Ấy là một dịp tôi cùng một người bạn đi siêu thị mua sắm. Trong vô vàn câu chuyện đan xen của những người đi siêu thị, tôi vô tình nghe được cuộc nói chuyện của hai chị khách có lẽ là nông dân vùng ven thành phố. Trong rất nhiều câu chuyện hỏi thăm qua lại, họ có nhắc đến việc nuôi nhím. Tôi biết trước đó ít lâu nhím đang là mô hình kinh tế của rất nhiều bà con để xóa đói giảm nghèo, và cũng có nhiều gia đình đang nuôi ý định học hỏi và làm theo mô hình kinh tế đó. Nhưng trong câu chuyện của họ thì nhím không còn là con vật giúp họ xóa đói, giảm nghèo nữa. Giá nhím thịt xuống trầm trọng, họ có bán đi cũng không thể hoàn lại đủ vốn. Bao nhiêu công sức chăm nuôi, bao nhiêu tiền bạc đầu tư nuôi nó từ khi nó còn nhỏ giờ đã 5- 6 cân có lẻ mà bán đi không đủ số tiền bỏ ra mua nó ngày mới mở trang trại. Họ tiếc cho cái công chăm nom, tiếc cho số vốn bao nhiêu năm tích cóp nên đành ngậm ngùi không bán, để lại nuôi. Nhưng cái giống nhím mức độ sinh trưởng có hạn. Đến khi nó đủ cân nặng của giống loài thì nuôi thế nuôi nữa vẫn chỉ có từng ấy cân. Thành thử người nông dân dồn cả công cả của để “nuôi báo cô” lũ nhím.
Câu chuyện của họ khiến tôi giật mình, cũng thấy đó là một vấn đề rất mới, có lẽ chỉ có người nông dân trực tiếp nuôi nhím mới thấu cơ sự này. Với báo chí đây có thể là một đề tài có tính phát hiện, cần thiết phải đưa lên báo để các cơ quan chức năng cùng tìm một hướng giải quyết cho nông dân và cũng góp thêm một tiếng nói cho những người đang có ý định xây dựng mô hình chăn nuôi nhím lưu tâm, xem xét cho thật kỹ trước khi thực hiện. Song công việc mua sắm với bạn đã cuốn tôi đi, và câu chuyện của hai người nông dân nọ cũng trôi đi theo thời gian như những sự việc vô bổ xảy ra trong cuộc sống.
Sau chừng 1 tháng, bắt gặp một bài báo đăng trên Báo Yên Bái với tiêu đề “Nước mắt nhím”, tôi giật mình. Chợt nhớ đến câu chuyện của hai người nông dân dạo trước, tôi thấy mình thiếu sự nhạy cảm của người làm báo. Dẫu biết rằng nhà báo khác với chủ thể làm nghề nghiệp khác, khi đi trên cùng một quãng đường, từ những điều xảy ra xung quanh, nhà báo có thể phát hiện ra những sự kiện có vấn đề, từ đó phân tích, lý giải dưới nhiều góc độ khác nhau để viết báo nhằm cung cấp thông tin bổ ích cho độc giả. Dẫu biết rằng lắng tai nghe từng chuyển động trong cuộc sống, nhà báo sẽ tìm được những đề tài đang còn lẩn khất đâu đó trong nhân dân. Nghe, nhìn không những giúp cho nhà báo nảy ra nhiều đề tài mới mẻ mà còn giúp cho nhà báo bồi đắp vốn sống cho bản thân, để rồi đến một lúc nào đấy, những tư liệu quý đó sẽ giúp nhà báo có thêm nhiều trang báo thuyết phục.
Câu chuyện là một bài học quý, cho tôi hiểu việc tạo cơ hội cho mình va đập với cuốc sống để được quan sát các sự kiện; việc trau dồi hiểu biết xã hội của bản thân để có khả năng phân tích sự kiện ở nhiều góc độ, phát hiện ra nhiều vấn đề; việc rèn trình độ chính trị để thực sự nhạy bén với vấn đề liên quan đến lợi ích; việc nâng cao năng lực nghề báo để chuyển tải hiệu quả nhất những thông tin thu thập được là những việc làm không ngừng nghỉ của mỗi nhà báo. Để mỗi nhà báo thực sự là những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, để báo chí có thể “… lên tiếng ngay tức thì khi những tiếng vọng của sự lo lắng, những tuyên bố của người chiến thắng và cả các dấu hiệu của sự sợ hãi vẫn đang lơ lửng trong không khí”- Henry Anatole Grunwald.
Yến Trang
Hội Nhà báo Yên Bái