Năm 2022, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức được 126 lớp cho gần 4.000 lượt hội viên nhà báo ở cả 3 miền, có cả các địa phương ở xa trung tâm như: Cao Bằng, Điện Biên, Gia Lai, Cà Mau… Điều này thể hiện sự nỗ lực lớn của tập thể cán bộ Trung tâm, các giảng viên trong điều kiện tình hình dịch bệnh đầu năm 2022 vẫn diễn biến phức tạp. Những lớp học của Trung tâm ở các địa phương đã đáp ứng yêu cầu thiết thực của địa phương nên đều được sự quan tâm và hỗ trợ từ phía lãnh đạo Hội Nhà báo địa phương các cơ quan báo chí, do vậy việc triển khai tổ chức cũng thuận lợi hơn, thành công hơn.
Theo đó, trong năm 2022, đời sống dần phục hồi sau đại dịch, Trung tâm đã tổ chức kết hợp hình thức học trực tuyến (tại những địa phương bị ảnh hưởng nhiều của dịch COVID-19) và học trực tiếp trong 4 tháng đầu năm. Bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, Trung tâm đã tổ chức các lớp học trực tiếp tại các địa phương trong nước. Riêng với những lớp có yếu tố nước ngoài Trung tâm vẫn kết hợp tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến.
Các khóa học do Trung tâm tổ chức vẫn chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính, gồm: kỹ năng cho các loại hình báo chí; chuyên đề, chuyên sâu và hội thảo. Trong đó tổ chức các lớp học có chủ đề mới để bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, báo chí dữ liệu, sản xuất long-form cho báo điện tử, tòa soạn hội tụ, ngăn chặn tin tức giả, SEO cho báo điện tử…
Bên cạnh đó, chú trọng vào việc bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà báo về mảng tiếp cận và khai thác thông tin trong thời đại kỹ thuật số, hợp tác khu vực, Xây dựng Đảng… Nhìn chung nội dung các lớp học đền dựa trên việc nắm bắt nhu cầu của nhiều cơ quan báo chí là muốn cập nhật thông tin liên tục, gắn với chuyển đổi số trong báo chí.
Nhà báo Trần Thanh Hải - Trưởng phòng phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phía Nam chia sẻ: Trong năm qua khu vực phía Nam đã tổ chức được 25 lớp đào tạo, số lượng học viên tham gia cao hơn các năm trước, việc đào tạo được tổ chức thường xuyên, chất lượng bài giảng được chuẩn bị chu đáo, sau mỗi lớp học học viên đánh giá cao. Nhiều chủ đề sát với đời sống tác nghiệp của phóng viên, thiết thực với đời sống báo chí của mỗi tòa soạn, nhất là chủ đề về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ số vào sản xuất tin bài, làm phóng sự điều tra…
“Từ việc đổi mới nội dung các lớp học nên mỗi dịp khai giảng đều nhận được sự quan tâm của các cơ quan báo chí, các Chi hội và hội viên. Đối tượng được cử đi học phù hợp với nội dung chương trình của khóa học. Trước mỗi khóa học chúng tôi đều lấy ý kiến tham khảo của các học viên, hội viên, xem họ mong muốn học tập ở nội dung gì… Tất cả việc này đều được tổng hợp để mỗi giờ học có nội dung sát với yêu cầu thực tế của các tòa soạn ở các cơ quan báo chí”, anh Trần Thanh Hải chia sẻ thêm.
Trong năm 2022, Trung tâm vẫn kết hợp hình thức giảng dạy trực tiếp với trực tuyến và bất kể là hình thức trực tiếp hay trực tuyến, các lớp học do Trung tâm tổ chức đều được chuẩn bị chu đáo từ khâu lên chủ đề, mời giảng viên, học viên phù hợp với chủ đề của từng lớp. Trung tâm cũng đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo địa phương về khâu hậu cần và hướng dẫn các học viên làm quen với hình thức học mới.
Trong năm 2022, Trung tâm đã tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức 9 lớp học cho các hội viên, nhà báo, đồng thời tổ chức được 02 khóa học “Đào tạo giảng viên” cho 17 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí ở Hà Nội nhằm củng cố và bổ sung thêm các giảng viên là những nhà báo trẻ, vững tay nghề và am hiểu công nghệ, đang công tác tại các cơ quan báo chí trở thành lực lượng giảng viên cho Trung tâm. Đội ngũ giảng viên mới được Trung tâm chú trọng nhiều vào lĩnh vực chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí - đáp ứng được nhu cầu hội viên và của các cơ quan báo chí.
Trung tâm cũng chú trọng vào việc cập nhật trang web nhằm thông báo kịp thời kế hoạch các lớp học theo từng tháng để các Hội Nhà báo địa phương, các cơ quan báo chí và hội viên - nhà báo trên cả nước biết và đăng ký tham gia. Duy trì xây dựng thư viện bài giảng online, đồng thời chuyển tải lên trang mạng của Trung tâm những bài viết của các chuyên gia, nhà báo về báo chí hiện đại nhằm giúp các nhà báo trẻ, các sinh viên báo chí có thể cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới.
Bên cạnh đó, trang fanpage riêng cho website được đầu tư hơn tạo nên một diễn đàn - nơi các học viên, nhà báo có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và nghiệp vụ. Với mỗi một lớp học diễn ra, các cán bộ phụ trách tổ chức lớp học của Trung tâm đều lập trang mạng xã hội để góp phần kết nối các học viên.
Thực tế cho thấy những năm gần đây, khi cả thế giới trong đó có Việt Nam bước vào thời đại công nghệ số, cả nước thực hiện chuyển đổi số, công nghệ thông tin, truyền thông liên tục đổi mới và phát triển trên nền tảng số thì nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho các nhà báo càng lớn. Rất nhiều cơ quan báo chí đã chủ động cử phóng viên tham dự các khoá học về chuyển đổi số do Trung tâm tổ chức hoặc chủ động đề nghị tổ chức riêng khoá bồi dưỡng về chủ đề này cho cơ quan mình. Việc đào tạo và đào tạo liên tục sẽ giúp lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý số, tổ chức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trên nền tảng số.
Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Nguyễn Thị Hải Vân cho biết: Để mỗi cơ quan báo, tạp chí thành công trong công cuộc chuyển đổi số cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thì công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo cho hội viên nhà báo cũng rất quan trọng, bởi con người là yếu tố quan trọng nhất.
Đối với đội ngũ phóng viên, việc bồi dưỡng cũng cần bắt đầu từ đổi mới tư duy cho họ, giúp họ nhận thức đầy đủ yêu cầu đặt ra đối với người làm báo trong quá trình chuyển đổi số, tiếp đó giúp họ nâng cao khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số, hiểu sâu về nhu cầu của công chúng báo chí và cách thức tiếp cận với công chúng trong thời đại số.
Theo Lê Tâm/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên