Với bản tính thích giao tiếp và muốn sẻ chia những thông tin, kiến thức có giá trị mình khám phá với mọi người, tôi đã chủ động lựa chọn học, theo làm nghề báo. Thời kỳ ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi được rèn rũa chuyên sâu, vững vàng về quan điểm chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức dân tộc; phương thức làm nghề và vai trò, trách nhiệm của nhà báo, ngành báo chí trên tinh thần yêu nước, thượng tôn pháp luật. Riêng kiến thức để sáng tạo tác phẩm các trường đại học báo chí thường chỉ đào tạo khái quát vì vậy để theo nghề và không bị đào thải trong quá trình làm nghề các phóng viên, nhà báo đều phải nỗ lực học tập, nâng cao chất lượng trình độ mọi mặt. Trong 16 năm làm phóng viên tại Báo Nam Định, tôi có cơ hội được liên tục học tập, rèn luyện; trong số đó có không ít tư tưởng, kiến thức từ đồng nghiệp đã giúp tôi nâng cao năng lực làm báo và rèn luyện đạo đức cá nhân.
Ngày mới vào nghề, việc học tập từ những nhà báo đi trước trong Phòng Kinh tế, nơi được bố trí tập sự, đã cho tôi lời khuyên bổ ích về việc thiếu tự tin có thể khiến công việc kém hiệu quả, thậm chí phá hỏng cơ hội hợp tác, mối quan hệ cần nuôi dưỡng; cách làm việc hiệu quả ở tất cả các khâu trong quá trình thực hiện một tác phẩm báo chí: từ tiếp cận với nguồn tin, thu thập tư liệu, xử lý thông tin, sử dụng các phương tiện kỹ thuật trợ giúp cho đến cách viết tốt hơn để hoàn thiện tác phẩm báo chí. Chính bác Trưởng Phòng Kinh tế ngày tôi mới vào nghề đã giúp tôi ghi nhớ điều khiến một tác phẩm báo chí trở nên tươi mới, riêng biệt là quan điểm của nhà báo và những quan điểm có tính khác biệt, tuy nhiên nhà báo phải đánh giá sự kiện, phản ánh thông tin qua lăng kính nhìn nhận, phân tích của người khác. Cũng chính những đồng nghiệp thông minh, có tuổi của Báo Nam Định đã giúp tôi bồi dưỡng phẩm chất làm nghề, bao gồm: Biết rèn rũa sự dũng cảm nhất định (dũng cảm đặt câu hỏi với ai đó, dũng cảm thừa nhận những gì mình chưa biết...); biết kích thích, sử dụng trí tò mò để khai thác sâu tới gốc rễ của vấn đề. Qua học hỏi đồng nghiệp tại Báo Nam Định đã giúp tôi củng cố vững chắc nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của người làm báo là có quyền tự do tiếp cận, phản ánh thông tin nhưng nhất thiết phải tiếp cận thông tin đa chiều để đánh giá, phản ánh trung thực sự kiện trong khuôn khổ chuẩn mực đạo đức xã hội và đặc biệt phải tuân thủ pháp luật; trong đó có Luật Báo chí, các quy định trong “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”; phải tuyên truyền cổ vũ và bảo vệ cái tốt, cái đẹp, phản bác và diệt trừ cái xấu, cái ác. Nhờ đó, trong suốt quá trình làm việc tại Báo Nam Định, tôi luôn thấm nhuần và chung sức cùng đồng nghiệp thực thi tiêu chí: Cuộc sống cũng như hoạt động nghề nghiệp của nhà báo phải góp phần làm cho quan hệ giữa người với người trong xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân văn.
Nhờ nghề báo tôi còn được trải nghiệm nhiều chuyến đi, có cơ hội để gặp gỡ, biết về quan điểm của những người thành công, tài giỏi trong thực tế. Vừa qua, trong chuyến công tác tới các cơ quan Báo Đảng khu vực Tây Bắc của Báo Nam Định đã giúp tôi có cơ hội tiếp kiến và học tập từ đồng nghiệp kinh nghiệm nâng cao năng lực trụ vững, tiếp tục phát triển nghề trong giai đoạn báo chí đang phải cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội và yêu cầu thực hiện lộ trình báo Đảng tự chủ kinh phí. Theo nhà báo Khoàng Văn Thành, Tổng Biên tập Báo Lai Châu, một số thông tin tuy không cung cấp nhanh như mạng xã hội nhưng chắc chắn các cơ quan báo chí, nhất là khối báo Đảng sẽ giữ vững thương hiệu, ưu thế nếu tiếp tục duy trì, nâng cao tinh thần chủ động cung cấp thông tin chính xác, có kiểm chứng. Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng trong điều kiện thông tin không chính thống trên mạng xã hội đang mất uy tín, Báo Lai Châu hiện đang ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại; tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ phóng viên theo hướng khuyến khích tự học tập, hỗ trợ đào tạo lẫn nhau; đồng thời bảo đảm tất cả các công đoạn đều có sự phối hợp để các tác phẩm báo chí hoàn thành với trình độ chuyên môn cao. Nhà báo Nông Thụy Sỹ, Tổng Biên tập Báo Yên Bái cho rằng để trụ vững và phát triển trong điều kiện các phương tiện truyền thông ngày một phát triển, phải cạnh tranh thị phần quảng cáo với truyền hình và mạng xã hội, những năm gần đây đơn vị đã tập trung xây dựng thương hiệu Báo Yên Bái. Xác định muốn xây dựng thành công thương hiệu Báo Yên Bái trước tiên phải đảm bảo cho người làm báo sống được bằng nghề, từ đó tin tưởng, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, Báo Yên Bái đã chủ động lồng ghép thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị với việc sản xuất các chương trình truyền thông quảng bá về kinh tế du lịch, đánh giá của dư luận xã hội về chất lượng sản phẩm và thương hiệu khi những doanh nghiệp có uy tín, chất lượng sản phẩm cao đặt hàng để gia tăng nguồn thu quảng cáo. Đặc biệt, Báo Yên Bái còn chủ động bắt nhịp sự phát triển của công nghệ, đầu tư mạnh vào Báo điện tử, trong đó quan tâm phát triển truyền hình điện tử. Mặt khác, trước đây, mỗi nhà báo thường hoạt động chuyên biệt hóa nghiệp vụ (chỉ chụp ảnh, chuyên viết tin, bài cho báo in) nhưng khi có thêm phiên bản điện tử trên Internet và truyền hình điện tử, Báo Yên Bái đã phát huy tối đa năng lực của phóng viên theo phương thức “đa chức năng”, tham gia vào việc thực hiện tác phẩm thuộc các loại hình báo chí khác nhau: quay phim, vừa chụp ảnh, vừa viết bài, vừa dàn dựng, lồng ghép âm thanh… Nhờ đó, đến nay bên cạnh báo in, báo điện tử, bình quân Báo Yên Bái xuất bản khoảng 40 tác phẩm truyền hình điện tử/tháng nên đã nhanh chóng nắm giữ vị trí “top” đầu trong khối Báo Đảng địa phương có lượng công chúng lớn trong và ngoài nước truy cập, tiếp cận thông tin qua báo điện tử.
Từ chuyến đi, các cuộc gặp gỡ và chủ động học tập từ đồng nghiệp giúp cá nhân tôi hiểu rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin và sự xuất hiện các cơ quan báo chí đa loại hình như ngày nay, để cơ quan báo chí trụ vững, phát triển cần phải cung cấp nhanh nhạy hơn các thông tin chuẩn xác, có kiểm chứng. Do đó, hoạt động báo chí không thể tách rời các sản phẩm của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Nhà báo phải có kiến thức vững vàng về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật phục vụ tác nghiệp. Là nhà báo, tôi nhận thấy bản thân mình cũng như các đồng nghiệp cần được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ và liên tục được bồi dưỡng, học tập mở mang tri thức mọi mặt để theo kịp yêu cầu của thực tiễn, sáng tạo được những tác phẩm báo chí cung cấp thông tin chuẩn xác, có kiểm chứng, đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và cách thể hiện hấp dẫn để thu hút bạn đọc./.