Chi tiết "đắt" cho một phóng sự truyền hình

Thứ ba - 26/10/2021 16:02
Một khung hình cận hoặc đặc tả hoặc nguyên vẹn một âm thanh từ cuộc sống, một trạng thái cảm xúc của nhân vật... tất cả đều có thể trở thành những chi tiết đắt giá cho một phóng sự truyền hình. Phát hiện được chi tiết hay để đưa vào phóng sự giống như việc vẽ thành công đôi mắt có hồn trong bức tranh chân dung. Nó sẽ là điểm hút người xem, đôi khi “hút”đến mức ám ảnh và khiến họ nhớ mãi không thôi.
111
Tác nghiệp truyền hình (Ảnh ST internet)
Tôi vẫn nhớ bài học về chi tiết trong tác phẩm báo chí truyền hình khi còn ngồi trên ghế giảng đường của Học viện Báo chí và tuyên truyền.: “Chi tiết là bộ phận nhỏ nhất nhưng có vai trò quan trọng cấu thành tác phẩm báo chí. Mỗi chi tiết đều chứa đựng những giá trị thông tin phản ánh về sự kiện, vấn đề và quan điểm, tư tưởng của nhà báo”. Mang những ý nghĩa quan trọng như vậy nên việc phát hiện và đưa chi tiết đắt vào tác phẩm là điều khiến các nhà báo rất quan tâm, tốn nhiều công sức tìm hiểu. Thế nhưng cũng có khi chi tiết vô tình xuất hiện, nhà báo có nắm bắt nhanh để chuyển tải thành công hay không lại phụ thuộc vào sự tinh nhạy trong tác nghiệp của mỗi người.

Để có chi tiết tốt thì không gì quan trọng bằng việc phải tiếp cận đề tài theo nhiều hình thức, bám sát hiện thực cuộc sống, tiếp cận nhiều với các nhân vật liên quan đến đề tài, khai thác thông tin theo nhiều kênh khác nhau. Chỉ bằng các cách đó thì mới có khả năng tìm được những chi tiết thú vị. Khi tôi thực hiện phóng sự “ Fago 4.0 cho nông dân bứt phá” viết về 1 nhóm thanh niên sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ để giúp bà con nông dân chăn nuôi an toàn, hiệu quả và tiện ích hơn thì việc tôi dành thời gian nhiều nhất là tiếp xúc với trưởng nhóm là anh Phạm Hồng Sơn, một thanh niên ở thành phố Hưng Yên. Tiếp xúc để tìm hiểu xem vì sao một người đã từng làm đến giám đốc một phòng giao dịch ngân hàng lại có thể bỏ tất cả để làm lại từ đầu với nông nghiệp.  Khi những câu chuyện dần thân quen hơn thì anh Sơn mới tâm sự mọi thứ xuất phát từ việc một khách hàng của ngân hàng anh, một người nông dân đã phải tự tử vì khủng hoảng trong chăn nuôi. Câu chuyện đó và cảm xúc khi anh Sơn kể lại đã trở thành một chi tiết mở đầu cho phóng sự của tôi, một câu chuyện ấn tượng và ám ảnh.

Các chi tiết cũng có thể chỉ là tiếng động hiện trường nhưng khá đắt giá, tăng tính chân thực và sống động cho tác phẩm. Khi thực hiện phóng sự về ông Nguyễn Trung Chắt, Giám đốc Trung tâm hy vọng Tiên Cầu, người đã nhận nuôi rất nhiều trẻ mồ côi, trong đó có những em bé được nhận nuôi từ khi mới được sinh ra. Để mở đầu phóng sự , tôi cũng đã lựa chọn chi tiết đó là không gian bệnh viện và tiếng khóc trẻ em. Từ đó sắp xếp phóng sự theo mạch câu chuyện về cuộc đời của em bé đó từ khi được nhận nuôi đến nay. Trong đó, tôi đã lựa chọn rất nhiều chi tiết là các tiếng động hiện trường: tiếng em bé bi bô tập gọi “bố”, tiếng nựng con của ông Chắt, tiếng cười của em bé trong sinh nhật được tổ chức tại trung tâm, tiếng các em tập thể dục buổi sáng sớm, tiếng ông Chắt dậy những đứa trẻ đi tất cẩn thận…Tất cả góp phần làm cho phóng sự gần gũi và sống động hơn.

Số lượng các chi tiết sẽ phụ thuộc vào sự tinh ý phát hiện của mỗi phóng viên. Và điều quan trọng nữa là phải kết nối các chi tiết làm sao cho thật khéo léo để tạo ra mạch cho phóng sự. Khi thực hiện quá trình hậu kỳ, phóng viên lại phải theo sát lại các dữ liệu, xem lại hình ảnh, lắng nghe thật kỹ các phỏng vấn, có sự đối chiếu thông tin nhiều nguồn khác nhau để kết nối lại các chi tiết thành mạch xuyên suốt. Từ đó đôi khi lại ngẫu nhiên phát hiện thêm được các chi tiết đắt giá mà qua sự sắp xếp khéo léo của phóng viên lại thành điểm nhấn cho phóng sự. Khi đó có thể thay đổi cấu trúc của phóng sự khác so với dự kiến ban đầu.

Mở đầu bằng chi tiết đắt giá và chọn được chi tiết ấn tượng để kết thúc phóng sự sẽ là sự thành công rất lớn cho tác phẩm, để lại điểm nhấn trong lòng khán giả.

 
 Ngọc Oanh
Chi hội Đài PT&TH Hưng Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây