Để có một phóng sự truyền hình đảm bảo phát sóng hoặc có chất lượng cao, được khán giả và người xem đón nhận, có rất nhiều yếu tố. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc làm đề cương trước khi đi làm.
Nếu muốn có một đề cương sơ bộ, cùng với ý tưởng làm về chủ đề đó nào, tác giả có thể khai thác qua điện thoại, qua trao đổi gián tiếp, bằng các mối quan hệ để nắm những thông tin ban đầu, từ đó bắt đầu xây dựng đề cương tác phẩm phóng sự của mình. Nói thì đơn giản, nhưng để có được mấy "gạch đầu dòng" đó cũng không hề dễ dàng chút nào? Bởi khi xây dựng đề cương, người viết luôn phải xác định là: Sẽ làm vấn đề ở đó như thế nào? cái mới trong tác phẩm đó là gì, quay hình ảnh ra sao? phỏng vấn ai và nếu như không thuyết phục được nhân vật phỏng vấn thì sẽ làm thế nào?... Đây chính là những nguyên liệu rất quan trọng để thuyết phục được ban biên tập cho làm tác phẩm. Nếu được thông qua, theo quy trình, tác giả sẽ phải tiếp cận hiện trường để bắt tay vào làm đề cương chi tiết.Hiện nay, nhiều phóng viên ở các đài truyền hình địa phương thường bỏ qua khâu này, nghĩa là đã có đề cương sở bộ rồi, thì kíp phóng viên cứ triển khai. Tuy nhiên, nếu một tác phẩm muốn có chất lượng cao, buộc phải có đề cương chi tiết. Sau khi xuống cở sở, tìm hiểu, tác giả xây dựng đề cương chi tiết, đồng thời có sự trao đổi, bàn bạc trong nhóm; từ đó, đặt ra vấn đề là sẽ thay đổi những chi tiết gì (hình ảnh, lời bình, phỏng vấn) để hoàn thiện đề cương, báo cáo ban biên tập cho triển khai tác phẩm. Hiện nay, quá trình đi tìm hiểu tại cơ sở, một số phóng viên có thể mang theo máy quay phim để quay một số hình ảnh, thậm chí phỏng vấn nhân vật luôn, coi đó như một chất liệu trong bài viết. Trong quá trình làm các phóng sự dự thi, phóng sự tài liệu về một phong trào nào đó của tỉnh, ngành hay của huyện, thị xã, thành phố bản thân tác giả đã phải đi làm "tiền kỳ" hai đến ba buổi trước khi triển khai thực hiện tác phẩm.
Quá trình làm như vậy, nhưng khi thực hiện tác phẩm, vẫn tiếp tục nảy sinh những chi tiết mà trong đề cương không có. Đây cũng là chuyện hết sức bình thường. Vì đã gọi là phóng sự, là làm về một sự việc, nhưng có vấn đề (có thể tốt, xấu, hoặc được dư luận quan tâm) thì việc sự kiện đó thay đổi là điều không tránh khỏi. Đôi khi, vấn đề không thay đổi, nhưng chi tiết, sự việc lại không giống trước, thì sẽ làm cho phóng sự đạt chất lượng cao hơn. Thực tiễn qua một số lần làm phóng sự điều tra, tôi đã rút ra được điều này. Ví dụ như khi làm điều tra về tình trạng xe quá khổ quá tải năm 2015: Dù đã đi tiền trạm trước 2 ngày, về làm đề cương, nhưng quá trình tác nghiệp lại nảy sinh một số vấn đề mà người làm đề cương và những người tham gia góp ý không hình dung hết được. Đó là việc "nứt tường, đổ nhà" do xe quá tải gây ra nhiều hơn khi chúng tôi đi khảo sát; đó là sự không hợp tác của các ngành chức năng hoặc sự "đe dọa", "bắn tin" của những chủ xe... Tuy nhiên, đây cũng là những "chất liệu" làm cho phóng sự của chúng tôi thêm được những vấn đề lý giải câu hỏi mà công chúng đang mong đợi: Vì sao xe quá tải, quá khổ vẫn lộng hành?