Những tác phẩm báo chí có chiều sâu sẽ tạo nên thương hiệu
Thứ ba - 04/08/2020 11:02
Người làm báo cần tạo bản sắc và sức hút cho mình bằng các phóng sự có chiều sâu và hàm lượng phân tích cao - là tâm sự đầy tâm huyết của Lê Anh Phương, Phóng viên thường trú của VTV tại Abu Dhabi (các Tiểu vương Quốc Ả-rập Thống nhất UAE) phụ trách địa bàn Trung Đông, Bắc Phi về nghề báo.
* Nhà báo Vũ Quang: Đâu là nguyên nhân khiến Anh Phương trở thành phóng viên thường trú của VTV ở Trung Đông?
Nhà báo Anh Phương: Giữa năm 2016, tôi nhận được điện thoại từ Tổng Giám đốc Trần Bình Minh, vừa trở về sau chuyến khảo sát tại khu vực này. Rất ngắn gọn, Tổng Giám đốc nói: “cháu suy nghĩ nhé, nhưng hãy xem đây là nhiệm vụ”. Từ giây phút đó, tôi hiểu rằng một phần cuộc đời mình sẽ gắn bó với mảnh đất này. Nói như vậy, nhưng với tôi, trở thành phóng viên thường trú VTV tại Trung Đông là một cảm giác vinh dự, tự hào, nhiều hơn là nghĩa vụ hay sự thử thách. Thời gian qua, nhiều khán giả chắc cũng nhận thấy các phóng viên thường trú của VTV tại nước ngoài đã tạo nên một thương hiệu và bản sắc rất riêng của VTV. Tôi khi đó là một trong số những người trẻ nhất được chọn đi phụ trách một cơ quan thường trú VTV tại nước ngoài. Càng cảm thấy mình không có lý do gì để không dám xông pha.
* Nhà báo Vũ Quang: Rào cản lớn nhất khi tác nghiệp tại vùng đất giàu có về lịch sử và văn hóa này?
Nhà báo Anh Phương: Tôi đã ở Trung Đông hơn 3 năm và càng lúc Trung Đông lại càng căng thẳng, nghi kỵ và đối đầu. Điều này khiến việc tác nghiệp trở nên rất khó khăn, vì người dân ngày càng dè chừng báo chí. Ví dụ, tại Vùng Vịnh, ngay cả khi phóng viên có thẻ nhà báo, khi đi quay phim, dù ở ngoài đường, phóng viên sẽ còn phải xin thêm giấy phép quay phim cho từng khu vực nữa. Mà để có được giấy phép này, phóng viên phải khai rõ mục đích quay phim là gì, lời lẽ ra sao?... Tôi trước đây từng có 6 năm là phóng viên mảng quốc tế Ban Thời sự VTV. Đã từng đi tác nghiệp tại nhiều nước. Nhưng những ngày đầu mới sang khu vực này, đó là một cảm giác hoang mang thực sự. Có đợt tôi đi tác nghiệp trong 3 ngày, thì có 4 lần lực lượng an ninh mời về trụ sở kiểm tra giấy tờ. Khi đang quay ngoài đường, bỗng nhiên có người đến đòi kiểm tra, xem mình quay gì, có dính người ta vào hình mà chưa xin phép không?… Văn hóa Trung Đông phần lớn là văn hóa hồi giáo, vốn đóng khép, lại trong một bầu không khí xã hội nhiều nghi kỵ, làm báo và phản ánh một cách chân thực các câu chuyện tại đây luôn là một thách thức.
* Nhà báo Vũ Quang: Phát hiện riêng của Anh Phương sau 3 năm tác nghiệp ở Trung Đông?
Nhà báo Anh Phương: Chắc hẳn anh đang băn khoăn, tác nghíệp với hàng hàng lớp lớp rào cản như thế, vậy hơn 3 năm qua, chúng tôi đã “tồn tại” với nghề báo như thế nào tại khu vực này!
Xin thưa, Trung Đông có một đặc điểm khá thú vị. Đó là khi bạn tạo được niềm tin, thì bạn sẽ làm được nhiều việc. Và khi nói về niềm tin ở Trung Đông, là người Việt Nam là bạn đã có một lợi thế rồi. Tôi đã đi khá nhiều quốc gia trong khu vực, và trong hầu hết các tình huống, hai tiếng Việt Nam luôn tạo ra sự hào hứng cho người dân tại đây. Người ấn tượng về lịch sử của chúng ta, người lại thích thú khi nghe tới sự phát triển ngoạn mục những năm qua của Việt Nam. Điều này giúp chúng tôi luôn tạo được thiện cảm ban đầu. Ngoài ra, mấy năm thường trú tại Trung Đông, tôi mới cảm nhận được sâu sắc chính sách đối ngoại “làm bạn với tất cả các quốc gia” của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào. Đúng, khi chúng tôi tác nghiệp thường bị lực lượng an ninh hỏi thăm, hay nhiều người dòm ngó. Nhưng hầu hết, chúng tôi đều vượt qua một cách tốt đẹp. Người ta khi biết mình là các phóng viên Truyền hình quốc gia của Việt Nam, họ tin rằng Việt Nam sẽ không làm gì phương hại tới họ. Cùng lắm thì họ bảo không được quay nữa. Nếu may mắn có khi họ còn giúp mình làm phóng sự hay tìm người phỏng vấn nữa.
* Nhà báo Vũ Quang: Sự kiện nào ở Trung Đông khiến Anh Phương ấn tượng nhất trong thời gian qua?
Nhà báo Anh Phương: Nửa đầu năm 2020, thế giới bị bao trùm bởi đại dịch COVID-l9. Khu vực Trung Đông năng lực xét nghiệm về cơ bản không cao, con số người nhiễm thực tế có thể còn cao hơn con số được công bố nhiều lần. Việc tác nghiệp của chúng tôi vì thế bị ảnh hưởng rất nhiều. Các hoạt động cuộc sống đều bị ngưng trệ. Nhưng trong sự ngưng trệ ấy, chúng tôi lại nhận được nhiều hơn các tin nhắn, cuộc gọi từ cánh bạn bè báo chí tại đây. Họ rất bất ngờ, ấn tượng với thành quả chống đại dịch của Việt Nam.
Họ muốn hỏi mấu chốt thực sự cho sự thành công ấy từ đâu mà có? Khu vực này vốn đã thiện cảm với Việt Nam, tôi tin rằng, đây là thời điểm mà sức hấp dẫn Việt Nam lên cao hơn lúc nào hết. Có lẽ, chúng ta nên nhân cơ hội này để có thêm những bước đi lan tỏa sức hấp dẫn Việt Nam, mà nói theo ngôn ngữ quan hệ quốc tế thì là “sức mạnh mềm Việt Nam”, tại khu vực này.
* Nhà báo Vũ Quang: Những kinh nghíệm quý mà anh có được sau 3 năm làm việc ở Trung Đông?
Nhà báo Anh Phương: Trước khi đi, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh có căn dặn: “hãy xem đây là cơ hội để rèn luyện”. Tôi nghĩ rằng, mình thực sự đã được trao những cơ hội đáng quý để rèn luyện. Là phóng víên thường trú, kỹ năng nào là quan trọng nhất? Theo tôi, đó là kỹ năng tự lực cánh sinh. Khi làm báo trong nước, chúng ta có một tập thể sau lưng, nếu cần Iuôn có sự vào cuộc của cả một tòa soạn báo. Nhưng phóng viên thường trú, dù anh gặp khó khăn gì đều phải tự vận dụng mọi khả năng để vượt qua. Người ở nhà đã trao cho chúng tôi niềm tin khi cử chúng tôi đi. Chúng tôi phải đền đáp bằng thành quả, là những sản phẩm gửi về, dù phải đối mặt với bất cứ rào cản hay thách thức nào.
Ngoài ra, 3 năm thường trú đã rèn luyện tôi từ một phóng viên chỉ viết và dựng hình, giờ còn có khả năng quay phim nữa. Nhiều tình huống, cùng một thời điểm có nhiều sự kiện diễn ra, chúng tôi mỗi người phải tỏa đi mọi hướng để ghi nhận sự kiện.
Trước đây, khi tham dự một khóa học của CNN, tôi có hỏi các bạn CNN “đâu là yếu tố quan trọng nhất để làm nên sự thành công cho các bạn ngày hôm nay?”. Họ trả lời đó là khả năng “lập kế hoạch”.
Đúng thật! Nếu bạn có được một kế hoạch tốt, nhìn trước được những sự kiện sẽ diễn ra, bạn sẽ có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Và khi chúng ta ghi nhận một vấn đề nào đó với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, rõ ràng những sản phẩm sẽ có chiều sâu hơn nhiều. Trong thời buổi thông tin Internet và mạng xã hội như hiện này, việc độc giả, khán thính giả tiếp cận thông tin là không khó, dù sự kiện ở bất cứ đâu. Lãnh đạo VTV xác định, các phóng viên thường trú phải tạo bản sắc và sức hút cho mình bằng các phóng sự có chiều sâu và hàm lượng phân tích cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa để mang đến cho khán giả của nhìn những góc nhìn từ sâu bên trong các lớp vỏ kiện .