Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: "Phóng viên trẻ ngoài xông xáo táo bạo thì cần có tư duy"

Thứ ba - 12/10/2021 04:41
111

Lễ trao giải “Khoảnh khắc báo chí 2020”  đã khép lại thành công tốt đẹp. Mỗi tác phẩm ảnh báo chí được vinh danh đều cho thấy sự vất vả, sẵn sàng dấn thân, đương đầu với gian khổ của đội ngũ phóng viên, nhà báo. Chia sẻ với Dân Việt, nhiếp ảnh gia, thành viên BGK Trần Việt Văn cho rằng, giải thưởng đã thành công khi thu hút được nhiều tác giả trẻ, đảm bảo được tính đa dạng, không bị trùng lặp đề tài.

Với tư cách là thành viên BGK, ông nhìn nhận như thế nào về chất lượng của các tác phẩm đoạt giải thưởng "Khoảnh khắc Báo chí 2020" năm nay?

- Giải thưởng "Khoảnh khắc Báo chí 2020" mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng đang dần tạo dựng được vị thế và trở thành một thương hiệu riêng. Điều này thể hiện ở việc giải thưởng thu hút được rất nhiều các tay máy tham gia, đặc biệt có sự xuất hiện của nhiều tay máy trẻ xuất sắc hiện nay.

Giải thưởng đã tôn vinh được các tác phẩm ảnh báo chí, thời sự đi vào phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống qua các góc nhìn đa dạng của các tác giả dự thi.

Thành công của giải thưởng năm nay là chọn ra các tác phẩm tốt, xứng đáng để trao giải, trong đó giải A thuộc về tác phẩm phóng sự ảnh "Cuộc đại phẫu cặp song sinh dính liền".

Mặc dù vậy, vẫn có điểm cần chú ý đó là chất lượng tác phẩm tham dự chưa đồng đều nhau. Có tác phẩm được đầu tư công phu, bài bản nhưng bên cạnh đó cũng có tác phẩm chưa đạt tính báo chí cần thiết. Ví dụ như tác phẩm chưa đủ thông tin báo chí, có bộ ảnh thì chỉ đơn thuần là sinh hoạt đời thường thuần túy, không phản ánh rõ ràng thông tin.

111
Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn (Ảnh: NVCC).

Nhiều bộ ảnh được giới chuyên môn đánh giá cao vì đảm bảo tính thời sự và thể hiện sự dấn thân của phóng viên. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Năm nay cũng như mấy năm trước, các bức ảnh dự thi được các thành viên BGK chấm và thảo luận công khai, dân chủ, cũng như đạt được sự thống nhất, đồng thuận trong việc lựa chọn các tác phẩm đạt giải cao.

Bộ ảnh đạt giải A thể hiện được tính thời sự và nhân văn, tác giả đã bám theo câu chuyện và thể hiện được góc nhìn rất báo chí, sáng tạo đối với nhân vật.

Đối với giải B, tác phẩm "Hàng trăm "hố bom" trên con đường "đau khổ" né trạm BOT" đã cảnh báo được một thực trạng, vấn đề của xã hội với cách thể hiện mạnh mẽ.

Thành quả đạt được của giải "Khoảnh khắc Báo chí 2020" đó là đã tôn vinh các gương mặt trẻ. Cần phải nói rõ việc tạo điều kiện các tay máy trẻ tiếp tục phát triển là hướng đi đúng đắn. Tôi nghĩ rằng, giải thưởng này cần được duy trì hàng năm để tạo ra một sân chơi thú vị, bổ ích cho các tay máy.

Trong số các tác phẩm đã đoạt giải, ông thật sự ấn tượng với bộ ảnh nào nhất? Vì sao?

- Tôi cho rằng, để chọn ra một bộ ảnh thực sự ấn tượng trong nhiều các tác phẩm tốt không phải dễ. Phải lưu ý rằng có một số bộ ảnh tham gia dự thi, bên cạnh tính báo chí rất rõ thì thể hiện được vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo hình. Tôi đánh giá bộ ảnh "Tìm kiếm nạn nhân lở núi ở Trà Leng" của tác giả Phạm Ngọc Thành (Báo điện tử VnExpress) là một bộ ảnh như vậy.

Có ý kiến cho rằng, trong số các bộ ảnh đoạt giải năm nay, ảnh về sự chân thực và khốc liệt của cuộc chiến chống Covid-19 chiếm đa số, tâm lý tác giả cũng tập trung vào các sự kiện "theo trend" để dễ đạt giải. Ông nghĩ sao về điều này?

- Ảnh báo chí cần phải đảm bảo tính thời sự phải đặt lên hàng đầu. Covid-19 là một chủ đề rất được quan tâm, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Ở giải thưởng lần này, đối với chủ đề Covid-19, có nhiều đề tài cụ thể, đi vào các mảng riêng và được tác giả thể hiện khác nhau. Như vậy, giải thưởng vẫn đảm bảo được tính đa dạng, không bị trùng lặp đề tài.

111
Các tác giả Top 10 giải ảnh Khoảnh khắc báo chí 2020 nhận giải. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Theo ông, các mùa giải "Khoảnh khắc Báo chí" tới, BTC cần lưu ý những điểm gì để giải thưởng mang tính lan toả và đóng góp những giá trị thiết thực cho nền báo chí của chúng ta?

- Nếu cuộc thi "Khoảnh khắc Báo chí" tiếp tục được duy trì trong các năm sau, thì theo tôi có thể mở rộng ra nhiều mảng đề tài hơn nữa. Các giải ảnh báo chí trên thế giới họ chia nhỏ ra rất nhiều đề tài khác nhau. Ví dụ: đề tài đương đại, đề tài ảnh đời thường, đề tài về tin nóng… khi đó, các tay máy sẽ có nhiều "đất" hơn để thể hiện mình.

 Ông nghĩ sao về quan điểm phóng viên ảnh, đặc biệt là phóng viên trẻ hiện nay đang bị mất đi độ "tĩnh" để tư duy ý tưởng cho ảnh báo chí?

- Thực tế, điều này chỉ đúng một phần. Phải nói rằng hiện này có nhiều tay máy  mặc dù tuổi đời chưa nhiều nhưng đã có những bộ ảnh rất "chững chạc", ấn tượng. Ngoài việc đầu tư tìm tòi đề tài, góc nhìn sâu, tác nghiệp thời sự nhưng vẫn thể hiện được độ "tĩnh" rất tốt. 

Tất nhiên, trong báo chí hiện nay thì việc bị câu thúc bởi thời gian và số lượng view... rất quan trọng, vì vậy một số tác giả trẻ bị "vội" trong cách thể hiện đề tài, họ chưa có "phản xạ ảnh" chưa tốt. Điều này có thể xuất phát vì kinh nghiệm chưa nhiều nên một số tác phẩm ảnh báo chí chưa có tạo hình ấn tượng. Các tác giả phải lưu ý rằng dù là ảnh báo chí, hay ảnh nghệ thuật thì ấn tượng về mặt thị giác là rất quan trọng.

Ông đánh giá như thế nào về các tác giả, phóng viên ảnh trẻ hiện nay?

- Phóng viên trẻ hiện nay có một thế mạnh lớn đó là nắm bắt kỹ thuật và công nghệ rất nhanh. Phóng viên trẻ học hỏi thêm không chỉ thông qua các lớp đào tạo về nhiếp ảnh báo chí, mà họ còn chịu khó trao đổi, chia sẻ được kinh nghiệm thông qua các diễn đàn về nhiếp ảnh báo chí trên mạng.

Cách tiếp cận của các tác giả trẻ hiện nay đối với nhiếp ảnh báo chí tôi nghĩ là rất tốt. Tuy nhiên, bên cạnh sức trẻ, xông xáo, táo bạo thì cần có một chút "đằm thắm", chiều sâu tư duy hơn nữa.

Nhiếp ảnh không chỉ thể hiện cái bên ngoài, mà còn phải nói lên được thông qua hình ảnh cái chiều sâu bên trong. Ví dụ như hình ảnh các bác sĩ chống dịch Covid-19, ngoài hành động bên ngoài cần phải thể hiện được tâm tư, tình cảm, nội tâm của họ. Đây là điều rất khó và đòi hỏi phải có tư duy chiều sâu, cũng như kinh nghiệm được đúc kết qua quá trình tác nghiệp.
Tác giả trẻ Ngô Nhung - Báo Người Lao động với tác phẩm “Hàng trăm "hố bom" trên con đường "đau khổ" né trạm BOT” đã lọt top 10 “Khoảnh khắc báo chí 2020” chia sẻ, anh cảm thấy rất vui vì những nỗ lực, cống hiến đã được đền đáp.
"Giải thưởng "Khoảnh khắc báo chí" được xem như "ngày hội" để những phóng viên ảnh như chúng tôi gặp mặt, trao đổi nghề nghiệp sau một năm cống hiến. Chúng tôi rất tin tưởng chất lượng của cuộc thi khi biết BTC mời đến những giám khảo uy tín, có chất lượng chuyên môn cao.
Thông qua cuộc thi này cũng giúp các tay máy trẻ vững vàng hơn về nghề. Để đứng vững là một phóng viên ảnh trong thời kỳ công nghệ số, mà nhà nhà, người người đều có thể dùng điện thoại để ghi lại khoảnh khắc thì không phải dễ dàng gì.

Đối với tôi "một bức ảnh bằng vạn lời nói" vì thế, mỗi lần cầm máy là mỗi lần tôi phải đắn đo, chụp như thế nào, chụp làm sao... để trong một bức ảnh phải nhiều thông tin nhất có thể. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí cũng tổ chức, bổ túc về chụp ảnh cho các phóng viên, từ đó cũng có nhiều phóng viên viết chụp ảnh rất tốt.
Đã là một phóng viên ảnh chuyên nghiệp trong thời điểm này, tôi cần tạo ra hiệu ứng riêng thông qua các góc chụp, thông tin mình đưa đến cho độc giả phải thật sự khác biệt. Từ đó, nhiều người chỉ cần nhìn ảnh và biết được người chụp là ai", tác giả trẻ Ngô Nhung chia sẻ với Dân Việt.

Theo Việt Phương/Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây