Báo chí đấu tranh chống tiêu cực: Nhà báo phải luôn tự giám sát mình!

Chủ nhật - 30/08/2020 23:51
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện trưng bày một bức thư của Đồng chí Đỗ Mười khi còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,đề ngày 14-11-1970, gửi Bộ trưởng Nội thương Hoàng Văn Thịnh yêu cầu thanh tra về việc trù úm người đấu tranh chống tiêu cực tại Cửa hàng Bách hóa Cổ Loa do báo Tiền phong nêu.
111
Nhà báo Lê Văn Ba và nhà báo Nguyễn Sĩ Đại

Tác giả bài báo là Lê Văn Ba, một cây bút phóng sự điều tra nổi tiếng của báo Tiền Phong, Đại Đoàn Kết những năm 1970-1980…Cuộc trò chuyện của hai nhà báo Lê Văn Ba và Nguyễn Sĩ Đại không chỉ gợi lại không khí sôi động của báo chí một thời, mà còn cho thấy để đi đến tận cùng sự thật, người làm báo khi đi vào mảng đề tài đấu tranh chống tiêu cực, luôn cần “tự giám sát mình”!.

Nguyễn Sĩ Đại (NSĐ): Thưa nhà báo Lê Văn Ba, chúng ta hãy trở lại thời điểm những năm 70, 80 của thế kỷ trước, một thời kỳ có rất nhiều điều để nhớ. Đời sống cả nước hết sức khó khăn. Nhiều cay cực nhớ lại còn rùng mình. Nhưng rùng mình hơn là độc quyền chân lý, tự do ngôn luận  không được như bây giờ. Đó cũng là  thời kỳ mà đất nước và báo chí có bước chuyển mình kỳ vĩ, vượt qua tình trạng thông tin một chiều, làm thanh gươm sắc bén chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác, hình thành nên những cây bút phóng sự điều tra đông đảo bản lĩnh và tài năng.

Lê Văn Ba (LVB): Ngày ấy nhiều cây bút phóng sự điều tra đáng nể. Báo Nhân Dân có Đỗ Quảng, báo Quân đội nhân dân có Trần Đình Bá, báo Lao Động có Văn Nhàn, Nguyễn An Định, Báo Đại Đoàn kết có Thái Duy, Báo Tiền Phong có Lê Văn Ba, Xuân Ba, Mạnh Việt…Và đứng sau các phóng viên là Tổng Biên tập, như anh Đinh Văn Nam (Tiền Phong), Xuân Cang (Lao Động). Tôi còn nhớ trong buổi đối thoại về vụ “đại tiêu cực Thanh Hóa” tại trụ sở Ban Tuyên huấn trung ương giữa các nhà báo với lãnh đạo xứ Thanh, anh Xuân Cang nói rất tự tin: “Vâng, nếu báo viết sai thì tôi vào tù và anh em trong tòa soạn sẵn sàng đi đưa cơm”.

NSĐ: Ông có thể kể lại câu chuyện “thoát hiểm” sau khi thực hiện bài điều tra mang tên “Sự liêm khiết bị trả thù” đăng trên báo Tiền phong của mình chứ ?

LVB: Những năm 60, 70 ngành thương nghiệp rất nỗ lực để làm tốt vai trò lưu thông phân phối theo tem phiếu nhưng cũng có nhiều sơ hở để nạn cửa quyền, móc ngoặc, tuồn hàng cửa sau…diễn ra khá phổ biến. Đoàn thanh niên có sáng kiến mở một số cửa hàng “Thanh niên làm theo lời Bác” phân phối hàng hóa công bằng, đúng đối tượng, đúng chế độ, không bán theo “thư tay” thì bị trù úm gây khó dễ mà Cửa hàng Bách hóa Cổ Loa huyện Đông Anh Hà Nội là một điển hình. Bài điều tra “Sự liêm khiết bị trả thù” của tôi trên báo Tiền phong gây chấn động. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng  Đỗ Mười viết thư yêu cầu ngành thương nghiệp xem xét, chấn chỉnh. Nhưng sau một tuần về huyện Đông Anh làm việc, để bảo vệ ngành, Đoàn kiểm tra của Sở Thương nghiệp Hà Nội báo cáo nhà báo viết bài hoàn toàn sai sự thực. Thế là phóng viên Tiền Phong chuẩn bị ra tòa. Nhưng khi được gọi lên làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tôi trình bày, dẫn chứng cụ thể. Người  của Viện Kiểm sát cũng xuống Cổ Loa điều tra, gặp các nhân chứng, xác định bài viết đúng. Tôi thoát. Sở Thương nghiệp phải viết bài tiếp thu phê bình. Phó Chủ nhiệm Thương nghiệp Đông Anh bị cách chức.

111
Bức thư của Đồng chí Đỗ Mười khi còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng báo chí Việt Nam

NSĐ:  Được biết, ông chính là người biên tập và đã chịu khá nhiều phiền toái trong việc đăng bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của Phạm Thị Xuân Khải?

LVB: À, đây (lục tìm tài liệu và đưa ra cuốn nhật ký phóng viên): Ngày 11-3-1986, Thư ký đồng chí Lê Đức Thọ, chuyển cho đồng chí Vũ Mão, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn bài thơ viết tay “Mùa xuân nhớ Bác” với bút phê: “Anh Sáu nhận được bài thơ của chị Phạm Thị Xuân Khải. Anh Sáu thấy được. Anh Sáu đề nghị đăng báo Tiền phong và báo Tuổi trẻ Thủ đô”. Ngày 13-3, anh Vũ, thư ký Vũ Mão đến 15 Hồ Xuân Hương đưa bài thơ đã đánh máy cho TBT Tiền phong Đinh Văn Nam, nói: “Anh Vũ Mão giao tôi chuyển bài thơ cho anh. Anh Thọ dặn, báo cử người xuống ĐH Tổng hợp hỏi về tác giả, nếu là người tốt, không vi phạm kỷ luật thì đăng lên báo”. TBT giao cho tôi (LVB) thẩm tra việc này. Được biết: Phạm Thị Xuân Khải là con một đồng chí Tỉnh ủy viên tỉnh Bình Định. Hiệu trưởng ĐHTH Hà Nội khen bài thơ là tốt. Bí thư Đảng ủy Khoa Ngữ Văn thì cho bài thơ có những câu dễ gây kích động. Chúng tôi làm báo cáo đầy đủ lên TƯ Đoàn và đồng chí Lê Đức Thọ xin đăng lên số báo kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Đoàn.

NSĐ: Cẩn trọng như vậy, sao vẫn tai vạ?

LVB: Bài thơ đăng lên, bạn đọc hưởng ứng sôi nổi, chép tay, đánh máy chuyền tay nhau, đọc cho nhau nghe. Những câu thơ nói rất đúng tâm trạng xã hội khi đó: Cán bộ thì “Đồng chí không bằng đồng tiền/Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp.” Còn lãnh đạo trước cảnh dân oan “Có mắt giả mù, có tai giả điếc/ Thích nghe nịnh hót, Ghét bỏ lời trung”.  Những câu thơ kết thúc đầy day dứt  “Có ai thấu chăng/ Và ai phải sửa?”. Và đoạn kết khao khát “Mỗi xuân về con càng thêm nhớ Bác/ Lòng vẫn thầm mơ ước/ Bác Hồ được sống tới hôm nay/ Làm nắng mặt trời xua tan hết mây”...

NSĐ:  Đúng hiện thực, đúng dư luận xã hội, nhưng vẫn “nổi cơn sóng gió” là vì sao, thưa nhà báo?  

LVB:  Đại đa số bạn đọc hoan nghênh nhưng nhiều cán bộ cao cấp phản ứng dữ dội. Đồng chí Lê Đức Thọ nhận được thư “chất vấn”của mấy cụ  lão thành cách mạng, của Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh… Một tướng công an từng nói với tôi, đã có ý kiến đề nghị bắt tác giả và người của báo. Sau cuộc họp giao ban báo chí ở Ban Tuyên huấn Trung ương ngày 28-3-1986, TBT Đinh Văn Nam đã phải viết bản kiểm điểm. Ngày 30-4-1986, tôi và TBT Đinh Văn Nam được đồng chí Lê Đức Thọ mời đến nhà riêng. Đồng chí Lê Đức Thọ tươi cười, bắt tay chúng tôi rất chặt và thông cảm: Chính bài thơ “Điểm tựa” của mình đăng trên báo Nhân Dân, bộ đội, nhân dân ủng hộ nhưng nhiều đồng chí lo lắng sợ bị địch lợi dụng…

NSĐ:  Lẽ phải nhiều khi tạm thời thuộc về người nắm quyền. Nhận thức trong cán bộ cao cấp của Đảng thời ấy cũng có những cái không thống nhất. Báo chí đấu tranh chống tiêu cực không chỉ phiền toái mà nhiều khi còn nguy hiểm. Tôi nhớ báo Văn nghệ đăng “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc thì tác giả của nó phải trốn khỏi Thanh Hóa ra Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp hai bằng cử nhân ngữ văn và triết học, dù lý lịch trong sáng đến thế, Phạm Thị Xuân  Khải phải sống vất vưởng một thời gian dài vì không cơ quan nào dám nhận… Theo tôi, bộ ba tác phẩm “Cái đêm hôm ấy hôm gì” của Phùng Gia Lộc, “Lời khai của bị can” của Trần Huy Quang và “Người đàn bà quỳ” của anh là ba phát đại bác xé toang bức màn sự thật, làm cho báo chí trở nên người lính đi đầu trong việc tự đổi mới mình và thúc đẩy đổi mới đất nước nhưng anh cũng khốn khổ vì “Người đàn bà quỳ”?

LVB: Thời gian này tôi đã chuyển về Báo Đại đoàn kết. Một sáng, có mấy người dân HTX Đồng Tiến (Châu Giang, Hải Hưng) đến tòa soạn kêu cứu về nạn cường hào, áp bức nhân dân; về việc HTX và chính quyền lấy đất ở của  dân,  nói là để xây dựng cụm cơ khí nông nghiệp nhưng lại cấp cho con cháu, họ hàng.  Tôi phụ trách mảng phóng sự điều tra, được phân công  cùng phóng viên Minh Tuấn điều tra, viết bài. Toàn bộ vụ Đồng Tiến được phản ánh trên nhiều số báo Đại đoàn kết và các báo bạn. Đặc biệt Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có bài đăng chuyên mục Những việc cần làm ngay trên báo Nhân Dân đặt câu hỏi: Khi cả bí thư đảng ủy, chủ nhiệm HTX, Trưởng công an xã như vậy thì người dân biết dựa  vào ai?

111
Nhà báo Lê Văn Ba

NSĐ: Câu chuyện tiếp theo sau đó, thưa ông?

LVB: Tỉnh ủy Hải  Hưng thành lập đoàn kiểm tra Đồng Tiến, tổ chức đại hội đảng bất thường. Kết quả cả bộ ba bí thư đảng ủy xã, chủ nhiệm HTX, trưởng công an xã đều trúng cử ban chấp hành đảng bộ mới với số phiếu tin nhiệm rất cao!

NSĐ: Nghĩa là những tiêu cực ở Đồng Tiến do phóng viên báo ĐĐK bị xem là hoàn toàn bịa đặt?

LVB: Kiểm tra kết luận như vậy, đại hội như vậy, nhà báo đuối lý…Nhà báo Hữu Thọ bênh vực các bài của tôi và các bài báo chống tiêu cực liền bị một đồng chí Ủy viên Trung ương phê là “bốc đồng”.

NSĐ: Ngày ấy chưa có Luật Báo chí, mọi thứ hoạt động theo mệnh lệnh hành chính, một ý kiến của lãnh đạo nhiều khi như một bản án và không thể có trạng sư để bào chữa.

LVB: Nhà báo Hữu Thọ, khi ấy là Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, sau này là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa của Đảng, còn bị “phê” như thế, tác giả lên bờ xuống ruộng là chuyện bình thường.

NSĐ: Và nhà báo đã tự bảo vệ mình để “thoát” vụ đó ra sao?

LVB: Phải có “miếng” phòng thân. Tôi sống được là nhờ có tài liệu độc. Sự gian trá của cán bộ xã, sự quản lý lỏng lẻo, nạn chạy chọt thời ấy đã đến mức khủng khiếp (tuy nhiên không thể so với những năm vừa qua) là anh bí thư đảng ủy xã man khai để nhập hộ khẩu Hà Nội, man khai để có tiêu chuẩn khám bệnh ở Việt Xô, mẹ và vợ còn sống mà khai đã chết... Việc vỡ lở, dân Đồng Tiến đặt vè “Một nhà chết bảy còn ba, Xóm làng chẳng biết đưa ma ngày nào”. Đưa chiêu này ra, buộc các cấp phải xem xét lại con người và sự việc ở Đồng Tiến.

NSĐ: Tôi nhớ rất rõ câu kết trong “Lời khai của bị can” của Trần Huy Quang: “Tôi xin được quỳ xuống đất và xin được vái hai vái: một cho đồng chí N.V.L và một cho Báo chí”.  Trước những phát biểu ấn tượng của đồng chí Nguyễn Văn Linh, tôi nghĩ Báo cáo Chính trị do cụ Trường Chinh trình bày tại ĐH VI như một sự “bảo lãnh” cho báo chí: “Người cộng sản phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Trong Đảng không thể dung thứ thái độ che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, lừa dối cấp trên, thái độ nể nang, hoặc đàn áp, trả thù người phê bình”; “Những hành động cửa quyền, hống hách, ức hiếp quần chúng phải bị lên án và thi hành kỷ luật... Trong tư tưởng cũng như trong hành động phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi”...

LVB: Đúng vậy. Nhưng thực tế luôn phức tạp. Tôi thường lấy câu của Nguyễn Văn Linh làm răn: Phải tự cứu lấy mình trước khi trời cứu!

NSĐ: Ông đánh giá thế nào về sự dấn thân của các nhà báo trẻ hôm nay khi đi vào mảng đề tài chống tiêu cực, tham nhũng?

LVB: Tôi nghĩ các nhà báo trẻ hiện nay hơn lớp chúng tôi nhiều. Mới đây nhất, trong Giải báo chí Quốc gia 2020, thể loại phóng sự điều tra chống tiêu cực có ba tác phẩm đoạt giải A đó là  Xuất ngoại chui, hành trình đẫm nước mắt (Tuổi trẻ), Truyền bá vong báo oán tại chùa Ba Vàng (Lao Động), loạt bài 5 kỳ liền vạch trần  bộ mặt của băng nhóm xã hội đen  lộng hành dưới vỏ bọc công ty bất động sản tỉnh Thái Bình (Báo điện tử Pháp luật Việt Nam) … Đây là những đề tài rất mới, các phóng viên sử dụng phương tiện hiện đại (máy ghi âm, ghi hình…), diện điều tra ở nhiều nơi trong nước và nước ngoài…Các nhà báo trẻ đã đi tới tận cùng vấn đề, những bài báo có hiệu quả xã hội mạnh mẽ, vai trò báo chí được tôn vinh.

NSĐ: Những kinh nghiệm cần trao truyền, chia sẻ của một nhà báo lớp trước mà ông là một đại diện?                                                                                                                                           

LVB: Tôi thấy một công thức chung cho sự thành đạt: 20% năng khiếu, 10% gặp thầy giỏi và 70% là do yêu nghề, tự học và cần cù lao động. Một nhà báo thành công trong phóng sự điều tra không thể tự mình thành công được mà chủ yếu nhờ bạn đọc, rộng hơn là nhân dân; có sự tin cậy, ủng hộ của cấp trên, của tòa soạn, có sự bảo vệ của tài liệu.

Phải có tài liệu chính xác. Và biết giữ tài liệu, không nên tung ra hết. Tài liệu, chứng cứ, tang vật đắt nhất phải được giữ lại để đem ra đấu tranh, bảo vệ mình, buộc  đương sự không thể chối cãi được. Một điều rất quan trọng, đó là: Phải luôn tự giám sát mình!

Tào Thanh (ghi)
(Báo NB&CL) 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây