Hơn 20 năm làm báo với rất nhiều kỷ niệm vui, buồn về những lần tác nghiệp. Nhưng kỷ niệm làm tôi nhớ mãi đó là lần cùng với các đồng nghiệp trong vai “người lái buôn” đi viết về hoạt động thu mua lợn ốm lợn chết rồi chế biến thành thực phẩm diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh (năm 2008); lần tác nghiệp gần 01 tháng tại Quần đảo Trường sa (cuối năm 2012) và gần đây nhất là đại dịch Covid-19.
Xảy ra trên phạm vi toàn cầu với mức độ lây lan nhanh chóng, đại dịch Covid - 19 đã làm ngưng trệ nhiều hoạt động kinh tế xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của nhân dân. Trong khoảng thời gian Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15 /CT-TTg yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội với tinh thần: Tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó. Mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được khuyến cáo tùy theo điều kiện bố trí làm việc tại nhà theo hình thức trực tuyến; giao tiếp online để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với những phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, đặc biệt là đội ngũ phóng viên phòng Thời sự vẫn phải duy trì thời gian làm việc hàng ngày, phải có mặt, bám sát sự kiện để vừa đưa tin, phản ánh kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh Covid -19, vừa tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đi nhiều, viết nhiều, tìm hiểu nhiều về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, bản thân mỗi phóng viên ai cũng hiểu rất rõ về tính chất, mức độ nguy hiểm khi mắc phải Covid - 19, nhưng với tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, họ đã không quản ngại hiểm nguy, luôn sẵn sàng có mặt tại những tuyến đầu chống dịch khi có yêu cầu. Quá trình tác nghiệp, một số đồng nghiệp cũng đã phải thực hiện việc cách ly ở nhà do đã tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với những người có liên quan đến dịch bệnh Covid 19.
Riêng với bản thân tôi, trong một lần được phân công cùng với đồng nghiệp (phóng viên quay phim Hữu Nam) vào Bệnh Viện Đa Khoa Hà Nam làm phản ánh về Lễ công bố khỏi bệnh và xuất viện đối với 03 trường hợp là nhân viên của Công ty TNHH Trường Sinh, trước đó được xác định là dương tính với Covid -19. Quá trình tác nghiệp chúng tôi có tiếp xúc, phỏng vấn 01 trong số người bệnh đã được ra viện. Vài ngày sau khi chương trình phát sóng, chúng tôi được cơ quan chức năng thông báo là 01 trong 03 trường hợp được công bố khỏi bệnh trên đã dương tính trở lại với Covid -19 và nhóm phóng viên tác nghiệp tại Bệnh Viện đa khoa tỉnh Hà Nam hôm đó đã được lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Mặc dù kết quả thông báo là âm tính nhưng chúng tôi vẫn phải ở nhà chấp hành việc cách ly theo quy định.
Nhớ lại chuyện nghề cách đây hơn 10 năm, khi ấy tôi được phân công theo dõi lĩnh vực Nông nghiệp, nông thôn.Thời điểm những năm 2007, 2008, bất cứ ai đi qua các đoạn đường ở một số địa phương, như các xã: An Nội, Tràng An, Bình Nghĩa (huyện Bình Lục); xã Đức Lý (huyện Lý Nhân) đều dễ dàng bắt gặp những tấm biển đề công khai “Ở đây thu mua tất cả các loại lợn ốm, lợn chết”. Nhận thấy hiểm hoạ khôn lường của việc thu mua lợn ốm, lợn chết.., rồi chế biến thành thực phẩm, tôi đã quyết định cùng với các đồng nghiệp thu thập thông tin để phản ánh về vấn đề này.. .Và sau không biết bao lần rong ruổi, “ ngồi lê ” bên các hàng quán ven đường, chúng tôi mới lần tìm được thông tin về địa chỉ, số điện thoại của từng ông chủ; cũng như “số phận ”của những con lợn ốm, lợn chết khi đã được bán vào lò... Bắt tay vào thực hiện mới thấy thật nhiều gian nan. Không chỉ khó khăn trong việc ghi hình ảnh, chúng tôi còn nhận được nhiều ý kiếngóp ý khác nhau, thậm chí có người cho rằng không nên đưa những việc không hay của địa phương mình cho thiên hạ thấy. .. Rất may chúng tôi có sự hậu thuẫn, động viên tinh thần rất lớn từ phía Ban giám đốc nên càng cố gắng và quyết tâm hơn…
Để có thể “đột kích” vào tận bên trong các “lò lợn”, kíp chúng tôi khi thì trong vai người bán, lúc phải vào vai người lái buôn… Giờ nhớ lại vẫn thấy “run”, bởi kíp chúng tôi đã dấn thân vào những nơi hết sức nguy hiểm… Gian nan, hiểm nguy đấy nhưng thật vui vì tác phẩm “Khi lợn ốm, lợn chết... thành thực phẩm” đã đạt giải Vàng tại Liên hoan truyền hình Toàn Quốc và Giải C giải Báo chí Quốc gia năm 2008.
Đằng sau thành công của mỗi tác phẩm báo chí, bên cạnh tình yêu, sự say mê với nghề còn là sự dấn thân, lăn lộn thực tế của mỗi phóng viên cộng với tinh thần đoàn kết, phối hợp thực hiện đầy trách nhiệm, không ngại khó khăn, thử thách của đồng nghiệp... Và trên hết, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện và cổ vũ kịp thời của những người đứng đầu cơ quan báo chí ./.