Những năm qua, Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, hệ thống truyền thanh huyện thị thành phố, xã phường và một số trang thông tin điện tử đã thường xuyên tuyên truyền, phản ánh về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ta. Đài Hưng Yên đã giành 3 giải Báo chí Quốc gia và 1 Huy chương Vàng tại Liên hoan Phát thanh về đề tài bảo vệ môi trường sống. Báo Hưng Yên cũng đã có một số nhà báo đoạt giải cao tại Giải Báo chí Nguyễn Văn Linh về đề tài này.
Tuyên truyền và phản ánh công tác bảo vệ môi trường là một chủ đề thường thấy trên báo chí. Báo chí đã và đang nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường sống, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề bức xúc của người dân cũng như tại diễn đàn Hội đồng Nhân dân tỉnh trong những kì họp gần đây. Không khó để nhận thấy: rác chất đống ở nhiều làng quê, nước thải ô nhiễm làm các dòng sông đen thối, rác và nước thải công nghiệp bủa vây nhiều khu dân cư, túi ni lông dường như càng được dùng nhiều hơn, tình trạng nhiều trang trại xả thẳng phân ra môi trường cũng không phải là hiếm... Vấn nạn về ô nhiễm môi trường dường như chưa có biện pháp khả thi, trong khi người dân đòi hỏi phải có môi trường sống trong lành, tránh cho cảnh người dân phải đóng cửa ngôi nhà của mình suốt ngày, hoặc phải bỏ nhà ra đi vì không chịu nổi mùi ú xuế...
Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, đề nghị các Ban Biên tập tiếp tục mở các chuyên mục nhằm thường xuyên tuyên truyền phản ánh công tác phòng chống ô nhiễm môi trường của tỉnh ta. Các hội viên nhà báo cũng cần tìm tòi, đổi mới nội dung phản ánh, để cùng với toàn dân tham gia bảo vệ môi trường sống. Các Ban Biên tập, cũng như mỗi hội viên cần lựa chọn chủ đề tuyên truyền cho trúng và đạt hiệu quả cao. Xin trao đổi một vài chủ đề tuyên truyền để các nhà báo tham khảo:
1. Chống việc người dân xả rác và nước thải ra xung quanh. Đây là công việc vô cùng khó khăn, Nhưng người dân xã Tam Đa huyện Phù Cừ và một số địa phương khác trong tỉnh đã chế biến rác thành phân hữu cơ. Việc làm này đạt 4 lợi ích: Giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm, giảm tiền mua phân hữu cơ, tăng được chất lượng nông sản, tăng được độ màu mỡ cho đất. Đây cũng là yêu cầu và là xu thế nông nghiệp của thế giới với tên gọi “nông nghiệp hữu cơ”,“nông nghiệp xanh”, “nông nghiệp bền vững”.
Nếu nhân dân khôi phục lại thói quen ủ phân hữu cơ tại các nhà vệ sinh gia đình, hoặc đưa vào các bể ngầm để biến thành khí đốt, thì môi trường sống sẽ trong lành hơn, các dòng sông sẽ hồi sinh trở lại!!!.
2. Chống việc các nhà máy xí nghiệp xả rác và nước thải công nghiệp ra xung quanh. Nếu không làm được việc này thì công cuộc bảo vệ môi trường cũng sẽ không thành công. Vì trên thực tế có không ít nhà máy vẫn tìm đủ mọi cách tuồn các chất ô nhiễm ra môi trường.
3. Chống việc dùng túi nilon và đồ dùng nhựa. Công việc này đã được các cấp phát động. Nhưng xem ra, túi nilon và đồ dùng nhựa lại được được dùng nhiều hơn.
4. Phản ánh các sáng kiến, việc làm, các quy định về bảo vệ môi trường sống, trong đó có việc xây dựng các nhà máy thu gom xử lý rác thải... Mục tiêu cao nhất và lý tưởng nhất là không để tình trạng rác và nước thải xả ra môi trường sống. Vì nếu để xả rác ra xung quanh, việc thu gom và xử lý sẽ vô cùng tốn kém. (Đầu tư một nhà máy xử lý rác thải cỡ vài chục tấn một ngày là tốn vài trăm tỷ, việc đốt một tấn rác chịu phí khoảng 500 ngàn đồng, rồi máy móc chạy vài ba năm dễ sinh trục trặc hỏng hóc... Một vấn đề khác là công nghệ đốt rác có đảm bảo tiêu chuẩn, hay là vẫn có những mối lo khi xây dựng một nhà máy chế biến rác...).
Do vậy, các nhà báo cần tuyên truyền để giảm thiểu tối đa việc đem rác và nước thải đổ ra môi trường. Được biết, mỗi ngày một huyện ít dân như Phù Cừ cùng thải ra khoảng 50 tấn rác, còn các huyện đông dân như Khoái Châu, Ân Thi, Yên Mĩ, mỗi ngày có từ 70 đến 90 tấn rác đổ ra môi trường. Với số lượng rác lớn như vậy, không thể có đủ các nhà máy đốt rác. Mà ở tỉnh ta thường xử lý rác thải bằng cách chôn lấp, hoặc đốt trực tiếp tai các bãi rác của làng xã. Cách làm lạc hậu này tiếp tục làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống.
Do đó, chủ đề tuyên truyền cần chú trọng cho việc xử lý rác tại chỗ, để chế biến thành phân bón cho cây trồng.
Mặt khác, cũng cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân của các nhà máy, doanh nghiệp cũng như của cán bộ nhân viên và của người dân khi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Công Đán