Phóng viên Nguyễn Kế, lớp báo ảnh K38, Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: Mặc dù dịch bệnh để lại rất nhiều hậu quả và khó khăn, nhưng với tình yêu nghề, khát vọng tuổi trẻ và khao khao cống hiến cho độc giả, cho quê hương tôi vẫn luôn tích cực, kiên trì tác nghiệp tìm những đề tài hay, ý nghĩa để cống hiến và phục vụ độc giả.
Tác nghiệp mùa dịch thực ra cũng gặp đôi chút khó khăn như khó tiếp cận với nhân vật vì tâm lý dè chừng khi dịch bệnh phức tạp, khó phỏng vấn trực tiếp nhân vật nên không nắm bắt được tâm lý của họ do dịch bệnh. Hầu hết là phải phỏng vấn online qua điện thoại. Nhưng điều đó cũng không ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung.
Suốt thời gian trong tâm dịch Bắc Giang điều làm tôi ghi nhớ nhất có lẽ là hình ảnh những ngày tháng 5 đỏ lửa khi đó quê hương Bắc Giang tôi đang bị dịch covid hoành hành. Rất nhiều công nhân ở các tỉnh bị mắc kẹt lại nơi tâm dịch và rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nhưng bằng tấm lòng tương thân ương ái, thương người như thể thương thân người dân quê tôi đã đùm bọc và sẻ chia cùng nhau vượt qua đại dịch.
Điều mà tôi nhớ nhất và xúc động nhất có lẽ là hình ảnh người dân huyện Việt Yên mổ lợn để chia cho công nhân khó khăn mắc kẹt thiếu thực phẩm, san sẻ cho nhau mớ rau, gói mì cùng nhau vượt qua khó khăn. Các mạnh thường quân, người dân trên cả nước đồng tâm hiệp lực hướng về Bắc Giang, ủng hộ và đồng hành cùng nhân dân Bắc Giang chống dịch trong đó có những nhà báo, y bác sĩ.
Qua lần tác nghiệp đó tôi hiểu rằng làm báo không hề đơn giản, mỗi chuyến tác nghiệp là phải nắm bắt được tình hình, bắt trọn được từng khoảnh khắc của sự việc và nhân vật để có thể có những tác phẩm hay và chất lượng nhận được sự ủng hộ đến từ độc giả.
2. Hồng Thúy, sinh viên chuyên ngành báo mạng điện tử (chất lượng cao) Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: Tôi thấy rằng ngoài học từ các bài giảng của thầy cô, mỗi phóng viên trẻ cần đi thực tế để có nhiều kinh nghiệm, từ định hướng đề tài, cách viết, lối hành văn hay đơn giản là tiếp cận thông tin từ nhân vật.
Có lần tôi phỏng vấn nhân vật, khi giới thiệu là sinh viên, chưa có thẻ nhà báo thì người thân của nhân vật bày tỏ không muốn cho mình phỏng vấn (dù hẹn trước) cho rằng là sinh viên viết xong sẽ không được đăng làm mất thời gian của họ. Xong tôi vẫn cố gắng thuyết phục, “chai mặt”, cố gắng hỏi thêm thông tin và ghi lại hình ảnh cho bài viết. Hoàn thiện bài viết để đăng tải trong ngày. Ở đây tôi không trách ai cả, tôi nghĩ mỗi khó khăn phát sinh sẽ là thử thách tôi phải vượt qua và càng cho tôi động lực để cố gắng và quyết tâm hơn vì nghề báo còn nhiều chông gai còn ở phía trước.
Trong khi dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương, phóng viên trẻ như chúng tôi chỉ có thể khai thác đề tài ở địa bàn mình sinh sống. Tìm kiếm đề tài qua các thông tin đăng trên mạng xã hội cũng không thể đến tận nơi, chỉ có thể liên hệ với nhân vật qua điện thoại. Mọi tư liệu hình ảnh do nhân vật cung cấp.
Tôi nhớ có lần tác nghiệp về đề tài hái măng rừng, ở bản Mỹ Á (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bản của người dân tộc Mông, họ thật thà, nhiệt tình, chịu khó, mến khách. Trẻ em không có quần áo ấm mặc, sóng điện thoại cũng không có, ăn không đủ no. Khi tôi chia kẹo cho các bé thì ai cũng rất vui sướng như nhận được món quà gì đó to lắm… Khi tôi thấy lũ trẻ không đeo khẩu trang mặc dù tình hình dịch ở Phú Thọ đang căng thẳng, tôi có hỏi thì chúng bảo có 1 chiếc nhưng bố mang đi làm nương rồi… lúc đó tôi hơi nghẹn lại, đó là những cảm xúc tôi không bao giờ quên.
Tôi nghĩ với mỗi phóng viên mới vào nghề, điều quan trọng là không được nản chí trong mọi hoàn cảnh. Hãy động viên bản thân rằng bài thứ nhất, thứ hai, thứ ba…, không được đăng, nhưng đến bài thứ chín, thứ mười nhất định sẽ phải có chuyển biến. Tuy nhiên đang ngồi trên ghế nhà trường, vẫn phải cân bằng giữa việc học ở trên lớp với việc tác nghiệp, để sau này khi ra trường cơ hội theo nghề báo sẽ rộng mở hơn, để tiếp tục đi xa hơn trên con đường vinh quang không trải hoa hồng.
3. Ai cũng hiểu rằng làm báo là nghề vất vả, thậm chí có khi cũng gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng đối với những phóng viên trẻ đó là thử thách thú vị mà họ rèn luyện được cho mình những kỹ năng, bản lĩnh mà họ có thể sử dụng cho cả hành trình sau này. Sau mỗi chuyến đi, mỗi cuộc phỏng vấn, mỗi tin bài họ được mở mang tầm mắt, vốn kiến thức của mình về mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Nói về những bài học rút ra từ những lần tác nghiệp, phóng viên Hồng Thúy chia sẻ: “Một số nhân vật khi mình gặp gỡ họ, tôi phải thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống, cách học tập và hướng đi cho tương lai. Và sau mỗi lần tác nghiệp, mình dần hình thành các quy tắc làm việc theo hướng tích cực hơn. Đơn giản như không lan man khi viết bài, viết sao cho ngắn gọn, hấp dẫn, logic, nội dung bao hàm đầy đủ thông tin chi tiết. Ngoài ra, mình học được các kỹ năng mềm như: giao tiếp gây thiện cảm, phỏng vấn, chụp ảnh, quay phim…”
Nghề báo là nghề cao quý nhưng vô cùng gian khổ, nhiều phóng viên trẻ luôn coi khó khăn đó như một người bạn, nó tạo ra những thử thách, những giới hạn về sức chịu đựng và nhờ đó họ lại càng mạnh mẽ hơn. Vì sâu bên trong đó không chỉ là sức trẻ, là tinh thần “đâu cần thanh niên có” mà hơn hết là lòng yêu nghề, yêu những chuyến đi và say đắm với những con chữ.
Với họ, mọi vất vả, khó khăn, gian khổ sẽ tan biến khi những bài báo, những hình ảnh họ ghi nhận được đăng tải trên mặt báo. Và sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi bài báo trang viết đó được độc giả đón nhận, cảm nhận được từng giọt mồ hôi của các bạn trẻ trên trang giấy.
Phóng viên trẻ tác nghiệp sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, thậm chí là sai lầm, không ai trách những sai lầm đó, khi họ biết lắng nghe những lời góp ý của thế hệ người làm báo đi trước. Tự rút kinh nghiệm cho bản thân trong cách nhìn nhận, triển khai vấn đề và cách viết cho phù hợp.
Theo Vũ Phong/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên