Bảy kinh nghiệm từ việc chấm Giải Báo chí Quốc gia

Thứ ba - 10/03/2020 10:23
Nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu xung quanh vấn đề “Để tác phẩm báo chí được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia”.
111
Đ/c Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải BCQG lần thứ XIII – năm 2018; TS. Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ (HNBVN), Trưởng Ban Thư ký tổng hợp Giải, Phó Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải BCQG lần thứ XIII – năm 2018
chủ trì khai mạc vòng chấm Sơ khảo Giải BCQG lần thứ XIII – năm 2018
Thường trực Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia vừa ban hành Hướng dẫn tuyển chọn tác phẩm báo chí xuất sắc dự Giải báo chí Quốc gia lần thứ XIV – năm 2019. Các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Liên chi hội và Chi hội trực thuộc, các cơ quan báo chí đang bắt tay vào công tác sàng lọc, tuyển chọn các tác phẩm đạt chất lượng để gửi tham dự. Nhà báo Trần Bá Dung - Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu xung quanh vấn đề này.

Nhà báo, TS Trần Bá Dung khẳng định: Giải báo chí Quốc gia là giải thưởng danh giá bậc nhất hiện nay, là giải thưởng cao quý nhất về nghề mà hầu như bất cứ nhà báo nào cũng mong muốn được một lần đứng trên bục vinh quang. Tham dự Giải là các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên, với những tác phẩm xuất sắc nhất sáng tạo trong một năm lao động bền bỉ. Theo kinh nghiệm nhiều năm chấm giải và tổ chức giải, những đơn vị nào đầu tư công phu cho sáng tạo tác phẩm ngay từ đầu năm và có những chiến lược bài bản trong công tác này mới có thể đoạt giải. Để có tác phẩm báo chí tốt dự GBCQG có nhiều khâu, nhiều yếu tố cấu thành. Đó là năng lực của tác giả, nhóm tác giả, công tác tổ chức chỉ đạo của BBT, Ban GĐ Đài, các khâu tổ chức thực hiện, nắm bắt phản hồi của công chúng... Tác phẩm có thể do một tác giả, nhóm tác giả... nhưng đó chính là hội tụ, kết tinh của sức mạnh tập thể, vì bản chất lao động báo chí là lao động tập thể. Và khi mà BBT báo, đài cho rằng, việc có tác phẩm báo chí đoạt giải báo chí quốc gia là niềm tự hào thì chất lượng trong mỗi tác phẩm mới ngày càng được đầu tư và nâng cao hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng mùa Giải Báo chí quốc gia.

Thực tế qua nhiều năm tham gia Hội đồng Giải, chúng tôi thấy rằng để có một tác phẩm đoạt Giải BCQG cần đáp ứng một số yếu tố cơ bản. Đầu tiên là tác phẩm phải có đề tài hay. Một đề tài hay phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Đúng – Trúng – Hấp dẫn (lôi cuốn). Điều này thường được thể hiện ngay trong tiêu đề bài báo hoặc trong giới thiệu tác phẩm (sapo). Đúng là đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, đúng đặc trưng nghiệp vụ. Chỉ cần đọc đầu đề bài báo, biết là có đúng hay không. Trúng là trúng chỉ đạo của Trung ương, của Bộ, ngành, của cấp ủy địa phương. Trúng ở đây cũng có nghĩa là trúng với điều mong đợi của công chúng bạn đọc, bạn nghe đài, xem truyền hình muốn được biết, được hiểu, được tham gia. Còn hấp dẫn ở đây được hiểu là đề tài có tính mới, lạ, tính thời sự cao, có tính thiết thực, đáp ứng ngay nhu cầu bức thiết của công chúng, được diễn đạt một cách lôi cuốn.

Thứ hai, tác phẩm phải có nội dung thiết thực, chân thực và giàu chi tiết báo chí. Một tác phẩm có tiêu đề hay, đề tài hay, nhưng nội dung nghèo nàn, sơ lược, nội dung không sát với tiêu đề, không thiết thực với mong muốn nóng hổi của công chúng, sẽ không được đánh giá cao. Mặt khác, tác phẩm có đề tài hay, nội dung ăn khách, sát với đầu đề tác phẩm, nhưng nội dung lại thiếu chân thực, thiếu độ tin cậy, cũng sẽ không được đón nhận, không được đánh giá cao. Nội dung tác phẩm có tính thiên vị, định kiến, áp đặt hay thiếu chứng cứ chắc chắn, cũng dễ bị bỏ qua, dù cho tên bài hấp dẫn, thu hút. Tác phẩm nếu thiếu chi tiết báo chí sinh động, chi tiết đắt, có tính đại diện, tính khái quát cao, cũng sẽ không thu hút được công chúng và Hội đồng giám khảo. Chi tiết nhỏ làm nên nhà báo lớn. Nếu bỏ qua chi tiết, bài báo khó đứng vững, khó thuyết phục công chúng, kể cả phát thanh, truyền hình...
111
PV tác nghiệp với sự đầu tư công sức từ tích lũy tư liệu, khai thác, thu thập, xử lý thông tin...
sẽ sáng tạo được những tác phẩm chất lượng 
Thứ ba, tác phẩm phải có chiều sâu và phải đi hết vấn đề. Tác phẩm dự Giải phải có tính phát hiện, có tầm ảnh hưởng xã hội. Vậy nhưng, thật tiếc là nhiều tác phẩm có đề tài tốt, đầu đề hay, giới thiệu hấp dẫn, nhưng tác giả lại không đào sâu được vấn đề, không đẩy hết tầm của vấn đề. Điều này sẽ khiến người đọc, người xem có cảm giác hụt hẫng, thất vọng... Nguyên nhân thường do tác giả chưa đủ năng lực, đủ tầm khái quát vào đào sâu chủ đề, chi tiết. Mặt khác, sự kiện được phản ánh phải xứng tầm của chủ đề tác phẩm. Nếu chủ đề nghe hấp dẫn, gây tò mò, hào hứng, nhưng sự kiện, chi tiết và vấn đề được phản ánh lại không có tính đại diện, thậm chí ngược lại, phản tác dụng. Nhiều tác phẩm đoạt Giải là kết quả của một quá trình lao động công phu của tác giả, thể hiện qua nhiều kỳ, nhiều phần, nhiều nội dung bổ trợ cho chủ đề chính của tác phẩm.

Thứ tư, tác phẩm phải mang đậm dấu ấn lao động của nhà báo. Các tác phẩm đoạt Giải BCQG cho thấy tác giả đã đầu tư công sức như thế nào trong tích lũy tư liêu, khai thác, thu thập, xử lý thông tin... Lao động của nhà báo còn cho thấy mình thể hiện. Lao động nhà báo ở đây còn thể hiện quá trình theo dõi, trăn trở, nuôi và bám đề tài: Khi nào, ở đâu, làm gì, gặp ai, với phương tiện gì, điều kiện gì, trở ngại gì, thủ pháp gì...

Thứ năm, tác phẩm phải được thể hiện đúng đặc trưng và ngôn ngữ thể loại, phù hợp đặc trưng loại hình báo chí. Nhiều tác phẩm ghi là phóng sự nhưng thực chất là bài phản ánh đơn thuần, không hề có phóng sự, không có câu chuyện nhân vật với những chi tiết sinh động... Tác phẩm ghi là điều tra, nhưng thực ra lại là phóng sự, vì không có bất cứ dấu hiệu lao động điều tra nào của nhà báo. Có những tác phẩm ghi là phỏng vấn, dài cả mấy trang, nhưng không thể hiện đầy đủ đặc trưng một tác phẩm phỏng vấn (là câu chuyện hỏi – đáp có chủ đề giữa hai người, do phóng viên làm chủ, dẫn dắt...), mà chỉ là ghép câu hỏi gửi trước với câu trả lời. Thậm chí là chèn câu hỏi vào một tài liệu báo cáo đầy những con số dài dòng, tổng kết rồi ghi là phỏng vấn. Hoặc có ba, bốn câu hỏi thì đều là “xin đồng chí cho biết”. Ngôn ngữ thể loại còn là phong cách riêng của nhà báo. Với những phóng sự đoạt Giải Quốc gia, tác giả cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ văn học và báo chí thành thục, giàu biểu cảm nhưng hoàn toàn chân thực, sinh động, cụ thể, gợi mở nhưng không sáo rỗng... Đặc biệt, tác phẩm đoạt Giải BCQG phải đáp ứng yêu cầu ngôn ngữ loại hình báo chí. Những tác phẩm phát thanh dài tới 6-7 phút nhưng chỉ có 1 tiếng động; những phóng sự truyền hình nghèo hình nhân vật, hiện trường mà thừa lời và hình phóng viên; những tác phẩm báo in kín chữ trên mặt báo nhưng thiếu ảnh, thiếu box dữ liệu, thiếu sapo, infographic... đều dễ bị loại, cho dù đề tài có thể hay.

Thứ sáu, sử dụng ngôn ngữ và thể loại báo chí một cách sáng tạo. Khả năng vận dụng thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, sử dụng vốn từ phong phú, chính xác, sẽ làm tăng sức hút của tác phẩm báo chí với công chúng và giám khảo. Nhiều tác phẩm đoạt Giải BCQG thường là tác phẩm nhiều kỳ, sử dụng đan xen nhiều thể loại báo chí trong loạt bài (Giải BCQG năm 2018 có tới hơn 70% tác phẩm đoạt giải là loạt bài từ hai kỳ trở lên). Đây là sự phát triển thể loại báo chí trong thời đại ngày nay, phi truyền thống.

Cuối cùng, tác phẩm đoạt Giải cần sử dụng các công cụ đa phương tiện (như video clip, audio, các dạng thức mới như mega-story, long-from...) để tăng độ hấp dẫn và tương tác có thể. Bên cạnh việc thể hiện tác phẩm một cách chuyên nghiệp, bài bản, có tính phát hiện vấn đề, có tầm ảnh hưởng xã hội, cách viết cần ngày càng ngắn hơn, thông tin đa chiều, phản biện hơn, thông điệp rõ và thực tế hơn, cách thể hiện truyền hình và phát thanh cũng ngày càng sống động hơn, hiện đại và tương tác nhiều hơn.
 
Hà Vân
(Báo Nhà báo và Công luận)

Nguồn tin: Báo Nhà báo và Công luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây