Trước thềm Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV – năm 2019: Để tác phẩm báo chí được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia

Thứ sáu - 22/05/2020 11:46
Phải chịu “nằm” địa bàn để khai thác thông tin

Tiếp tục vệt chuyên đề là câu chuyện của nhà báo Dương Đình Tường – Báo Nông nghiệp Việt Nam. Anh đã có nhiều năm đoạt giải Báo chí Quốc gia, có những loạt phóng sự tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, giúp thay đổi cuộc sống cho bà con nông dân.

Phát huy vai trò phát hiện, cảnh báo và giám sát của báo chí

Hàng ngàn chuyến đi, hàng ngàn bài viết, nhà báo Dương Đình Tường luôn để lại dấu ấn riêng của mình đó là những đề tài mới lạ, gai góc, phải đầu tư nhiều thời gian, công sức thậm chí là “nằm” địa bàn nhiều ngày để khai thác thông tin.Khi tìm đề tài, anh luôn đặt mình vào vị trí của độc giả để xem họ muốn đọc thứ gì và cái gì cần với đời sống của họ. Đối với anh bài viết đó trước tiên phải có sức lan tỏa, ảnh hưởng để tạo ra những điều tốt đẹp hơn cho xã hội, nhất là hỗ trợ những người yếu thế.
111
Nhà báo Dương Đình Tường trong một cuộc phỏng vấn với người dân.
Với nhà báo Dương Đình Tường, một trong những tác phẩm được anh nhắc đến nhiều là loạt “Những hạt ngô máu” bởi sức ảnh hưởng lớn, còn nguyên giá trị. “Những hạt ngô máu” được đăng tải trên Báo Nông nghiệp Việt Nam từ ngày 14/9 đến ngày 16/9/2016 phản ánh về tình trạng hàng trăm người dân ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bị mất đất sản xuất bởi hình thức đầu tư vật tư nông nghiệp theo dạng tín dụng đen của các đại lý. Nhiều gia đình đồng bào rơi vào cảnh cùng cực như  anh Vì Văn Tuấn ở bản Nà Nhụng (xã Phiêng Pằn) vay 20 triệu đồng của chủ đại lý quy ra giống ngô với giá cao hơn nhiều lần so với giá thị trường. Vật tư mua vào giá cao nhưng giá sản phẩm bán ra cho chủ đầu tư lại thấp, vì vậy lãi mẹ đẻ, lãi con, anh phải gán mất cả ruộng nương.

Nhà báo Dương Đình Tường cho biết: Thời điểm đó chỉ riêng trên địa bàn 2 xã Phiêng Pằn và Chiềng Lương đã có 269 hộ vay nợ không có khả năng trả phải gán đất cho các chủ nợ với diện tích là 405ha, tổng số nợ trên 15,6 tỷ đồng, phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình.Đi sâu vào tìm hiểu, điều tra anh nhận thấy những thủ đoạn tinh vi của các chủ đại lý khi họ “giam” người dân bằng những giấy vay nợ không ghi gốc và lãi mà chỉ ghi tổng nợ để trốn tránh cơ quan pháp luật điều tra. Họ làm giàu trên xương máu của đồng bào. Những bằng chứng anh đăng tải trên báo đã có tác động mạnh mẽ đến dư luận, hàng loạt cơ quan báo chí khác cùng vào cuộc.

Loạt bài đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến xã hội khiến tỉnh Sơn La đã tổ chức 10 cuộc họp bàn cách tháo gỡ cho bà con nông dân. Bí thư tỉnh ủy Sơn La sau đó đã chỉ đạo cơ quan công an phải vào cuộc, điều tra loại hình tín dụng đen qua đầu tư nông nghiệp trên địa bàn. Loạt bài đã giúp cho cuộc sống của cả ngàn nông dân trồng ngô huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thay đổi theo hướng tích cực, nợ nần bị khoanh lại, đất đai được trả về, nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi được triển khai. Đặc biệt ngân hàng chính xã hội huyện cũng tích cực hỗ trợ bà con vay vốn phát triển cây mía, các cây ăn quả tạo thêm thu nhập.

Trải nghiệm cuộc sống thường ngày với người dân bản

Kể về những ngày tháng tác nghiệp ở huyện miền núi Mai Sơn, tỉnh Sơn La, anh cho biết đề tài này đến bất chợt trong một lần đi hội nghị đầu bờ về giống ngô mới ở thị trấn khi nghe một người dân kể về việc phải trả lãi quá cao khi mua giống ngô của một đại lý. Có được thông tin trên, anh bỏ dở cuộc hội nghị, gói gọn tư trang gồm máy ảnh, máy tính, quyển sổ và vài bộ quần áo vào ba lô, mượn xe máy của dân đi xuống các bản làng ở xã Phiêng Pằn và xã Chiềng Lương. Đúng vào dịp sau lũ quét, đường xá hỏng, xe máy không thể đi được, anh buộc phải gửi xe để đi bộ trong bùn đất, vượt dốc, băng suối để tiếp cận hiện trường.
111
Cảnh gian khó của đồng bào, những hộ nông dân mất đất, đường xá sạt lở sau lũ.
Khi xuống đến nơi, từ người lớn đến trẻ con trong bản đều nhìn anh với ánh mắt không thiện cảm vì tất cả họ đang bị mất trâu, mất ruộng, đang mang một khoản nợ lớn nên kẻ lạ nào vào cũng nghĩ là lừa đảo. Phải giơ thẻ nhà báo, giải thích hồi lâu, nhờ Trưởng bản lẫn Bí thư bản biết tiếng dân tộc dịch cho, họ mới đồng ý tiếp chuyện.

Chia sẻ về cách tiếp cận với đồng bào dân tộc, nhà báo Đình Tường cho biết: Điều quan trọng là mình không làm điều gì xấu mà thực tâm muốn giúp họ nên thấy ai cũng gần gũi. Trong một tuần lễ, anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng đi nương, đi rẫy để từ đó hiểu hơn về cuộc sống và tâm tư của họ. “Nếu phóng viên mà sợ khổ hay sợ bẩn thì không thể tiếp cận với những thực tế đang diễn ra ở các bản làng được. Có lần, đang leo núi cùng một người dẫn đường thì trời bắt đầu chuyển mưa to, không ai có áo mưa, không có chỗ nấp nào mà chỉ có nương ngô đang mọc ngang tầm ngực nên tôi phải cúi gập người để ôm cái ba lô chứa máy ảnh, máy tính của mình vào lòng sao cho khỏi ngấm nước. Tới tận tối mịt mới đến được bản, quần áo ướt nhẹp phải ngồi hơ nhờ bên đống lửa của nhà dân”, nhà báo Đình Tường tâm sự. 

Trong nhiều chuyến công tác không ít lần anh đến với những bản làng biệt lập, không điện, không sóng điện thoại, không biết tiếng Kinh, đồ ăn chỉ là tóp mỡ, chuột rừng gác bếp hay củ khoai, củ sắn, bắp ngô nhưng cũng thành quen.

Khi đôi chân không biết mỏi

Luôn đồng hành cùng với những khó khăn của người dân ở mọi miền Tổ quốc, nhà báo Dương Đình Tường đã có nhiều đóng góp quan trọng. Những bài viết của anh đã giúp bao nhiêu gia đình thoát khỏi cảnh túng quẫn, thay đổi những tập tục canh tác sinh hoạt lạc hậu, hướng dẫn người dân không nên sản xuất bằng những thứ có hại cho môi trường, cho sức khỏe.

Cũng nhờ sự hy sinh và dấn thân đó, anh có nhiều tác phẩm mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với cơ quan quản lý nhà nước và với nông dân, anh đã được trao nhiều giải thưởng báo chí danh giá. Nhưng anh tâm sự, giải thưởng lớn nhất đối với mình chính là góp một phần nhỏ bé vào sự đổi thay theo chiều hướng tốt đẹp hơn ở những vùng mà mình từng đi, từng đến.
111
Nhà báo Dương đình Tường trong một chuyến đi thăm ruộng.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đã gợi ý cho anh phụ trách những mảng khác như theo dõi bộ ngành, kinh tế… để không phải đi xa, hạn chế rủi ro nhưng nhà báo Dương Đình Tường không muốn thay đổi. Hơn 17 năm ở Báo Nông nghiệp Việt Nam là từng ấy thời gian anh gắn bó với người nông dân, dành tình cảm cho những con người yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Có thể nói, anh như một người truyền cảm hứng thúc giục những phóng viên trẻ còn đang e dè, ngại gian khó rằng hãy cứ bước đi, đừng suy tính thiệt hơn khi bắt tay vào một đề tài mới mà cuộc sống đang cần. Vì làm báo là cứ đi, cứ sống và “cháy” hết mình, cống hiến cho độc giả và cho xã hội.

Một số tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia của nhà báo Dương Đình Tường: “Mối lo làng quê” nói về chuyện nông dân Hải Dương làm đơn xin trả lại ruộng (Giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2013); “Những hạt ngô máu” nói về chuyện hàng trăm hộ dân Sơn La mất đất vì tín dụng đen (Giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2016); “Trong những ngôi nhà được dựng bằng chai thuốc trừ sâu” nói về tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu đến mức làm cả nhà bằng chai thuốc ở Sơn La (Giải khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia năm 2017); “Thuốc độc ở chính trong ta” nói về tình trạng nhiều người ở Hà Nội, Hà Nam dù không làm nông nhưng có dư lượng thuốc sâu ở trong máu vì môi trường, thực phẩm ô nhiễm (Giải B Giải Báo chí Quốc gia năm 2018)…
 
Theo Nhà báo và Công luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây