Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã có tác động không nhỏ đến tâm lý của một bộ phận người dân trong xã hội. Lo sợ hoài nghi là tâm lý chung của tất cả người dân khi cảm thấy mối đe dọa từ bất kỳ đâu và bất khi nơi nào.
Trong đợt một của cuộc chiến, thời điểm bệnh nhân dương tính với Covid-19 số 57 đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, lúc này người dân rất hoang mang lo lắng về ca nhiễm này và nhiều người cũng chưa hiểu điều gì đang xảy ra ở khu vực điều trị bệnh nhân này.
Để trấn an dư luận, giúp người dân tỉnh Quảng Nam hiểu rõ hơn về công tác điều trị các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2, lãnh đạo tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam có đề nghị báo chí địa phương vào tác nghiệp bên trong khu cách ly điều trị dịch bệnh Covid-19.
Nhà báo Hoàng Đạo nhớ lại lần tác nghiệp: “Khi đó anh Doãn Thành Trí thư ký tòa soạn Báo Quảng Nam điện tử nhắn nhủ về việc vào khu cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 để phỏng vấn ghi hình, tôi nhận nhiệm vụ nhưng tâm lý có chút bối rối. Vì thời điểm đó chưa có nhà báo, phóng viên nào từng tác nghiệp ở khu vực có nguy cơ phơi nhiễm cao này nên mình không có kinh nghiệm gì”.
Đến bệnh viện, Ban giám đốc của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã tư vấn về các quá trình tác nghiệp tại khu vực an toàn là khu vực bên ngoài– vùng an toàn.
Tuy nhiên, nhận định việc chỉ tác nghiệp ở khu vòng ngoài vẫn chưa thể “lột tả” hết vấn đề mà lãnh đạo tỉnh và phía bệnh viện mong muốn khi tổ chức chuyến công tác này. Để giúp bà con nhân dân hiểu rõ bên trong khu cách ly, công tác điều trị và sự an toàn của khu cách ly bắt buộc phóng viên phải vào bên trong, nơi có bệnh nhân bị nhiễm đang điều trị.
Vì không có trong chương trình nên nhà báo Hoàng Đạo đã gọi điện thoại trao đổi nhanh với thư ký tòa soạn để xin ý kiến chỉ đạo về việc anh quyết định vào bên trong nơi đang điều trị ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2.
Anh Hoàng Đạo nhớ lại, “Vì chưa có trong tiền lệ, nên thư ký toàn soạn chỉ nói ngắn là sẽ tôn trọng quyết định của phóng viên, để phóng viên tự quyết, nếu không vào bên trong khu điều trị thì tòa soạn cũng đồng ý vì lý do an toàn cho phóng viên. Tôi nghĩ sẽ không có nhiều cơ hội nên đã quyết định vào”.
Theo quy trình của bệnh viện, để vào khu vực điều trị người nghi nhiễm và khu vực điều trị bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 đều phải mang đồ bảo hộ chuyên dụng y tế, phải được đội ngũ bác sĩ hướng dẫn trực tiếp. Để đảm bảo đúng quy trình các bác sỹ tại bệnh viện đã trực tiếp giúp nhà báo Hoàng Đạo mặc đồ bảo hộ và đưa thiết bị tác nghiệp vào bên trong.
Việc mặc đồ bảo hộ chuyên dụng khá nặng, nhiều lớp và kín khiến việc tác nghiệp rất khó khăn, mồ hôi chảy ướt cả người và đặc biệt là không thể tự do tác nghiệp. Mỗi bước đi, từng vị trí đều được bác sĩ hướng dẫn trước rồi dựa vào đó để di chuyển đi lại, không được để người chạm vào bất kỳ đồ vật nào, kể cả tường, tay nắm cửa hay lan can trong khu điều trị.
“Lúc đầu tôi cũng bị tâm lý nặng nề vì lần đầu tiên bước vào phòng bệnh là một người dương tính với SARS-CoV-2. Tôi có hơi căng thẳng đôi chút nhưng đã kịp trấn tĩnh lại, nghĩ rằng đây là cơ hội có một không hai vì bệnh nhân hiếm khi đồng ý trả lời phỏng vấn nên phải tận dụng tối đa thời gian này thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền” nhà báo Hoàng Đạo chia sẻ.
Sau khi tác nghiệp xong, trước khi rời bệnh viện, phía bác sĩ chuyên môn tư vấn lại để kiểm tra, đánh giá xem có sai sót gì trong tác nghiệp hay không và thật may mắn là mọi khâu tác nghiệp đều đúng hướng dẫn của các bác sỹ yêu cầu. Việc khử khuẩn người và thiết bị tác nghiệp cũng được làm đúng trình tự.
Những phóng sự truyền hình và các bài viết về việc điều trị bệnh nhân dương tính với Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam được đăng ngay sau đó đã góp phần xóa tan nghi ngại của tất cả người dân. Hình ảnh chân thực trên Báo Quảng Nam đã giúp độc giả hiểu hơn sự cố gắng của các y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, đồng thời tin tưởng vào khả năng chuyên môn của các y bác sỹ. Khẳng định bệnh Covid-19 hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu như có những biện pháp điều trị phù hợp.
Đối với nhà báo Hoàng Đạo, tâm lý chỉ thật sự nhẹ nhõm khi một tuần sau, phía bệnh viện gọi điện để đánh giá thêm về tình trạng sức khỏe của anh và thật may mắn họ khẳng định rằng nguy cơ bị nhiễm là cực thấp. Nhưng để không chủ quan bệnh viện cũng khuyến cáo là đeo khẩu trang 100% khi đi ra ngoài và giữ khoảng cách với người khác trên 2m.
Trải qua giai đoạn một của đợt dịch và hiện tại là đợt hai nhà báo Hoàng Đạo vẫn đang cố gắng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Quá trình tác nghiệp của lần trước đã giúp cho anh có những kinh nghiệm và cách tác nghiệp hiệu quả cho đợt thứ hai lần này.
Nhà báo Hoàng Đạo tâm sự: “Dù nhà báo, phóng viên yêu nghề nhưng cũng cần đặt yếu tố an toàn là trên hết vì bảo vệ cho mình chính là bảo vệ cho gia đình, cho cộng đồng và toàn xã hội. Dù nhiệt huyết với công việc nhưng tuyệt đối không chủ quan bỏ qua quy trình phòng dịch của Bộ Y tế, nếu không đầy đủ các đồ bảo hộ thì tốt nhất nên dừng lại, vì vào tác nghiệp ở khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh cao mà không an toàn là mình đã vô tình mang mầm bệnh ra cộng đồng”.
Theo Lê Hiếu/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên