Nhiều năm trước cố nhà báo Hữu Thọ, một cây đại thụ của báo chí nước nhà đã nhấn mạnh:“Đạo đức làm người đã khó mà đạo đức làm nghề còn khó hơn, bởi làm nghề lại là nghề báo, sáng tạo tác phẩm báo chí để góp phần giáo dục xã hội, định hướng dư Iuận xã hội” (Công việc của người viết báo, Nhà XB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2000). Chính khách, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, người dày công nghiên cứu, góp phần soạn thảo Quy ước, sau này là Quy định Đạo đức báo chí Việt Nam khẳng định:“Cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí, có thể hiểu nôm na là cái tâm của người làm báo. Nhà báo có đạo đức nghề nghiệp là người có cái tâm trong sáng” (Về Diện mạo báo chí Việt Nam, Nhà XB Chính trị Quốc gia, năm 2001).
Vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng
Có thể nêu vài dẫn chứng về sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp vừa xảy ra gần đây. Các báo đưa tin, ngày 3/8/2020, Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với đối tượng Lê Văn Lý để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản nhận tiền của doanh nghiệp. Đương sự bị bắt quả tang tại TP. Bà Rịa. Khi bị bắt giữ, trong túi đương sự có giấy chứng nhận là phóng viên của Tạp chí Nhân đạo và Đời sống, do Trưởng VPĐD miền Đông Nam bộ ký; trong xe đương sự còn có một số bao thư đựng tiền. Tạm chưa bàn đến tính pháp nhân VPĐD của Tạp chí này, sự thật về chức danh phóng viên của đương sự, tất cả đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Điều có thể khẳng định, hoạt động của một số cơ quan thường trú, VPĐD cùng các nhân sự đi kèm, dù đã nhiều lần được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí nhắc nhở, nhưng các sai phạm vẫn cứ diễn ra, lặp đi lặp lại, chậm được khắc phục. Cần nói ngay, hiện tượng phóng viên báo chí hù dọa tống tiền, vòi vĩnh doanh nghiệp không còn là cá biệt. Trước đó, chưa đến nửa tháng, các báo đưa tin, cuộc họp báo của Công an tỉnh ngày 20/7/2020 đã công bố danh tính 2 phóng viên của Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra tội cưỡng đoạt tài sản liên quan đến một lãnh đạo thuộc thị xã Nghi sơn. Có thể dẫn thêm các dẫn chứng khác về sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp, hù dọa viết bài chống tiêu cực nhằm cưỡng đoạt tài sản, với những khoản tiền lớn của tổ chức doanh nghiệp và cá nhân có sai phạm. Vụ việc phóng viên một số báo, tạp chí câu kết, móc nối với các phần tử xấu dọa dẫm đòi chung chi hàng trăm triệu đồng, hàng chục ngàn đô la Mỹ của một số phóng viên tại các địa phương Bắc Giang, Cần Thơ, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh diễn ra trong năm 2019, nửa đầu năm 2020 để đổi lại sự “im lặng”, hoặc “gỡ bài” đã nói lên nhiều điều về sự xuống cấp đạo đức xã hội, đạo đức báo chí.
Luật Báo chí 2016 đã quy định rõ các hành vi vi phạm pháp luật. Quy định về Đạo đức người làm báo Việt Nam của Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã chỉ rõ, những điều nhà báo không được làm. không cho phép người làm báo vi phạm. Quy hoạch Báo chí đến năm 2025 đã được triển khai thực hiện, theo đó một số cơ quan báo chí không đủ điều kiện cấp phép hoạt động đã phải ngừng hoạt động. Biện pháp, giải pháp đưa ra để chế tài, ngăn chặn hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp tương đối đầy đủ và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, có thể nói, hành vi phạm tội, đạo đức báo chí xuống cấp trong một số phóng viên, ở một số cơ quan báo chí không mới tái diễn nhiều lần, cả về tính chất, mức độ, thủ đoạn ăn bẩn. Và các vụ việc này, qua khảo sát chỉ rơi vào một số loại hình cơ quan báo chí nhất định? Vì sao có tình hình này và giải pháp xử lý, khắc phục như thế nào?
Người viết bài này rất tâm huyết trong việc tìm hiểu, giảng dạy bộ môn “Đạo đức báo chí học” cho rằng: Các sai phạm, vi phạm, sự xuống cấp đạo đức báo chí kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục, rốt cuộc cũng chỉ chừng ấy nguyên nhân và cơ bản cũng đề ra chừng ấy giải pháp khắc phục, những điều mà bấy lâu nay chúng ta đã trao đổi, luận bàn. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta vẫn chưa xử lý mạnh tay, có phần còn nương nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Mấy chục năm trước, để đưa xã hội Singapore vào khuôn phép, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu cho phép cơ quan chức năng dùng “biện pháp mạnh”, phạt tiền thật nặng, đánh roi thật đau, công khai danh tính người vi phạm trên báo chí, bêu riếu nơi công cộng các hành vi sai trái. Quả thật, chỉ vài năm, với biện pháp mạnh, xã hội Singapore lập tức đi vào quy củ, nền nếp (Đối thoại với Lý Quang Diệu, NXB Trẻ, năm 2013). Viện dẫn ý chí “thép” của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ là nhằm nhấn mạnh “Biện pháp mạnh, đủ sức răn đe”, hoàn toàn không có nghĩa là chúng ta tán đồng biện Pháp "Roi mây”, “Gậy hèo”, bởi mỗi đất nước, mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác biệt, điều kiện chính trị -xã hội riêng biệt.
Cần giải pháp mạnh tay
Để khắc phục hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ngoài việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật Báo chí 2016; Quy định Đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã đến lúc cần có biện pháp đủ mạnh, giải pháp đồng bộ và kiên quyết truy tìm tận gốc rễ, loại trừ triệt để “Con sâu làm rầu nồi canh”. Cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí cần thực sự vào cuộc, thể hiện vai trò gần như quyết định trong việc tuyển dụng, sử dụng, giáo dục, quản lý phóng viên, không “khoán trắng” cho cấp dưới; tuyển dụng và kiểm soát chặt chẽ nhân sự; càng không “khoán doanh thu” - giao văn phòng đại diện các vùng miền làm kinh tế bằng mọi giá. Cần hiểu một cách đầy đủ rằng, chừng mực nào đó nếu phóng viên hư hỏng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chính là người đứng đầu cũng hư hỏng, vi
phạm đạo đức nghề nghiệp. Xử lý phóng viên vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp, nặng thì đuổi việc và đi liền đó Ban biên tập có thể xem xét kỷ luật, kể cả việc bị cách chức, chỉ ít là tự nguyện từ chức. Phóng viên “hư”, Ban biên tập không thể vô can. Nếu vi phạm và tái diễn nhiều lần, phải chăng cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cần tính đến việc tạm thời đóng cửa cơ quan báo chí đó một thời gian, cho đến khi hội đủ điều kiện hoạt động báo chí, thực hiện được cam kết không có bất kỳ thành viên nào trong cơ quan báo chí đó tái diễn vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Hải Vân