Nghề Báo cần lắm lửa say mê

Thứ ba - 26/10/2021 15:51
Quanh năm chạy theo dòng sự kiện, theo từng "nhịp thở" của cuộc sống, áp lực từ mọi phía... Có người hỏi rằng: “Nghề làm báo có gì vui mà phải dấn thân? - Vui chứ! Chính những áp lực trong công việc, mỗi ngày chạy theo dòng sự kiện, góp nhặt những thông tin để phản ánh từng hơi thở của cuộc sống đến đọc giả qua mỗi trang báo đã giúp những người làm báo luôn phải trau dồi kiến thức, đạo đức nghề nghiệp và làm mới mình. Câu chuyện vui, buồn mỗi ngày cánh Nhà báo được trải nghiệm, những “đứa con tinh thần” ra đời mỗi ngày giúp họ say mê hơn với nghề. 

Có lần tôi đến một trường học để tìm hiểu, viết bài về mô hình Thư viện xanh. Theo lịch hẹn với lãnh đạo nhà trường là 2 giờ chiều, nhưng tôi đến trường lúc hơn 12 giờ trưa. Trường học ở nông thôn nên đã lác đác có học sinh đến sớm. Trong không gian của thư viện được trang trí rất đẹp, tôi nói với các em học sinh về tài nguyên tri thức trong mỗi cuốn sách, cách đọc sách... Các em học sinh tập trung vào thư viên mỗi lúc một đông, em nào cũng háo hức trước mỗi điều hay trong cuốn sách mà tôi giới thiệu; hiểu thêm về ý nghĩa truyền động lực mà mỗi cuốn sách mang lại. Và trong cuộc trò chuyện ấy, nhiều em nói lên suy nghĩ của mình về những hạn chế của phong trào đọc sách, hoạt động của thư viện nhà trường.
111
Sau cuộc trò chuyện đó của tôi, chính cán bộ thư viện và giáo viên nhà trường đã rút được kinh nghiệm để thư viện thực sự là nơi gieo mầm xanh tri thức, khát vọng làm chủ cuộc đời bằng tri thức trong mỗi thế hệ học trò.

Một kỷ niệm khác, khi tôi đến gặp một nữ du kích Hoàng Ngân trong kháng chiến chống Pháp, nữ thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Cuộc trò chuyện của tôi với người phụ nữ từng đi qua 2 cuộc chiến tranh ấy lại làm cho con cháu của cụ có nhiều cung bậc cảm xúc. Từ bất ngờ về quá khứ của bà, của mẹ mình, đến đau buồn trước những mất mát, đau thương khi những người thân của họ lần lượt ra đi dưới làn mưa bon bão đạn của quân thù... và đến cảm xúc tự hào về bề dầy thành tích, đóng góp của bà - một người phụ nữ nhỏ bé, nhưng gan dạ, kiên cường... Cháu ngoại của bà thốt lên: Nếu không có cuộc trò chuyện này thì chúng em chẳng bao giờ biết bà có một thời thanh xuân đáng tự hào đến thế...

Thế mới nói, nghề báo là nghề của những chuyến đi, nghề của “những đôi chân không mỏi”. Bất luận xa gần, mỗi chuyến đi đều cho người làm báo những trải nghiệm đáng quý.

Vui là vậy, nhưng cũng mấy ai biết, để có một tác phẩm báo chí từ ý tưởng đến khi được đăng tải trên mặt báo là cả một hành trình vất vả. Để có một tác phẩm báo chí, phóng viên phải đi đến nơi diễn ra sự việc, nắm bắt tình hình, ghi chép thông tin, ghi âm, quay phim, chụp ảnh… sau đó hệ thống lại thành tác phẩm. Có ngày đi hàng trăm cây số để tiếp cận thông tin, khi có đủ thông tin rồi, dù mệt mỏi vẫn phải thức đêm để hoàn thành tin, bài cho kịp.

Không phải lúc nào phóng viên đi thực tế cũng thuận lợi, lắm khi đường sá xa xôi, đến nơi rồi chưa có thông tin ngay được, bởi người biết thông tin đi vắng hoặc ngại cung cấp thông tin. Có những tác phẩm phải đi lại, làm việc rất nhiều lần. Hay như dự hội nghị, phóng viên phải thực hiện một chuỗi công việc: Theo dõi tiến trình hội nghị, ghi chép, nghiên cứu tài liệu, chụp ảnh… Kết thúc hội nghị, đại biểu về nghỉ ngơi, thì phóng viên mới “căng não” hoàn thiện tác phẩm để gửi về tòa soạn.        

Làm báo là nghề luôn tiếp thu cái mới, sáng tạo và đổi mới liên tục theo nhu cầu và phù hợp với sự phát triển của xã hội.  Vậy nên đòi hỏi người làm báo phải thường xuyên tự học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, nâng cao trình độ và kỹ năng tác nghiệp. Mặt khác, ngoài chuyên môn báo chí, người làm báo còn phải hiểu ngành, lĩnh vực mình muốn tìm hiểu, khai thác thông tin để viết tin, bài...

Trong một số trường hợp, nghề báo khá nguy hiểm, đặc biệt với phóng viên chuyên thực hiện những phóng sự điều tra… Với tính chất nghề nghiệp của mình, nhà báo không ít lần gặp phải những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không được cung cấp thông tin, bị thu đối tượng bị điều tra thu giữ hoặc cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người,  tấn công, đe dọa người thân… Trên bước đường đầy gian khó  ấy, một số nhà báo không đủ đam mê và bản lĩnh nên đã gục ngã.

Nghề báo không chỉ đòi hỏi khả năng phát hiện thông tin, nhanh nhạy trong tiếp nhận và xử lý thông tin; lĩnh hội và sử dụng ngôn ngữ để truyền tải thông tin, vấn đề một cách sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu; khả năng giao tiếp và tạo dựng mối quan hệ; trung thực, yêu nghề, khách quan, nhạy cảm, có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng mà còn phải luôn có lửa đam mê.

Nghề phóng viên không hào hoa, đẹp đẽ như những tờ báo phát hành mỗi ngày, không lung linh như mỗi chương trình truyền hình được lên sóng và cũng chẳng có thảm đỏ dưới mỗi bước chân. Đó là cả một sự nỗ lực, phấn đấu bằng công sức, trí tuệ, thậm chí nước mắt. Không say mê, phóng viên chẳng trụ vững được với nghề

 
Lệ Thu
Chi hội Báo Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây