Dấu ấn nghề với đồng nghiệp Điện Biên: Vật vã “chào đời” sau lũ ống Mường Lay

Thứ sáu - 28/08/2020 16:01

Dĩ vãng đã 30 năm. Nhưng, những gì xảy ra thời ấy khi trận lũ ống ở Mường Lay diễn ra vào hồi 9h30 ngày 26 tháng 7 năm 1990 thì vẫn chưa xa.

“Giờ ấy, ngày ấy trời như sập nước, triều cường vụt dâng đổ lũ từ suối Nậm Na, Nậm Lay, từ khu thủy điện Nậm Cản buông xuống thị xã chênh vênh hai bên triền núi. Thung lũng bỗng chốc thành dòng sông hung thần, dữ tợn. Làng bản, nhà cửa, phố phường, cây cối, kèo cột xô kéo nhau băng băng theo con nước đục ngầu. Nước dồn đẩy tạo nên những ngọn thủy thần cao tới năm, bảy mét rồi ụp xuống, rồi lại xô đẩy tiếp hàng loạt cây cối, nhà cửa, ruộng vườn của những nông gia gắn kết đời đời với “vườn, ao, chuồng” suốt dọc lòng thung, suốt hai triền núi từ Mường Tùng, Mường Lay đến thị xã Lai Châu. Thị xã nằm trong thung lũng dài tới 10km từ cầu Hang Tôm (qua sông Đà) đến bản Bắc của xã Lay Nưa, huyện Mường Lay. Suối Nậm Lay và sông Đà chia thị xã thành 3 khu chính là Bản Xá, Đồi Cao và Nậm Cản. Địa hình khí hậu, sông suối ở đây đã tạo cho thị xã vẻ đẹp hài hòa, tự nhiên. Nhà cửa, phố phường nối hàng theo triền núi, ven sông, ven suối. Những khu quần cư được nối liền với nhau bằng những con đường lớn, những chiếc cầu sắt, cầu tre. Thị xã nên thơ. Thị xã đẹp trong dáng vẻ khiêm nhường, tứ bề núi đứng, núi ngồi... Vậy mà lũ ống đã xóa đi”!... Giọng anh Thạch Linh - Ủy viên Hội Văn học nghệ thuật, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay như tắc lại, xa lạc hẳn đi: Con lũ,... con lũ ống cuối tháng 6 năm qua đã xóa đi... xóa đi tất cả rồi... Con lũ... con lũ đã cướp đi sinh mạng cả trăm người vô tội đủ mọi lứa tuổi!... Tiếng nấc của Thạch Linh gợi tôi nhớ lại bức thư của anh Nguyễn Khản - Tổng Biên tập Báo Lai Châu hồi ấy, thay mặt những người làm báo tỉnh gửi về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam kêu cứu. Thay mặt lãnh đạo Hội, tôi đã soạn thư danh nghĩa Hội Nhà báo Việt Nam gửi nhờ báo chí Trung ương đăng, phát thông tin rộng rãi. Nhờ đó, đồng nghiệp cả nước biết rõ hơn thảm họa thiên tai ở thị xã Lai Châu nơi địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc. Nhờ đó, đã khơi lên cả phong trào vì đồng nghiệp với những tuần làm thêm buổi, ngày làm thêm giờ, giờ thêm việc, chi tiêu ít hơn để có thêm tiền, thêm quà gửi về Lai Châu hỗ trợ đồng nghiệp, an ủi cộng đồng dân tộc ta ở đó... Báo chí tỉnh và các cơ quan quản lý sau ngày ấy gian nan, chật vật, vật vã lắm mới định nên ngày, nên tháng để tổ chức Đại hội... Ấy là vắn tắt câu chuyện buồn tôi đón nghe trong đêm cuối năm 1991, để sáng ngày hôm sau tham dự Đại hội toàn thể hội viên Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu lần thứ I vào ngày 19 tháng 12 năm 1991, (Theo QĐ Thành lập số 19/HNB – Ngày 13/8/1990 của TW HNBVN).
111
Cầu Hang Tôm - Dấu tích xưa, khi chưa thực hiện Dự án tích nước Thủy điện Sơn La (Ảnh: TL)

Sau công bố Quyết định thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Lai Châu (nay là Điện Biên) là Báo cáo Chính trị nhiệm kỳ (1991 - 1995) của Ban Chấp hành lâm thời. Rất bất ngờ, khi nghe tham luận của các hội viên nhà báo (tôi thầm nghĩ “xứ núi” ít mạnh dạn); thì họ lại rất thẳng thắn, sát thực, rất chuyên nghiệp và cũng rất bản lĩnh. Tham luận mở đầu của Chi hội nhà báo Báo Điện Biên Phủ, dẫn dụ về sự lãng phí, rằng: Sản xuất ra tờ báo tỉnh ở miền núi như chúng ta đây là cả một vấn đề, vất vả, kỳ công, tốn kém nhưng người cần đọc báo lại không có báo để đọc. Báo xuống bản, xuống xã, xuống huyện phải vật vã trên lưng ngựa. Thế nhưng khi tới địa phương thì nó vẫn nguyên xi trong gói, vẫn cuộn tròn thành bó vứt trên nóc tủ hoặc nơi xó nhà của cán bộ. Cho nên chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác bạn đọc, gắn với Bưu điện đẩy mạnh công tác phát hành đưa báo đến tận tay người đọc, cổ vũ những tấm gương đọc và làm theo báo!... Nào là, trận lũ ống mới rồi còn ám ảnh chúng ta nhiều lắm. Nhân dân các dân tộc vẫn chưa ổn định, vẫn chưa hồi sức lại, cho nên báo chí phải cổ vũ thật rát rạt việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sá giao thông! Có tham luận khen chính danh báo và đài đã dành nhiều thời lượng, nhiều bài viết chất lượng nói về đội quân của ngành giao thông tỉnh, về trách nhiệm với xã hội của Giám đốc Nguyễn Tất Tri, người nhạc trưởng của dàn nhạc sôi động nhưng không lời. Đất rừng ngày mưa, sạt lở, đội quân của Nguyễn Tất Tri đã hót, xúc đi tới mấy chục vạn khối đất, đá ở hàng chục điểm sạt lở, kè rọ thép tới nửa ngàn khối đá ở chân các công trình để gia cố các móng cầu trong thời gian sớm nhất... Có tham luận mong muốn nhà báo chúng ta đã làm nhưng tiếp tục làm tốt hơn nữa việc nêu gương sáng công nhân ở Xí nghiệp Xây dựng thị xã trong đó người đứng đầu là Giám đốc Hà Minh Các. Lũ ống đã xóa đi tất cả những gì họ có. Vậy mà bằng ý chí, bằng sức mình, bằng đoàn kết, liên kết họ đã gượng dậy; lại chăm lo làm nhà cho dân, cho các cơ quan, xí nghiệp... Tuyên truyền về họ cũng chính là để các nhà báo học ý chí của họ để thực hiện tốt bổn phận của hội viên nhà báo, trong làng báo Việt Nam!... Có tham luận còn lớn tiếng đay đả sự thiển cận của con người, sự vô cảm của cơ quan chức năng để nhân dân các dân tộc tùy tiện phá rừng, đốt rẫy làm nương, dọn đường cản nước của rừng rậm nên mới bị trời đày bằng lũ ống hung dữ mà thiên niên nay chưa từng thấy ở xứ núi này. Cho nên, đây cũng là trách nhiệm của báo chí, cần tuyên truyên thật bài bản để bảo vệ môi trường, để giữ lấy rừng, giữ môi trường sống trong lành của chúng ta!... Những lời mộc mạc, chân thành, thẳng thắn, tâm huyết như thế bày tỏ trên khán phòng Đại hội toàn thể hội viên lần thứ I, Hội Nhà báo Lai Châu (Điện Biên) diễn ra vào ngày 19 tháng 12 năm 1991 tại thị xã Mường Lay lưu đậm mãi trong tôi!

Ngày ấy, dự và chỉ đạo Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Chải vui tràn lên khuôn mặt, giọng hào hởi: Vậy là chúng ta đã có một tổ chức Chính trị và nghề nghiệp của những người làm báo của tỉnh. Các tham luận, những ý kiến của các nhà báo đóng góp vào Báo cáo nhiệm kỳ đã nói lên điều đó. Ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh phải chung sức đoàn kết hội viên nhà báo, giúp nhau bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ thật tốt như Cụ Hồ từng căn dặn tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam của chúng ta. Chất lượng thông tin báo chí, phát thanh, truyền hình phải không ngừng nâng cao, phải sâu sát đời sống của các dân tộc, động viên, hướng dẫn họ vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng xã hội tốt đẹp!...

111
Thị xã Mường Lay hôm nay. ảnh: TL

30 năm đã qua đi. Chữ nghĩa, hình ảnh, ngôn từ nói sao cho hết cái mới, cái hay, cái thay đổi cả trời cả vực trên mảnh đất này, kể cả sự lớn mạnh của báo chí trong đó những nhà báo từng “cầm trịch” - Chủ tịch Hội – như: Nguyễn Viết Điệu, Nguyễn Ngọc Kỷ, Hoàng Văn Thành (đã từ giã cõi trần), và Nguyễn Vân Chương nối tiếp, dày công vun đắp, xây dựng tổ chức Hội ngày một lớn mạnh. Cho dù lai lịch và duyên cớ của những lần đổi thay tên gọi của thị xã từ Lai Châu... từ tên phường Mường Lay thành tên thị xã... Sự vật lộn với giặc giã, với thiên tai tàn khốc, với sự phát triển bền vững của Quốc gia (trả đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước) tất cả đều quyết liệt với khí phách Điện Biên Phủ mới tạo nên, mới làm mới lại cả một thị xã cheo leo bốn bề núi ấp núi vây. Quốc lộ 6 và đường số 12 xưa ngoằn nghoèo thả mình dưới chân núi để vào thị xã, nay tránh nước hồ dâng, lại vắt thân lên tận lưng chừng núi... Thị xã Mương Lay nay với 5 khu dân cư mới, với 9 dân tộc anh em thân thiết mặn mà... Mường Lay xưa chỉ núi đầy trong mắt. Mường Lay nay đẹp như Hạ Long giữa đỉnh trời Tây Bắc: Núi, mây, nước biếc mênh mang, phố phường hiện hình, nhà sàn san sát soi mình xuống lòng hồ lồng trong bóng núi, bóng mây... Dễ gì các thế hệ mai sau biết được và nhớ đến những ngày đã qua! Nhưng, lớp chúng tôi, cho dù chỉ là khách vãng lai, với Mường Lay - địa danh Đại hội - Hội Nhà báo Lai Châu (nay là Điện Biên) lần thứ nhất, vật vã “chào đời” sau lũ ống thì mãi ở trong tôi, đằm mãi trong tôi như ký ức đời nghề!

Tháng 8/2020

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển

(Nguyên Trưởng ban Công tác Hội – HNBVN)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây