Đối với tôi, một trong những chuyến đi cảm xúc nhất trong năm vừa qua chính là hành trình đi đến thác Trô thuộc địa bàn thôn 1 (làng Kon Đó – Kon Đôi), xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy. Đây là chuyến tác nghiệp thực hiện đề tài “đột xuất”, tôi gần như hoàn toàn bị động.
Chuyện là lần đó, tôi được phân công viết bài cho chuyên mục “Đất và Người Kon Tum” số cuối tuần. Sau khi tìm kiếm đề tài, tôi đã quyết định khai thác đề tài về trang phục truyền thống của người dân tộc Thái tại huyện Đăk Hà.
Quá trình thực hiện đề tài diễn ra khá suôn sẻ, chỉ có điều, thời gian nhân vật hẹn phỏng vấn khá cận ngày với thời hạn nộp tác phẩm. Tuy nhiên tôi vẫn thống nhất lịch trình này, bởi nếu “làm luôn tay” thì vẫn kịp xoay xở hoàn thành tác phẩm đúng yêu cầu.
Chắc mẩm là thế, ấy vậy mà ngay đầu giờ sáng của ngày hẹn, tôi nhận được tin nhắn của nhân vật với thông báo bận đột xuất, không thể gặp phỏng vấn và lấy hình. Bị “leo cây”, không thể hoàn thành bài viết, tôi buộc phải tìm đề tài khác để “chữa cháy”.
Tút…Tút…Tút… - tôi gọi điện thoại cho anh A Nóc - cán bộ văn hóa xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) trong tâm thế trông chờ.
T đấy à, có chuyện gì không em?
Xã Đăk Kôi nay ngớt mưa chưa anh, liệu mình có thể tiếp tục chuyến đi dang dở lần trước đến thác Trô không?
Cũng ráo trời được vài ngày nay rồi đấy, khi nào em lên ?
Bây giờ anh nhé...
Sau cuộc gọi, tôi lập tức xuất phát đến thôn 1, xã Đăk Kôi cách thành phố Kon Tum khoảng một tiếng rưỡi chạy xe máy. Khi đến UBND xã, anh A Nóc đã đợi sẵn.
Men theo con đường đất nhỏ để đến thác Trô, được chừng 2km, chúng tôi gặp con sông Tea A Kôi rộng chừng 50m chắn ngang. Do ảnh hưởng từ cơn mưa 4 hôm trước, mực nước sông vẫn còn cao. A Nóc quen thuộc vùng này nên dẫn tôi lựa đoạn nông nhất để vượt sông, nhưng mực nước vẫn khoảng ngang bụng tôi, dòng chảy khá xiết.
A Nóc dò dẫm đi trước, tôi bám theo sau, hai tay giơ cao máy chụp hình và đồ nghề tác nghiệp để tránh vào nước. Mò mẫm dò từng bước chân, cuối cùng chúng tôi qua được bờ bên kia an toàn.
Tiếp tục băng qua những mô đất nhấp nhô với cỏ bông lau cao quá đầu người khoảng 2km, vượt thêm vài con suối nhỏ, tôi nghe được tiếng ầm ầm của thác nước. Giờ đây, chúng tôi phải nhảy từng bước trên những tảng đá cheo leo hướng đến chân thác Trô. Vừa di chuyển, chúng tôi phải chăm chú kỹ từng bước chân, để tránh bị trượt ngã trên những tảng đá rêu phong, trơn trượt.
Khi đến được với thác Trô, ngắm nhìn vẻ hùng vĩ của thác, cảm xúc trong tôi như vỡ òa. Đó không chỉ là niềm vui sướng khi mình đã đến được đích sau quãng đường khá vất vả, mà còn là cảm giác yên tâm, khi con thác này hoàn toàn có thể “trám” vào chuyên mục cho số cuối tuần. Trong niềm hân hoan đó, tôi nhanh chóng lấy máy móc tác nghiệp, ghi lại hình ảnh cần thiết cho bài viết của mình.
Sau chuyến leo thác mệt nhoài, chúng tôi nhanh chóng quay trở ra khi hoàng hoàng hôn đã buông xuống. Lội qua con sông Tea A Kôi, một lần nữa, chúng tôi lại ướt như “chuột lột”. Tuy nhiên, chưa thể nghỉ ngơi, tôi phải tiếp tục vô làng, phỏng vấn người dân để tác phẩm thêm sâu sát thực tế.
Hơn 7 giờ tối mới xong việc, sau lời cảm ơn tới A Nóc, choàng chiếc áo mưa lên trên bộ đồ ướt sũng để giảm bớt cái giá lạnh thấu da, tôi vượt hơn 50 cây số trở về nhà. Từ bài học thực tế, vừa đi tôi vừa tự nhủ: Từ nay phải luôn chuẩn bị sẵn đề tài “sơ cua”, không được để bị động thế này nữa.
Tất Thành/Người làm báo Kon Tum
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên