Theo đuổi đến cùng - đưa sự thật ra ánh sáng
Loạt phóng sự dài ba kỳ của phóng viên Nguyễn Long và Tiểu Thiên (báo Thanh Niên) đã nói lên một vấn đề nóng bỏng của xã hội, được dư luận quan tâm. Phóng sự được phát sóng đã có hàng triệu lượt xem, thu hút sự chú ý của dư luận, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương đều tích cực vào cuộc bảo vệ quyền lợi cho các em. Với vai trò là cơ quan truyền thông, báo Thanh Niên đã lên án những hành vi vi phạm pháp luật, để những đối tượng đó sớm bị trừng trị.
Câu chuyện bắt đầu từ việc bé gái 10 tuổi trốn thoát khỏi mẹ và cậu ruột vì bị đánh đập, bắt đi ăn xin. Người mẹ ruột ấy của các bé là đối tượng Đào Thị Gái (trú tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Sau khi chia tay người chồng đầu với 2 người con, Gái lấy chồng thứ 2 tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai và tiếp tục sinh thêm 5 người con. Người chồng thứ 2 qua đời, Gái cùng em trai ruột là Đào Văn Bé bạo hành và chăn dắt chính những đứa con của mình hành nghề ăn xin.
Để thoát khỏi mẹ và cậu của mình, bé D (10 tuổi, con gái lớn của Đào Thị Gái) bỏ trốn, bắt xe bus từ Vũng Tàu về bà nội ở Đồng Nai đồng thời tìm đến nhóm SOS huyện Cẩm Mỹ - Long Thành (Đồng Nai) để mong hỗ trợ giải cứu nốt những đứa em của mình. Sau thời gian dài tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, nhóm SOS liên hệ với phóng viên báo Thanh Niên thường trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để nhờ giúp đỡ bé.
Từ các thông tin này, nhóm PV Thanh Niên đã liên hệ Công an TP. Bà Rịa (nơi đối tượng Gái và Bé thường xuyên ở trọ và dẫn con ăn xin) trình báo vụ việc...Nhà báo Nguyễn Long cho biết: Hôm đó tôi được đội SOS huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai xuống Bà Rịa – Vũng Tàu nhờ giúp. Ngay lập tức nhóm phóng viên đã lên phương án triển khai. Chúng tôi gặp bé D, bé có dẫn tôi cùng mọi người đến những chỗ mẹ và cậu ở để tìm, đón các em về nhưng đến tất cả những nhà trọ cũ họ đều không còn ở đó. Chúng tôi gặp bế tắc, sau hai đêm liên tiếp, cả nhóm dò hỏi các bé ăn xin khác nhưng đều chỉ nhận được cái lắc đầu.
Trong nhiều ngày đi tìm tại huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà báo Nguyễn Long tâm sự: “Điều chúng tôi ngạc nhiên là đi rất nhiều nơi, mất nhiều ngày nhưng bé D vẫn không tỏ ra mệt mỏi. Có thời điểm hỏi được thông tin chỗ ở của mẹ qua một người ăn xin khác, bé tỏ ra rất vui mừng và nói “con sắp đón được các em về rồi” những câu nói ngây thơ đó đã tiếp thêm động lực để chúng tối tiếp tục hành trình”.
Để đảm bảo mọi hoạt động của nhóm không bị lộ, nhà báo Nguyễn Long đã lựa chọn phương án nhập vai. Đóng giả mình là người chăn dắt bé D, tung thông tin thuê bé D 5 triệu/tháng để phục vụ cho việc "kiếm tiền". Thông tin này được gửi đến cho bà nội bé D và những người ăn xin khác, mục đích để dụ hai đối tượng ra mặt, việc này sẽ dễ dàng cho công tác tìm kiếm.
Phóng viên chung tay giải cứu những đứa trẻ
Chăn dắt trẻ em bắt đi ăn xin, đánh đập, lợi dụng thực sự là vấn đề đáng lên án. Càng triển khai đề tài nhóm phóng viên báo Thanh Niên càng hiểu hơn về những khổ cực mà các em bé trong gia đình này đã phải trải qua. Trong quá trình tìm kiếm những đứa em còn lại, cả nhóm phóng viên cảm thấy kinh hoàng khi bé D nhắc về người cậu ruột, ngoài việc cậu đánh đập bằng đủ trò, cậu còn làm cho chị gái của bé (chưa đủ 18 tuổi) nhiều lần có bầu, cậu bắt gọi chị ruột là mợ…
Theo nhà báo Nguyễn Long: "Trong loạt phóng sự này, tôi nghĩ bài cuối cùng là bi kịch loạn luân, vụ người cậu quan hệ tình dục với cháu gái chính là tình tiết khiến dư luận phẫn nộ, không thể chấp nhận được. Từ những câu chuyện đó đã thôi thúc chúng tôi phải hành động để sớm bắt hai đối tượng này phải trả giá cho những hành vi thú tính của mình” anh Long cho biết.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, tưởng như mọi chuyện đã rơi vào bế tắc, cả nhóm may mắn khi biết được thông tin đối tượng Đào Thị Gái mới đưa các bé trở về xóm trọ cũ ở một đêm, đây là cơ sở quan trọng để nhóm phóng viên tìm được, giải cứu những bé còn lại và bắt được những kẻ tàn ác.
“Được gặp lại các em, bé D bật khóc nức nở. Những đứa trẻ ôm lấy nhau vừa khóc vừa cười vì hạnh phúc. Một tay bế bé nhỏ nhất, một tay dắt em khác, bé D. cứ để nước mắt chảy dài mà hôn lên má em mình. “Con cứu được em rồi, mừng quá các chú ơi! Con phải đưa các em về nội!” hình ảnh đó làm cả nhóm không cầm được nước mắt” anh Long nhớ lại.
Trong loạt tác phẩm, nhóm tác giả không chỉ tập trung phản ánh bị kịch, những gam màu tối mà phóng sự còn được kết thúc bằng cảnh quay bé D ngồi tô màu bên những bức tranh đen trắng của mình. Hình ảnh đó tượng trưng cho khát vọng được đến trường như bao đứa trẻ khác. Đó là nghị lực tự vươn lên trong mọi hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của một đứa trẻ. Và tương lai của các em sẽ còn nhiều điều tốt đẹp đang ở phía trước.
Tâm sự về nghề, nhà báo Nguyễn Long cho rằng: Là phóng viên chuyên phản ánh những tồn tại bật cập trong xã hội, đặc biệt những vấn đề liên quan đến dân sinh tôi luôn cố gắng khai thác đến cùng để làm nổi bật lên vấn đề độc giả quan tâm. Trước đây tôi cũng đã làm những đề tài về chăn dắt ăn xin nên việc xây dựng phương án để tìm những đứa trẻ khác cũng được tính toán kỹ lưỡng. Vì đã làm quen rồi nên tiếp xúc với một đề tài như vậy tôi sẽ có nhiều ý tưởng để triển khai.
Sau tất cả, những đứa trẻ đi ăn xin ngày nào giờ đã được đi học, nhiều nhà hảo tâm đã đóng góp những phần nhỏ bé hỗ trợ các em hàng ngày. Và như thế, bằng những việc làm thiết thực, báo Thanh Niên còn phát huy vai trò là cầu nối và lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội, tiếp tục khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.
Theo Lê Hiếu/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên