Tôi của những "lần đầu tiên"

Thứ ba - 01/09/2020 07:58
Sau hơn 30 năm làm báo với một chút thành công trong sự nghiệp, cho đến bây giờ tôi vẫn tự nhận rằng mình đang còn đi trên con đường đã chọn. Với tôi, con đường quan trọng hơn đích đến, bởi còn đi là còn khám phá, còn có thể bỏ lại đẳng sau mình những cột mốc đã qua…
111
Ảnh minh họa

Tôi học nhạc. Vậy mà đã gắn bó với nghề báo từ khi ra trường cho đến nay đã ba mươi năm có lẻ. Có thể lý giải câu chuyện này như sau: Năm 1988, tôi tốt nghiệp chuyên ngành Sáng tác, Trường Quốc gia Âm nhạc Huế (bây giờ Học viện Âm nhạc Huế). Cầm hồ sơ đi xin việc từ Tây Nguyên về NhaTrang và dừng chân ở Đà Nẵng. Bạn bè bảo nộp hồ sơ xin việc tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Đại học Sư phạm Đà Nẵng). Tôi lại không thích đi dạy. Bạn lại bảo thế có thích làm ở đài phát thanh không, vì bạn có quen với nhạc sĩ Thái Nghĩa đang là Trưởng phòng Văn nghệ của Đài. Tôi gật đầu. Hôm sau tôi cùng bạn tới Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhạc sĩ Thái Nghĩa đưa cho tôi tập nhạc viết về đất Quảng nói viết bài giới thiệu về nhạc này, hẹn hai ngày sau nộp bài. Đúng hẹn tôi nộp bài. Bài được phát trong chương trình giới thiệu tác giả tác phẩm. Nhuận bút hình như là mười ngàn đồng. Tôi phấn khởi quá viết luôn hai bài giới thiệu và phân tích tác phẩm “Quảng Nam yêu thương" của Phan Huỳnh Điều và “Thu Bồn ơi" của Lê Anh. Anh Thái Nghĩa khen hay, bảo nộp hồ sơ vô đài. Ngặt nỗi lúc đó tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có chủ trương không nhận biên chế người ngoại tỉnh. Tôi khăn gói trở về Đông Hà đi làm phụ hồ. Một năm sau, tỉnh Quảng Trị được lập lại, máu viết lách trỗi dậy trong tôi. Tôi lên Đài Phát thanh Quảng Trị xin thử việc. Và với bài viết đầu tiên giới thiệu bài hát “Quảng Trị yêu thương" của nhạc sĩ Trần Hoàn, tôi đã được Giám đốc Đài Phát thanh Quảng Trị Nguyễn Đình Anh nhận ngay vào làm hợp đồng. Cuộc đời làm báo của tôi bắt đầu từ đó.

Hơn thế, để có thể vươn đến những gì mình mơ ước, trên con đường gập gềnh ấy đôi khi ta sẽ va vấp, trượt ngã, sẽ không ít lần nếm trải cảm giác thất bại đau đớn. Làm báo ở đài phát thanh – truyền hình, ở mỗi lĩnh vực tư duy, kết cấu, phương thức thể hiện tác phẩm rất khác nhau và thay đổi không ngừng nên bảo rằng học cả đời cũng không có gì là quá đáng.

Nhớ lại những ngày đầu làm các tác phẩm truyền hình, thấy sao mà mình “liều” đến thế cứ y như là “điếc không sợ súng”. Chưa một ngày học qua trường lớp, chưa biết gì về “đạo diễn” phóng sự truyền hình, thế mà chúng tôi hăm hở lao vào làm. Nhiệt huyết đó xứng đáng là một sự “dấn thân”. Một lò than hừng hực trong lòng nung cháy nhiệt tình nghề nghiệp và khát vọng khám phá. Làm việc mà không cảm thấy gánh nặng mưu sinh, nợ áo cơm đè nặng hai vai như bây giờ. Phương tiện đi lại chỉ là những chiếc xe đạp cà tàng, vậy mà chúng tôi cũng đi tới tận thôn cùng ngõ hẻm để thực hiện bộ phim “Nỗi đau sau chiến tranh”, sau đổi tên là “Tiếng kêu từ một vùng đất”.

Ngày đó, những gã “mù nghề truyền hình" chúng tôi thực hiện theo kiểu lời thế nào thì hình đi theo thế ấy. Câu chuyện vui nói lên sự non nớt của anh em chúng tôi là chương trình ca nhạc “Theo dòng dân ca". Diễn viên hát bài “Lý chiều chiều" có câu "ức ức con vượn trèo, (tà là) trèo con vượn trèo", thế là tìm hình con vượn trong chương trình “Thế giới động vật" mà dựng vào, ngây ngô vậy đó. Rồi những lời bình của lỗi hành văn phát thanh. Dằng dặc  dài, đầy rẫy sự miêu tả. Nhưng, những "gã mù" chúng tôi cứ “sáng" dần ra. Chúng tôi học nghề từ công việc và coi... tivi. Công việc đã là những người thầy trực tiếp và thiết thực.

Liên hoan Truyền hình toàn quốc tháng giêng năm 1994 tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Đài PT-TH Quảng Trị tham gia và gây ấn tượng mạnh. Hình ảnh những trẻ em tàn tật, di chứng của chất độc hóa học hành hạ thể xác các em đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh lương tâm nhân loại.


Tôi muốn nhấn mạnh chi tiết này, bởi lúc đó,"chất độc da cam" là vấn đề nhạy cảm, và lần đầu tiên trên phạm vi cả nước, truyền hình Quảng Trị nêu lên vấn đề này. Khi hoàn thành phóng sự, Ban Giám đốc Đài đã mời Ban Tuyên giáo, Sở Khoa họ - Công nghệ và Môi trường, Sở Y tế họp bàn cùng nhau phân tích. Câu hỏi đặt ra là: Những nạn nhân đó có phải do chất độc dioxin gây ra hay không? Vì trước đó, chưa thấy ai nêu hiện tượng này lên công luận. Nhóm làm phim chúng tôi phải bảo vệ luận điểm của mình qua những chứng cứ trong phim: Lời kể của những bà mẹ, những ông chủ tịch, bí thư các xã trước đây nằm trong vùng “khai quang" của giặc Mỹ. Theo họ, chất độc rải xuống vùng đất ấy “dày như sương mỗi sớm mỗi chiều". Đặc biệt là lời xác nhận của bác sĩ Lê Văn Hào, lúc đó là Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị đã phân tích trên cơ sở bệnh lý và tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới. Từ “Tiếng kêu của một vùng đất” mà nhiều năm sau, có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước, các tổ chức nhân đạo, phi chính phủ khi ghé thăm. Quảng Trị đều yêu cầu được xem phóng sự này để hiểu rõ thực trạng trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở Quảng Trị, qua đó có sự giúp đỡ thiết thực nhất.

Phim thì ấn tượng vậy, được báo Lao Động viết bài giới thiệu, nhưng đạo diễn Chu Hòa cho rằng “có gạo mà không nấu thành cơm”.

Không thành công với lĩnh vực truyền hình, tôi chú tâm vào lĩnh vực phát thanh. Năm 1997, lần đầu tiên Đài PT-TH Quảng Trị được xướng tên trên bục nhận huy chương tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc (LHPTTQ) với tác phẩm văn nghệ tổng hợp, đạt Huy chương Bạc (Thế Hùng, Văn Thuần). Sau đó, tôi thực hiện chương trình ca nhạc “Tiếng ru” cũng đạt Huy chương bạc vào năm 2000. Và đến năm 2010, thì niềm vui sướng vỡ òa đến với tôi khi chương trình tổng hợp “Chuyện từ một chiếc cầu” đạt Huy chương Vàng tại LHPTTQ. Chương trình này ngoài nội dung độc đáo, xúc động, tôi đã thực hiện nó theo hình thức Talk Show, một hình thức phát thanh hiện đại trên thế giới thời điểm đó. Cả cơ quan tổ chức ăn mừng cho sự kiện “lần đầu tiên” và “đánh giá” này tại Nhà hàng Xuyên Á. Được đà, Liên hoan lần sau (2012), tôi lại giành Huy chương Vàng với chương trình Câu chuyện truyền thanh “Kỷ vật 40 năm” (kịch bản của nhà văn Xuân Đức).

Tới tuổi này tôi nhận ra rằng sống phải có ước mơ, đó là điều cần thiết, nhưng chớ có ảo tưởng. Nghiệm ra, những chua cay mặn nhạt của đời, những buồn vui, vinh nhục của nghề ta còn chưa nếm trải thì một bữa tiệc thành công ta cũng còn lâu mới được dự phần. Nhưng dù sao những người thực sự đam mê và yêu nghề vẫn sẽ luôn tìm thấy cơ hội ngay chính trong những thử thách gay go nhất. Câu chuyện tôi kể sau đây khi làm phim tài liệu “Những người mẹ cuối cùng” với hành trình đi ô tô Đông Hà – Hải Phòng – Thanh Hóa – Nghệ An- Đông Hà chỉ trong 5 ngày (cơ quan chỉ cho đi như vậy) là một ví dụ.

Bộ phim được hình thành từ những cách quay, những câu chuyện diễn ra trước đó 5 năm trong chương trình “Trở về từ ký ức” do Thu Uyên và Tân Lâm thực hiện. Đến những ngày giữa tháng 10 năm 2017, Tân Lâm và tôi trở lại những địa chỉ này để ghi nhận những đổi thay của thời gian: Cảnh vật,người còn, người mất và cuộc sống hiện tại của những người mẹ với nỗi đau mất con vẫn luôn âm ỉ. Những người mẹ này, 100 năm sống trong cõi dương gian đau thương để nếm đủ. Tuổi đã cận kề cái chết, các mẹ chỉ ước ao một lần được nhìn thấy mộ con trai. Và đây cũng chính là thông điệp của nhóm làm phim muốn đưa tới khán giả.

Khó khăn lớn nhất với chúng tôi thực hiện “Những người mẹ cuối cùng” chính là các nhân vật. Đó là những lát cắt của cuộc sống. Trong phim, nhân vật là những người mẹ 90 – 100 tuổi, thậm chí có cụ đã 105 tuổi. Các cụ vẫn minh mẫn, nhưng tai đã nghễnh ngãng nên khi trao đổi để thực hiện cảnh quay rất khó khăn. Hơn nữa, để có những khuôn hình các cụ xê dịch, di chuyển, chúng tôi phải thực hiện rất kỳ công dù có sự trợ giúp của người nhà. Điều quan trọng là chúng tôi không thể “đạo diễn” mà để cho các cụ tự nhiên trong ống kính như hoạt động thường ngày. Phim dựng công hạn chế lời bình nên việc này tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Việc phim tài liệu ‘Những người mẹ cuối cùng” (tác giả Phan Tân Lâm, Võ Thế Hùng) giành được giải Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37 năm 2017 đã cho chúng tôi cảm xúc vỡ òa. Đây là lần đầu tiên Đài PT-TH Quảng Trị đạt được giải thưởng danh giá này. Cái cảm giác “lần đầu tiên” bao giờ cũng ngập tràn cảm xúc, khó diễn tả. Có thể nói phim tài liệu là một thể loại khó nên việc giành giải Vàng ở thể loại này tại một kỷ niệm Liên hoan truyền hình toàn quốc là mơ ước, là khát vọng của những người làm nghề như chúng tôi.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ có lần tâm sự rằng ông đã từng quan sát, theo dõi và nhận thấy nhiều nhà báo viết rất tốt vào thời kỳ đầu nhưng càng về sau thấy đuối dần đi, rất là phi logic. Theo tôi, có thể là đến một thời điểm nào đó nhà báo cảm thấy quá mệt mỏi, hoặc vì cơ chế, vì tính thỏa mãn, tính bão hòa, giới hạn của sự đi…Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là sự nguội lạnh đam mê của người sáng tạo. Theo tôi, bất luận hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy, nhà báo muốn tồn tại thì phải sáng tạo, phải dấn thân. Và thực ra không phải những tác phẩm được sản sinh ra trong những điều kiện thuận lợi mới là những tác phẩm hay, tác phẩm lớn. Vấn đề là ở chỗ, nhà báo dám đánh đổi cuộc đời mình cho tác phẩm hay không. Như tôi đã trình bày, phim tài liệu là một thể loại danh giá và khó thực hiện, để làm hay lại càng khó hơn. Nhưng sản phẩm báo chí muốn đạt tới đỉnh cao, tôi nghĩ còn phải thêm một giá nữa, đó là cuộc đời nhà báo, một cuộc đời dấn thân, học hỏi và sáng tạo không ngừng. Bởi chúng ta nếu cứ mãi bằng lòng với chính mình thì không thể có tác phẩm lớn, tác phẩm hay.
 
Võ Thế Hùng
Hội Nhà báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây