Kỹ năng quan sát của phóng viên

Thứ tư - 01/12/2021 17:24
Cùng một sự kiện xảy ra, có nhiều phóng viên viết không nổi mấy trăm từ, ngược lại gặp phóng viên có con mắt quan sát tốt tại hiện trường, viết được bài tường thuật phóng sự 2.000 từ, thậm chí phát triển lên thành loạt bài mấy kỳ. Quan sát kỹ lưỡng là cách lấy thông tin trực tiếp hiệu quả và hấp dẫn nhất, đầy ắp những câu chuyện ly kỳ, chi tiết đắt giá - linh hồn của báo chí.
111
Nhà báo Hải Luận
“Điểu khiển” mọi cảm xúc
Một số đồng nghiệp vượt cả ngàn km lên biên giới, vùng dân cư khắc nghiệt nhất, “vùng mới” mà họ không “viết bằng mắt” - quan sát thật kỹ ở hiện trường. Thay vào đó cứ chỉ xin những bản báo cáo năm của các đơn vị và địa phương, với đây số liệu rối rắm, nhìn vào rối cả não, chứ đừng nói “đội chế” ra bài báo hay.

Kỹ năng quan sát là sự hiển nhiên của phóng viên, cần tập trung cao độ quan sát tại hiện trường bằng cả trái tim và khối óc của mình, chắc chắn sẽ ra những chi tiết hay, đề tài độc lạ. Tôi nhớ cuối năm 2002, lên biên giới Hà Giang viết bài phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam — Trung Quốc, trời gần tối rét buốt, ghé vào lán của bộ đội công binh rà phá bom, mìn ở biên giới. Quan sát kỹ từng công cụ của lính công binh, những tấm phản “trần” bộ đội nằm ngủ, ra bếp mở mấy cái nôi xem họ ăn gì, thấy chỉ có cá khô kho nước. Nhìn phía ngoài thấy có 3 con ngan, 1 con heo đang vây quanh hàng rào bằng đá, bộ đội không có đủ nước để làm thịt ngan. Liếc nhìn thấy tiếp hố nhỏ trải bạt hứng sương ban đêm để lấy ít nước mài dụng cụ phân giới, cắm mốc. Tôi nói với chỉ huy đội công binh cho bộ đội ăn tối, mục đích để tôi tiếp tục quan sát thật kỹ mọi thứ đang diễn ra trong cái lán nhỏ, với 9 quân nhân.

Toàn bộ những gì tôi quan sát thấy tại hiện trường, chưa cần sử dụng đến “vũ khí” Vì sao? Tại sao? Cũng không cần xin báo cáo của ai, đủ viết một bài báo, với đầy ắp hình ảnh xúc động lòng người. Lần đó tôi viết phóng sự 3 kỳ, 70% nội dung trong bài viết do tôi quan sát  tại hiện trường biên giới, 30% hỏi thêm chuyện.

Quan sát kỹ sẽ “mở đường” cho phóng viên đặt câu hỏi hay, chắc chắn nó sẽ lần lượt bung ra nhiều câu chuyện, chi tiết đắt giá. Mắt quan sát - tai lắng nghe - miệng đặt câu hỏi - đầu hệ thống lại, chắp nối, liên kết các thông tin cho logic, coi như “viết bài” trong đầu. Làm bằng cách này, rút ngắn thời gian tìm kiếm thông tin, soát xét xem thừa - thiếu ở chỗ nào, để bổ sung thông tin, chi tiết cho hoàn chỉnh bài viết.

Điều quan trọng, trong mọi tình huống quan sát - hỏi chuyện, phóng viên cần có cảm xúc cao độ, không có cảm xúc dạt dào trước mọi hình ảnh nhìn thấy, khó truyền cảm hứng cho nhân vật kể ra những ẩn khuất. Đỉnh cao của chuyện, chi tiết hay được nói từ cảm xúc dâng trào. Vì vậy, phóng viên đặt câu hỏi cần “chạm” đến trái tim của nhân vật, lúc đó họ mới nói ra những lời ruột gan. Đây là mạch chính của báo chí mà bạn đọc, tổng biên tập mong đợi nhất. Trong mọi hoàn cảnh phóng viên luôn chủ động “điều khiển” mọi cảm xúc quan sát và hỏi chuyện.

Phóng viên nên tránh kiểu lấy tài liệu hời hợt, giống như “chuồn chuồn đáp nước” hỏi người này một chút, quay qua hỏi người khác qua loa vài câu, bỏ đi sang chỗ khác hỏi nhấp nhấp thông tin bên ngoài. Mỗi lần tôi đi công tác xa, “một lần đi, một lần khó”, khi nắm bắt được đề tài hay, tập trung, tập trung, tập trung “nghiền nát” những câu chuyện, chi tiết. Xác định được điểm chốt của vấn đề và gặp người “thiệt ăn thiệt làm” lập tức “chụp cắt lớp” từng mảng mỏng để tìm chi tiết, cốt chuyện. Ban đầu chưa vội mở rộng địa bàn, nhân chứng tìm kiếm thông tin, hãy quần đảo từng “vùng nhỏ”, tránh tình trạng bị “loãng” và bỏ sót thông tin cần thiết.

Kể câu chuyện bằng ảnh


Nhà báo nên tự rèn luyện để thuận cả “hai tay”, viết phóng sự và thực hiện phóng sự ảnh. Gặp đề tài hấp dẫn, tận dụng tối đa tầm quan sát tại hiện trường của mình để thực hiện “kép” cả viết và ảnh. Phóng sự ảnh là kể câu chuyện bằng ảnh, cùng một đề tài nhưng hai nội dung báo chí khác nhau. Nếu báo của bạn sử dụng phóng sự viết, thì “làm thêm” gửi phóng sự ảnh cộng tác cho tờ báo khác.
111
Nhà báo Hải Luận (bên phải) trong một chuyến tác nghiệp
Tận dụng tối đa đôi mắt quan sát của bạn, để thực hiện một bộ phóng sự ảnh đích thực. Theo kinh nghiệm của tôi, có mấy cách thực hiện: Thứ nhất, say sưa chụp nhiều ảnh, với nhiều nội dung khác nhau, không giới hạn số lượng ảnh đã chụp, chụp nhiều ảnh sẽ chọn ra được ảnh đẹp và hấp dẫn. Thứ hai, nên chụp ảnh không giàn dựng trước, máy ảnh luôn ở tư thế “đạn đã lên nòng” đưa lên là bắn ngay, sẽ bắt được những khoảnh khắc đắt giá. Thứ ba, luôn luôn quan sát mọi chuyển động của đề tài mình đang theo dõi và thực hiện (nhân vật đang nói chuyện hấp dẫn, công nhân lao động, lũ lụt, bão tố đang hoành hành, đón nguyên thủ quốc gia v.v..), dự báo trước hành động sẽ diễn ra tiếp theo để sẵn sàng “đón” ảnh. Thứ tư, phác thảo trình bày bản nháp cấu trúc trang ảnh trên tờ giấy, gồm có ảnh toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh (đặc tả), ảnh trục đứng...

Đối với phóng viên mới thực hiện phóng sự ảnh, bước trình bày bản nháp trên tờ giấy rất quan trọng, giúp định hình được toàn bộ nội dung câu chuyện bằng ảnh. Xem thừa - thiếu nội dung ảnh nào, tiếp tục thực hiện cho đầy đủ cấu trúc về câu chuyện bằng ảnh.

Chụp ảnh nhiều tại hiện trường, về nhà xem lại sẽ giúp bạn nhớ lại nhiều chi tiết, câu chuyện hơn. Nó giống như cuốn số ghi chép thứ 2 vô cùng quan trọng, hàng chục năm sau mở ra vẫn còn nhớ câu chuyện của nó diễn ra như thế nào. Năm 2006, tôi viết loạt phóng sự 4 kỳ về lính biên phòng tỉnh Quảng Bình làm lúa nước giúp dân ở biên giới, đăng trên báo Biên phòng. Cũng đề tài này, tôi gửi bộ ảnh “Lính lúa nước” cho báo Tuổi Trẻ, đăng 2 trang màu liền nhau. Hãy tận dụng tối đa công sức lao động khổ cực của phóng viên. 
 
Hải Luận
Tạp chí Người làm báo Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây