Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhà báo ngồi ở đâu cũng có thể lấy được tin tức. Một số nhà báo chỉ cóp nhặt trên mạng Intemet, rồi “độ chế” thành bài báo. Nếu nhà báo không có kỹ năng khai thác thông tin thực tiễn sẽ khó có tác phẩm báo chí chất lượng.
Lột tả “linh hồn” báo chí
Tôi có quan niệm rất đơn giản, “nhà báo là ông đi “kiếm chuyện”. Vì vậy, suốt quá trình tác nghiệp, cho dù đang phỏng vấn bộ trưởng hay lang thang ở biên giới, không chịu áp lực quá nặng nề câu chữ và lý luận cao siêu. Tự đặt ra câu hỏi cho chính bản thân: Cầm tờ báo đọc để lại ấn tượng và nhớ cái gì khi gấp tờ báo lại? Rõ ràng, viết báo phải nhắm vào đặc tính sinh học tự nhiên của con người, đại đa số con người đều thích các câu chuyện chi tiết gay cấn hoặc xúc động lòng người. Trở thành xương sống và “linh hồn” của báo chí. Điểm mấu chốt và xuyên suốt nhất cả một cuộc đời làm báo nó nằm ở câu chuyện chi tiết, làm cho trí não con người nhớ nhung, lưu giữ hình ảnh đó lâu dài.
Cái khó nhất của nhà báo làm sao xác định và “moi” cho bằng được câu chuyện chi tiết đắt giá, đang đan cài chằng chịt trong cuộc sống, làm nổi bật “chứng lý”, bản chất của vấn đề, thành bài báo hoàn chỉnh, có sức hấp dẫn từ cái tít bài đến chữ cuối cùng.
Muốn bài báo của mình xuất bản không “đụng hàng” với ai, luôn sử dụng: MẮT -TAI- MŨI, giống như “3 cần ăng ten”, lúc nào cũng sẵn sàng thu sóng. Nhà báo nghe câu nói lạ tai, thấy hình ảnh lạ mắt, ngửi mùi gì lạ. Lập tức tung “vũ khí” của nhà báo: Vì sao? Tại sao? Để tìm câu chuyện ngay lập tức, rồi quyết định có theo đuổi chuyện đó hay không?
Một lần tôi đến cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, thấy tàu đánh cá chuyển lên cầu cảng nhiều loại cá sọc dưa (họ cá ngừ), hỏi anh thuyền viên: “Làm bằng cách nào bắt được cá này?”. “Chà đó” … - câu trả lời cộc lốc. Đây là câu nói “lạ tai” hay còn gọi “chi tiết” đắt giá. Tôi hỏi lại:
- Chà là cái gì?
- Những khúc gỗ trôi giữa biển.
- Gỗ ở đâu ngoài biển mà có?
- Mùa mưa lũ ở các nước trôi ra.
- Làm sao mình biết ở phía dưới những khúc gỗ có cá?
- Lặn xuống trinh sát.
Chỉ cần sử dụng “vũ khí” của nhà báo “bắn” mấy viên ngay tại chỗ, tôi quyết định tìm hiểu sâu chi tiết “chà” là cái gì? Sau một ngày đã hoàn thành bài phóng sự “Tìm trầm giữa Biển Đông” đăng nguyên một trang báo nói về nghề lưới vây khơi xa, ngùn ngụt chi tiết câu chuyện ly kỳ.
“Nghiền nát” chi tiết thành loạt bài phóng sự
“Tại sao cùng là một câu chuyện, một vấn đề, em chỉ viết một bài báo 1.400 từ khá chật vật. Nhưng cũng vấn đề của ngư dân, anh lại “nổ” ra 3- 5 kỳ. Anh lấy nguyên liệu từ dân ra?” đây là câu hỏi rẫt dễ thương của một phóng viên có thâm niên làm báo 4 năm. Lần đầu tiên tôi trao đổi với bạn ấy sơ đồ 3 “cần ăng ten” và 1 “vũ khí” của nhà báo trên tờ giấy A4, coi như “vốn liếng” hơn 20 năm lăn lộn thực tiễn mới tóm lược như vậy.
95% số lượng đề tài bài báo của tôi “bắt” được bất ngờ từ 3 “cần ăng ten”, có khi bắt gặp ở trên xe đò, ngồi uống cà phê, trên bàn nhậu, la cà ở cảng cá, chỗ đông người… Bất luận ở đâu, phải sử dụng “vũ khí” của nhà báo ngay lập tức. Cách hỏi chuyện ban đầu không tạo nên sự căng thẳng, dẫn đến người đối diện lo sợ điều gì đó, càng không nên “lộ diện” thân phận nhà báo quá sớm. Chính những câu nói, câu trả lời tự nhiên sẽ “đẻ” ra những chi tiết và mở đầu câu chuyện hay nhất.
Qua nghiệp vụ thẩm định nhanh và xác định được đề tài hay, quyết định theo bằng mọi giá. Điều quan trọng bạn không nên “khóa” giới hạn thông tin hoặc “chốt” số lượng từ trong bài báo của đề tài bạn đang nhắm đến. Nếu bạn “chốt hạ” chỉ viết một bài báo, vô tình bạn đã “tự giết” mọi cảm xúc đang dạt dào, mọi câu chuyện đang dở dang ẩn chứa bên trong. Hãy say sưa, tâm huyết, mài dũa, cày xới, chẻ … từng mảng nhỏ (hay còn gọi chụp cắt lớp) các câu chuyện, chi tiết. Bạn cứ hỏi, hỏi, hỏi, hỏi thật nhiều, người ta đuổi bạn ra khỏi nhà, ngày mai bạn quay trở lại hỏi tiếp. Hỏi nhiều người, mở rộng ra hỏi những người ở “rìa” câu chuyện, đôi khi nó lại ra những thông tin quan trọng bổ trợ cho nhau.
Khi đã có nhiều thông tin, bạn bắt đầu xâu chuỗi lại và “viết báo trong đầu”, phân ra từng kỳ báo, kể cả những tít phụ cũng phải được hoàn thiện trong suy nghĩ. Ví dụ, bạn đã hình dung ra số lượng 4 kỳ, trong số bài này đang thiếu và “yếu lý” ở phần nào, tiếp tục tìm kiếm, làm rõ, bổ sung thêm thông tin. Chỉ khi nào bạn xác định trong đầu, trong sổ ghi chép, trong máy ảnh, thật đầy đủ thông tin, câu chuyện, chi tiết 4 kỳ báo, thì mới rút khỏi “chiến trường”. Tuyệt đối không có tư tưởng, tìm kiếm thông tin 2 kỳ tại thực địa, về nhà lên mạng “oanh tạc” thêm 2 kỳ nữa, chắc chắn không thể nào có bài hoàn chỉnh sẽ “ăn” giải các cuộc thi báo chí.
Hải Luận/NLBVN