là nắm bắt được các vấn đề, sự việc xảy ra ở các địa phương khác của đồng nghiệp ở các báo bạn để liên hệ đến các vấn đề, sự việc diễn ra ở địa phương mình. Thật ra thì những đề tài này không bất ngờ, nhưng nó vẫn có sức lôi cuốn bạn đọc, gây sự chú ý. Ví như vụ việc ngộ độc thực phẩm ở trường học nọ thì các phóng viên báo tỉnh có thể tìm hiểu tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn của các trường bán trú trên địa bànmình. Hay vụ việc xe đưa đón học sinh ở tỉnh kia làm rơi học sinh trên đường, phóng viên có thể xây dựng đề tài tình trạng xe quá đát, quá đăng kiểm đưa đón học sinh đang diễn ra ở địa bàn phụ trách. Hoặc tình trạng khó khăn cứu các vụ cháy, cấp cứu người bị thương ở những ngõ nhỏ của các thành phố lớn, phóng viên có thể liên hệ đến đề tài cọc bê tông chắn đường ở các thôn xóm hay việc ý thức của các phụ huynh học sinh ở một số trường tiểu học của tỉnh A, tỉnh B khi đón con đã xếp xe ngay ngắn không gây cản trở giao thông thì vấn đề này ở địa bàn mình như thế nào, có lan tỏa được không?v.v…

Làm báo thì phải đi nhiều, quan sát nhiều. Trong quá trình đi cơ sở để tác nghiệp, mỗi phóng viên phải làm nhiều việc. Đó là quan sát, phân tích, cảm nhận những sự việc, vấn đề đã, đang diễn ra trên đường đi công tác để tự mình phân tích đặt câu hỏi tại sao, có bất thường hay không, có thể là một bài báo hay, hấp dẫn được hay không?… Có rất nhiều đề tài về môi trường, giao thông, y tế, bạo lực học đường… tưởng như quen thuộc nhưng nó sẽ hay hơn nếu chúng ta biết góc độ tiếp cận mới và viết về nó bằng một cái nhìn mới, lát cắt của vấn đề để khán giả không nhàm chán. Ví như phản ánh một trang trại chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm; nếu chỉ phản ánh trang trại này gây ô nhiễm thế nào thì ai cũng biết, nhưng biết tìm nguyên nhân của nó là ở địa phương không có đất qui hoạch chăn nuôi xa khu dân cư, trong khi trang trại này lại không có biện pháp xử lý chất thải, đã từng xảy ra dịch bệnh… thì sẽ thu hút nhiều người quan tâm hơn.

Đề tài là nền móng đầu tiên của mỗi tác phẩm báo chí. Nếu không có đề tài hay thì tác phẩm báo chí sẽ không có sức hút độc giả. Vì vậy lựa chọn đề tài hấp dẫn sẽ góp phần xây dựng các tác phẩm báo chí phong phú đa dạng và đáp ứng thông tin cho người đọc. Nhưng nói gì thì nói, đã làm báo thì phải có đam mê, nhiệt huyết và không ngừng lăn lộn khám phá ở tất cả các góc độ, mọi lúc mọi nơi để chắt lọc cho mình những thông tin có giá trị. Cùng với đó phải không ngừng học hỏi các đồng nghiệp trong việc tìm kiếm đề tài, những vấn đề đúng và trúng được dư luận quan tâm để xây dựng tác phẩm báo chí cho mình.

Thanh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây