Gợi ý cách biến thông tin từ mạng xã hội thành tin bài báo chí
Thứ sáu - 08/05/2020 09:23
Chơi Facebook, Zalo không chỉ để tiêu khiển, kết nối người thân, bạn bè, đồng nghiệp, mà với tôi một phóng viên, mạng xã hội (MXH) còn là nguồn tin quan trọng trong tiến trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Thực tế đã có nhiều tin, bài bắt nguồn từ những gợi ý trên MXH. Song, cách nào để biến thông tin “thượng vàng, hạ cám" trong thế giới ảo thành tác phẩm báo chí đúng, trúng, nhanh?
Tác nhân phát tán tin sai
Thời gian gần đây, dịch bệnh COVlD-l9 đã trở thành vấn đề của toàn cầu. Riêng tại Bạc Liêu, trước thời điểm tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh COVID-19 nào thì đã có vài trường hợp “công dân mạng” bị Công an mời lên làm việc vì đưa tin tình hình dịch bệnh sai sự thật. Trong lần lướt Facebook. tôi thấy một tài khoản đăng thông tin nói tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đang cách ly một trường hợp nghi nhiễm COVlD-19. Để củng cố thông tin, người này còn cho biết nguồn tin từ người thân đang công tác tại cơ sở y tế này đưa ra.
Đối chiếu với tình hình phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và nhận định thông tin này không chính xác, tôi lập tức liên hệ với ngành chức năng để kiểm chứng. Giám đốc BVĐK Bạc Liêu bác sĩ Mã Quốc Thiện khẳng định nơi đây chưa tiếp nhận cách ly trường hợp nghi nhiễm bệnh COVID-19 nào và ông bổ sung thêm: hôm qua, An ninh tỉnh cũng gọi hỏi về thông tin trên mạng có người bị cách ly tại Bệnh viện Quân dân y... Sau BVĐK tỉnh, tôi còn tiếp tục trao đổi sự việc trên với lãnh đạo Sở VH-TT-TT&DL, người phụ trách lĩnh vực này của Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh) và Giám đốc Bệnh viện Quân dân y tỉnh. Từ một thông tin ban đầu, sau kiểm chứng từ 4 nguồn tin có thẩm quyền, tôi đã viết được tin “Bạc Liêu chưa có người nhiễm virus Corona” đăng trên báo Bạc Liêu số thứ Bảy, phát hành ngày 1/2/2020, kèm theo ảnh chụp màn hình có dòng trạng thái viết sai sự thật để tăng độ tin cậy, cũng như cảnh báo với người dùng MXH. Qua đây, cho thấy MXH (Facebook, Zalo, Twitter, lnstagram hay Lotus) không phải nguyên nhân dẫn đến thông tin thiếu khách quan, không chính xác, hoặc những bất cập trong xã hội, mà nó là một tác nhân phát tán những điều chưa hay. Từ đó, đòi hỏi người làm báo phải biết cách khai thác và sử dụng một cách hợp lý để phát huy các mặt tích cực của MXH, tránh rơi vào tình huống bị cộng đồng mạng dẫn dắt thông tin. Khi sử dụng MXH, bản thân tôi xác định mình phải giữ vững vai trò giúp định hướng dư luận, loại bỏ những bất cập đến từ các luồng thông tin chưa được kiểm chứng chính xác, thiếu tính định hướng phù hợp trong cộng đồng.
Nên kiểm chứng, chọn lọc thông tin
Để sử dụng hiệu quả thông tin tư liệu trên MXH, tôi luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về việc sử dụng thông tin nói chung và thông tin tư liệu MXH nói riêng trong tiến trình sử dụng, khai thác MXH.
Trên MXH, bên cạnh các thông tin chính thức từ tài khoản của tổ chức chính trị, nhà nước (official account- tài khoản chính thức) đưa ra, thì cũng có lắm vấn đề nóng được chia sẻ trong cộng đồng xã hội và không loại trừ cả “thông tin ba rọi" (có thật - có giả), bịa đặt, giả mạo, thông tin suy diễn tràn lan xuất hiện với tần suất ngày một nhiều. Cho nên, khi tiếp nhận thông tin, cần có sự chọn lọc và cố gắng kiểm chứng tính chân thật từ nhiều hướng tiếp cận thông tin. Sau đó mới tính đến chuyện sử dụng thông tin tư liệu trên MXH đã qua kiểm chứng đó như một nguồn tin sơ cấp. và cần ghi rõ nguồn khi đăng, phát.
Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí (ban hành kèm theo Quyết định 52/2008/QĐ-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông) nêu rõ: “Cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Khi viện dẫn nguồn tin phải thể hiện rõ nguồn tin do cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp hoặc thể hiện rõ là theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp Iuật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin”.
Đối với người làm báo cách mạng thì ngoài tuân thủ pháp luật, còn chấp hành quy định của Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Quy tắc dựa trên các quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Theo Quy tắc này, một trong 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH là “Phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí”.
Khi tham gia MXH, chúng ta cần quan tâm về tính xác thực của tư liệu được lấy từ MXH, cần xác nhận về nguồn gốc thông tin (số điện thoại, thư điện tử, địa chỉ, tài khoản MXH khác của người đăng tin). Sau đó, người làm báo cần liên hệ với nguồn tin, tốt nhất nếu có thể thực hiện thì gặp trực tiếp để phỏng vấn nhân vật nhằm xác minh thông tin một lần nữa.Trong lúc trao đổi trực tiếp, nhà báo có thể khai thác thêm những dữ kiện mới để làm chất liệu cho những bài viết tiếp theo.
Một kinh nghiệm cá nhân mà tôi muốn chia sẻ là cần chụp lại màn hình đăng thông tin trên MXH tại thời điểm nó xuất hiện. Thông tin khi đăng lên MXH dễ dàng được chỉnh sửa, hoặc xóa đi. Nên ảnh chụp màn hình là bằng chứng, hoặc phục vụ cho các thao tác về sau. Thêm nữa, có nhiều chuyên gia, người có thẩm quyền, người uy tín tham gia MXH, nên nếu trở thành bạn bè của nhau, người làm báo sẽ có thêm kênh tham khảo, xác tín thông tin hoặc lấy ý kiến.
MXH có thể coi là trạng thái tinh thần của đời sống. Thông tin trên đó đã tác động trực tiếp, gián tiếp một cách mạnh mẽ đến công chúng. Khi nhà báo sử dụng thông tin này như một gợi ý để phát triển đề tài trong tiến trình sáng tạo tác phẩm báo chí, thì thông tin trên MXH chính thức bước vào đời thực, đến với công chúng truyền thông lần thứ hai. Khi đó, từ thông tin trong thế giới ảo trở thành bản tin trên ấn phẩm báo chí chính thống thì phạm vi ảnh hưởng được khuếch đại và độ tin cậy cũng tăng theo. Vì thế, sử dụng thông tin tư liệu MXH trong tác phẩm báo chí cần cẩn trọng và tuân theo những nguyên tắc nhất định để tránh những sai phạm, tạo hiệu quả thông tin của bài viết.