Tổ chức chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn trên báo Đảng
Thứ năm - 06/08/2020 15:43
Tổ chức chuyên trang, chuyên mục trên báo chí giúp độc giả dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm, tiếp cận và theo dõi thông tin một cách tập trung có chiều sâu, có trọng điểm về những vấn đề đã và đang diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Do vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp nông thôn trên báo Đảng hiện nay.
Vấn đề tổ chức chuyên trang, chuyên mục
Cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, nhất là sự bùng nổ của mạng xã hội, những năm gần đây, hệ thống báo Đảng cũng đã có những bước phát triển mới, góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, giáo dục, định hướng cho các tầng lớp nhân dân về chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Để thu hút bạn đọc, ngoài việc thông tin nhanh, kịp thời các vấn đề thời sự, một số báo Đảng đã quan tâm hơn đến việc chuyển tải những thông tin nông nghiệp, nông thôn mang tính chuyên sâu thông qua các chuyên trang, chuyên mục để phù hợp hơn với sự phát triển, hướng đến đối tượng công chúng cụ thể.
Tổ chức chuyên trang, chuyên mục là hệ thống biên tập, tổ chức các tin, bài trong chuyên trang, chuyên mục báo chí để đem đến cho bạn đọc tính chất chuyên sâu về một vấn đề, chủ đề nào đó. Ngoài ra, cần phải đem đến cho bạn đọc những thông tin luôn mới, phong phú và tạo thành dư luận xã hội lành mạnh. Việc tổ chức hệ thống chuyên trang, chuyên mục này sẽ là rường cột cho toàn bộ hoạt động nội dung, định hướng của báo chí.
Tổ chức các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn trên báo Đảng cũng chính là hoạt động tổ chức thông tin báo chí, nó chỉ cụ thể hơn ở phạm vi thông tin về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Hoạt động tổ chức sản xuất các chuyên trang, chuyên mục trên báo Đảng gồm các yếu tố: Tổ chức phân công nhiệm vụ cho nhân sự và tổ chức sản xuất nội dung các chuyên trang, chuyên mục. Cũng như mọi quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm khác, việc tạo ra một chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn trên báo Đảng đòi hỏi phải có yếu tố đầu vào, đầu ra, các trang thiết bị, công nghệ và nhân sự được sử dụng để sản xuất ra sản phẩm.
Tổ chức các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn trên báo Đảng hiện nay tạo sự đa dạng nội dung thông tin cho tờ báo, cả về nội dung thông tin chung và thông tin chuyên biệt, chuyên sâu. Trong đó, thông tin chuyên biệt chuyên sâu là hình thức thông tin đặc biệt thích hợp với hình thức của các chuyên trang, chuyên mục.
Thông tin các tác phẩm báo chí trong các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn thể hiện ở những nội dung nghiên cứu, tổng kết, đánh giá mà hình thức thể hiện ở các thể loại bài viết chuyên sâu, phóng sự, phỏng vấn. Cùng với các yếu tố trên, ngôn ngữ cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự đa dạng nội dung thông tin cho tờ báo.
Với nhiều nội dung được đề cập các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những thành công nhất định khi khai thác, bám sát và có thông tin kịp thời về những vấn đề quan trọng, vừa nảy sinh với bà con nông dân, trong đó có những vấn đề được rất nhiều người nông dân quan tâm như vấn đề chính sách hỗ trợ. Các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn là một trong những phương thức tuyên truyền đặc biệt quan trọng đối với vấn đề nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn cả nước hiện nay. Nội dung thông tin trong các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn hữu ích với công chúng, giúp công chúng nắm rõ chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, các chuyên trang, chuyên mục đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc kiểm tra, giám sát.
Một số vấn đề đặt ra
Tổ chức tuyến bài nhiều kỳ tại một số cơ quan báo Đảng đang là xu hướng tất yếu trong cuộc cạnh tranh gay gắt với các loại hình báo chí - truyền thông mới hiện nay. Báo Đảng buộc phải thay đổi để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng về thông tin nông nghiệp, nông thôn có chiều sâu, có phân tích để chạm đến bản chất của vấn đề. Đó chính là những sản phẩm báo chí chất lượng cao, được đầu tư thực hiện công phu và trình bày hấp dẫn, lôi cuốn.
Tuy nhiên, qua khảo sát 586 chuyên trang, 280 chuyên mục nông nghiệp nông thôn trên báo Nhân Dân, Hà Nam, Thái Bình từ tháng 7/2018 đến hết tháng 6/2019, mới chỉ có 28 tuyến bài nhiều kỳ được thực hiện trong chuyên trang chuyên mục nông nghiệp, nông thôn. Việc tổ chức triển khai tuyến bài nhiều kỳ trên các báo vẫn còn chưa được chú trọng; thực hiện chưa bài bản, khoa học.
Một là, về nội dung, tuyến bài nhiều kỳ thường hấp dẫn bởi nó theo đuổi sự kiện, bám sát câu chuyện để thỏa mãn nhu cầu của công chúng, nhưng nhiều vấn đề được lựa chọn để thực hiện tuyến bài có nội dung chưa “trúng”.
Tuyến bài “Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu” (2 kỳ) đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 18 - 19/12/2018 của nhóm tác giả Trung Hùng, Hồng Luận và Ngô Tuấn. Toàn bộ bài 1 trong tuyến bài 2 kỳ chỉ là nội dung phản ánh quá trình và kết quả thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu ở một vài địa phương cụ thể.
Nội dung bài 2 là đánh giá quá trình thực hiện tại các địa phương của ngành chức năng và đưa ra một số giải pháp nhưng chung chung, chưa cụ thể. Nội dung thông tin một số tuyến bài nhiều kỳ vẫn mang tính một chiều, ít có sự giám sát, phản biện và tương tác với độc giả.
Thông tin tuyên truyền trong các tuyến bài nhiều kỳ về nông nghiệp, nông thôn chủ yếu tập trung vào các vấn đề sản xuất, xây dựng cơ bản, nông thôn mới... mà ít chú ý đến các vấn đề môi trường, văn hóa nông thôn.
Hai là, về hình thức, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhiều tuyến bài nhiều kỳ chuyên trang nông nghiệp, nông thôn được trình bày khá “khô”. Những tuyến bài này, chủ yếu kỳ 1 nêu thực trạng, kỳ 2 nêu giải pháp cho những vấn đề chung chung, không có sự kiện mới, không có thông tin mới nên sức thu hút độc giả chưa cao. Có những vấn đề không đáng triển khai nhiều kỳ nhưng vẫn được bố trí thành tuyến bài nhiều kỳ.
Cách thức thể hiện tuyến bài nhiều kỳ trong chuyên trang, chuyên mục nông nghiệp, nông thôn tương đối đa dạng. Bên cạnh các kỳ chủ yếu là bài phản ánh, phóng sự ngắn truyền thống đã có những nội dung phỏng vấn, ý kiến công chúng. Tuy nhiên, cách làm này lại xuất hiện chưa nhiều trong các tuyến bài nhiều kỳ trên Báo Nhân Dân và Hà Nam.
Một số tác phẩm của tuyến bài trong chuyên trang, chuyên mục có hình thức trình bày chưa đạt, chỉ là những “mảnh ghép” các bài viết, box thông tin, hình ảnh bài viết chỉ mang tính chất “minh hoạ”, không đáp ứng được yêu cầu về mặt thông tin của ảnh báo chí. Việc sử dụng đồ họa, infographic trong các tuyến bài chưa nhiều...
Nhiều phóng viên bám sát ngành, bám sát lĩnh vực, có kinh nghiệm và tích lũy được nhiều kiến thức trong lĩnh vực này nhưng chưa có tác phẩm hay vì năng lực thể hiện vẫn còn hạn chế. Phóng viên hiểu vấn đề nhưng để làm nổi bật, đi sâu phân tích cái đúng, cái sai, nhân tố điển hình, hạn chế trong quá trình phát triển, lại kém vì trình độ lý luận chưa tốt, cách thể hiện chưa tinh, không sáng tạo, lười tư duy.
Xét về tổng thể, đội ngũ người làm báo có chuyên môn không đồng đều, nhiều người thiếu đào tạo cơ bản về báo chí nên trong cách thể hiện tác phẩm và trong quá trình tác nghiệp vẫn còn bộc lộ một số hạn chế...
Có thể nói, việc quyết định thành công của mỗi tuyến bài nhiều kỳ trên các báo phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người làm báo và sự nhạy bén của lãnh đạo cơ quan báo chí, thư ký tòa soạn, biên tập viên và phóng viên. Chọn vấn đề có “trúng” sự quan tâm của công chúng hay không, có đủ “nóng” hay không từ đó xác định quan điểm, góc nhìn của vấn đề phù hợp hay không rồi triển khai thực hiện; có đi đến cùng của vấn đề hay không... đều là những yếu tố góp phần quyết định thành hay bại của những tuyến bài nhiều kỳ.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Vấn đề nông nghiệp, nông thôn là một đề tài tương đối rộng, tuy nhiên, công tác tuyên truyền về vấn đề này trong giai đoạn hiện nay không thể áp dụng những cách làm cũ, đi theo lối mòn nên các chuyên trang, chuyên mục cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng để phù hợp với yêu cầu của xã hội.
Muốn chất lượng được nâng cao một cách hiệu quả, mỗi chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp cần thiết phải có những sự thay đổi, có thể đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị sau:
Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức trong các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới nội dung không có nghĩa là phải thay đổi lại toàn bộ nội dung cũ bằng nội dung mới mà cái quan trọng ở đây là phóng viên phải biết điều chỉnh và cân bằng hợp lý giữa các vấn đề mà độc giả quan tâm.
Độc giả quan tâm đến vấn đề nào thì chuyên trang, chuyên mục phục vụ nhu cầu đó. Đồng thời, cũng phải phát hiện thêm nhiều vấn đề khác nhằm bổ sung cho sự phong phú và phạm vi phản ánh sâu, rộng của chuyên trang, chuyên mục.
Tổ chức các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn không chỉ chú trọng vào yếu tố hiệu quả kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội mà cần quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nông thôn; tiếp nhận có chọn lọc những nét văn minh của cuộc sống hiện đại.
Ngoài ra, cần xác định rõ tầm quan trọng của việc trình bày báo, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho người làm công tác thiết kế, trình bày đưa ra các ý tưởng dựa trên kế hoạch nội dung các số báo đã đặt ra.
Thứ hai, đổi mới công tác quản lý, tổ chức và thực hiện các chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn. Có nhiều yếu tố chi phối, tác động đến chất lượng, hiệu quả tuyên truyền của báo chí, trong đó có công tác quản lý. Trong những năm qua, những thành công hay hạn chế của các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn đều có một phần bắt đầu từ công tác quản lý. Thực tế hiện nay, việc phát hiện đề tài, xây dựng kế hoạch tuyên truyền vẫn còn bị động.
Chính vì vậy, cùng với việc tạo điều kiện cho phóng viên chủ động phát hiện đề tài, người quản lý cũng phải gắn mình với thực tiễn cuộc sống để tìm kiếm, phát hiện những vấn đề mới, đáp ứng được yêu cầu xây dựng kế hoạch tuyên truyền chuyên trang, chuyên mục trong mọi hoàn cảnh.
Thứ ba, xây dựng một số chính sách cụ thể. Trong việc xây dựng chế độ nhuận bút nên có chế độ công tác phí thỏa đáng cho đội ngũ phóng viên. Xây dựng các hình thức khen thưởng, động viên kịp thời các nhà báo có những thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện đồng bộ các chính sách cụ thể để khơi dậy tinh thần sáng tạo của phóng viên, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Mỗi phóng viên, biên tập viên cần phải nâng cao năng lực và trình độ nghiệp vụ cũng như kiến thức về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, có như vậy mới bám sát vào chủ đề mà mình được giao nhiệm vụ.
Lãnh đạo Báo cũng như lãnh đạo Ban/Phòng chuyên môn cần chủ động lập kế hoạch đào tạo, đề xuất các biện pháp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và chuyên môn về nông nghiệp, nông thôn cho lực lượng phóng viên phụ trách. Qua đó góp phần nâng cao năng lực sáng tạo của mỗi phóng viên trong hoạt động thu thập và xử lý thông tin.
Thứ năm, nghiên cứu nhu cầu của công chúng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng của các phương tiện truyền thông, nhu cầu được tiếp nhận thông tin của công chúng cũng được nhân lên. Việc nghiên cứu công chúng báo chí cần phải được tiến hành thường xuyên, có tổ chức, có hệ thống và được coi là công việc không thể thiếu trong hoạt động báo chí.
Thứ sáu, cùng với việc phản ánh tình hình nông nghiệp, nêu gương người tốt việc tốt, mô hình kinh tế mới, các Báo cũng cần tích cực hơn trong việc trao đổi các kiến thức về nông nghiệp, hướng dẫn bà con nông dân bằng cách cùng bàn bạc, trao đổi với các kỹ sư, giáo sư trong lĩnh vực này.
Các giáo sư, tiến sĩ hay kỹ sư .. thường là những người có trình độ học vấn cao, am hiểu sâu sắc về vấn đề nông nghiệp nên việc họ hướng dẫn bà con nông dân về một phương thức mới trong sản xuất sẽ rất dễ tạo được sự tin tưởng, cùng sự đồng tình, hưởng ứng của bà con nông dân.
Các báo làm chuyên trang, chuyên mục về nông nghiệp, nông thôn không thể tách rời chuyên gia. Chuyên gia sẽ giúp phóng viên hiểu rõ các thuật ngữ chuyên ngành mà phóng viên ít tiếp cận.