Bản lĩnh, dấn thân và sáng tạo

Thứ tư - 25/12/2019 09:21
Bản lĩnh, dấn thân và sáng tạo

Khi nhận nhiệm vụ viết bài cho tạp chí của Hội Nhà báo tỉnh với chủ đề “Bản lĩnh, dấn thân sáng tạo tác phẩm báo chí” tôi không khỏi băn khoăn. Thực hiện đề tài này có phải là múa rìu qua mắt thợ không khi mình còn là “tay non”; trong khi nhiều lớp đàn anh, đồng nghiệp có những tác phẩm báo chí công phu, sắc sảo, được độc giả đánh giá cao? Và làm thế nào để có tác phẩm báo chí chất lượng cao trong khi bản thân mình còn nhiều hạn chế?… Đó đều là những câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng chủ đề này cũng là sự nhắc nhớ, thức tỉnh tình yêu nghề báo như đang dần kém đi trong tôi.
Chưa nói đến bản lĩnh, nhưng với những người làm báo có thâm niên từ 10 năm trở lên, nhất là với những nhà báo nữ, thì không yêu nghề, không thực sự dấn thân, chắc chắn sẽ không trụ vững với nghề.
111
Phóng viên tác nghiệp
Không dấn thân sao được khi có những ngày mưa dầm gió bấc, rét cắt thịt da mà phải đi làm từ 5 giờ sáng, trở về nhà rất khuya? Không dấn thân sao được khi là người “giữ lửa” gia đình mà đêm giao thừa lại phải đi tác nghiệp đến 2 - 3 giờ sáng? Không dấn thân sao được khi ngày đầu tiên đến trường của con mà bậc làm cha, mẹ lại phải đi làm sớm hơn ngày thường và phải nhờ ông, bà (thậm chí là hàng xóm) đưa con đến trường nhận lớp… Không dấn thân, không bản lĩnh sao được khi tác nghiệp, tìm hiểu, điều tra để làm những đề tài khó, hay làm việc vào những thời điểm tư tưởng phân tán, tin bài sai sót mà đến cả tháng chẳng lấy lại được tinh thần… Vượt lên trên những rào cản, khó khăn đó chắc chắn phải là tình yêu nghề báo đủ lớn, là sự dấn thân của mỗi người với sự nghiệp báo chí mà họ đang theo đuổi. Trong tâm khảm mỗi người làm báo như tôi đều hiểu rằng: Yêu nghề, say nghề thì nghề không phụ.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, thời đại “dân làm báo”, nhân dân đưa tin qua mạng điện tử còn nhanh hơn cả các phương tiện thông tin đại chúng chính thống; chỉ cần một cú click chuột, một động tác online, chia sẻ… thông tin đã lan nhanh theo cấp số nhân, trong khi báo chí chính thống phải đợi đến khung giờ phát sóng, lượt phát hành… thì nhà báo cũng phải có tư duy làm báo hiện đại. Tuy nhiên, không ít tờ báo, nhà báo hiện nay làm báo theo kiểu “mỳ ăn liền”, chép báo cáo, ngại đi cơ sở; thậm chí viết tin, bài như con vẹt, chỉ tô vẽ màu mè vẻ bề ngoài của một đơn vị nào đó mà không hiểu bản chất bên trong. Có cả trường hợp hiểu rõ sự thật bên trong chẳng có gì đáng viết, nhưng vẫn cố nhào nặn cho hay, cho đẹp… Giữa những bủa vây sức ép của công nghệ thông tin, của lợi ích cá nhân nhất thời ấy, rất cần những nhà báo chân chính, cần những người làm báo có bản lĩnh.

Thực tế hiện nay, vấn đề sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí không chỉ là yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền, mà còn là đòi hỏi bức thiết không chỉ của chi hội Báo Hưng Yên, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên, mà còn là đòi hỏi bức thiết đối với nền báo chí cách mạng. Mỗi tác phẩm báo chí chất lượng cao sẽ khẳng định kỹ năng nghề nghiệp, tôn vinh sức sáng tạo của mỗi người làm báo. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, báo chí phải bảo đảm thông tin nhanh, chính xác, nhưng phải đúng định hướng, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, bảo đảm lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc. Tác phẩm báo chí phải mang tính thời sự cao, phản ánh được vấn đề của cuộc sống mà dư luận quan tâm, được công chúng đón nhận và để lại dấu ấn. Điều này phụ thuộc vào sự nhạy bén, năng nổ trong việc tìm kiếm đề tài của nhà báo, nhất là những vấn đề nóng, nhạy cảm được đông đảo dư luận quan tâm như tham nhũng, quản lý đất đai, y tế, giáo dục, tài nguyên - môi trường, cạnh tranh thương mại và cả những vấn đề của cuộc sống đời thường như văn hóa ứng xử, giáo dục nhân cách, đạo đức con người, đạo đức cách mạng của một bộ phận cán bộ, đảng viên… Để phản ánh sâu đậm, rõ nét những vấn đề này rất cần bản lĩnh dấn thân của người làm báo.

Bản lĩnh của người làm báo cần phải có thời gian và sự trui rèn. Làm báo là làm chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam từng nói “Mỗi người làm báo là một chiến sỹ cách mạng trên mặt trận tư tưởng”. Vì vậy, để làm tốt vai trò là một người chiến sỹ cách mạng thì mỗi nhà báo phải làm cách mạng với chính mình, phải tự học tập, rèn luyện để vươn lên. Ngoài rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong, người làm báo chỉ thực sự tự tin, bản lĩnh vững vàng khi có đủ kiến thức, am hiểu vấn đề, lĩnh vực mình viết và có kỹ năng nghề nghiệp.
111

Tại Hội nghị Trung ương 10 Khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò của báo chí: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân”. Vì vậy, để làm tốt vai trò là công cụ tuyên tuyền thì người làm báo không thể chung chung, mơ hồ, mà phải nắm chắc từng quan điểm, từng vấn đề về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xác định rõ đâu là điểm mấu chốt để có cách tuyên truyền phù hợp, vừa đơn giản, dễ hiểu, vừa dễ thực hiện.

Nhưng để làm được điều này bên cạnh vai trò chủ động của cá nhân mỗi người làm báo thì còn phụ thuộc rất lớn vào vai trò của lãnh đạo cơ quan báo chí. Bởi nhà báo cần nhận được sự tin tưởng giao việc, sự đồng hành, khích lệ, giám sát và tin dùng sản phẩm, đứa con tinh thần của nhà báo sau khi đã dày công tìm hiểu, chấp bút.
              Hồng Minh


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây