Làm việc ở một cơ quan báo tỉnh, nhất là với một tỉnh có diện tích nhỏ, địa hình bằng phẳng như tỉnh Hưng Yên, thì những chuyến đi công tác xa, dài ngày đối với phóng viên rất hiếm. Bởi vậy, mỗi chuyến đi công tác ở tỉnh ngoài là niềm vinh dự, niềm vui không chỉ bởi được tác nghiệp ở một điều kiện, môi trường mới, mà còn là những trải nghiệm, cơ hội được góp nhặt thêm nhiều thông tin, hình ảnh mới. Sau gần 20 năm làm Báo, với riêng tôi, mỗi chuyến đi công tác ấy cho tôi thêm những cảm nhận về vẻ đẹp của đất nước, thêm yêu những con người quả cảm trong thời chiến, dung dị giữa thời bình và thêm tự hào về nét văn hóa độc đáo ở nhiều miền quê khác nhau trên dải đất hình chữ S.
Tôi từng làm việc ở phòng Phóng viên Kinh tế. Mỗi chuyến đi công tác với tôi thường là sự hối hả, gấp gáp như chính cái nội tại năng động, hội nhập của hai từ Kinh tế. Nhưng khi sang phòng phóng viên Chính trị - Xã hội, những chuyến đi lại cho tôi những cảm xúc lắng đọng, sâu sắc.
Tôi nhớ, chuyến đi công tác ngoại tỉnh đầu tiên của tôi là thành phố Hải Phòng - một thành phố sôi động, khác hẳn với không khí bình yên, chậm rãi của thị xã Hưng Yên - nơi tôi sống và công tác. Ngày ấy, ngành Công nghiệp của tỉnh tham gia Triển lãm, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn. Chỉ với 1 chuyến đi cùng với lãnh đạo ngành, các nghệ nhân, người thợ - “tác giả” của những sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mà tôi hiểu được lịch sử hình thành, phát triển của từng làng nghề, giá trị văn hóa, kinh tế, thế mạnh, cơ hội cạnh tranh của từng sản phẩm công nghiệp nông thôn mà trong gần hai năm trước đó tôi được phân công “theo dõi” ngành không có được. Không những thế, cùng sản phẩm “Hưng Yên” ra biển lớn, tôi còn nhìn thấy Hưng Yên đang đứng ở đâu trên “bản đồ” sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề của cả nước và có những bài viết khách quan hơn về ngành, lĩnh vực mình được phân công tuyên truyền.
Chuyến công tác cùng đoàn lãnh đạo, cán bộ của tỉnh thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia, di tích lịch sử gắn liền với cuộc đấu giải phóng dân tộc và tặng quà đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở các tỉnh miền Trung. Để đến được Nghĩa trang quốc tế Việt Lào ở huyện Anh Sơn, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn (Nghệ An), Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trong điều kiện trời mưa tầm tã; đoàn công tác phải vượt qua đoạn đường đèo nguy hiểm và cả những điểm sạt núi, ngập đường, cả đoàn phải đi vòng lối khác xa thêm vài chục cây số đường rừng... Suốt những chặng đường ấy, tôi ngồi hàng ghế đầu, đôi lúc cảm nhận rõ sự nguy hiểm cận kề. Nhưng đổi lại, tôi vừa được nhìn rõ hơn vẻ đẹp hùng vĩ của đất nước, vừa bác lái xe kể cho nghe những câu chuyện gắn liền với những con đường, những địa danh mà đoàn chúng tôi đi qua.
Hay như chuyến đi công tác đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Vượt qua chặng đường đầy nguy hiểm, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, nhưng khi đứng giữa cao nguyên đá với ngát xanh là cây rừng và mây trời, chứng kiến lời thề của những người lính Vị Xuyên "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử" được khắc bia trên Điểm cao 468, được nghe kể về những người lính và Nhân dân Vị Xuyên đấu tranh quả cảm để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, những người con ưu tú của đất nước mãi mãi nằm lại với đất mẹ để mang lại sự bình yên cho cuộc sống hôm nay… Cảm xúc của tôi chẳng nói được thành lời.
Sau những chuyến đi ấy, hành trang tôi mang về là những khám phá văn hóa, lịch sử, là những sự khó khăn, là tinh thần vượt khó của người dân vùng “rốn” bão, là những khát vọng vươn lên của Nhân dân ở vùng đất một thời hoa lửa... Cũng chính những trải nhiệm ấy giúp tôi có thêm nghị lực, quyết tâm khắc phục những khó khăn trong tác nghiệp.
Là phóng viên nữ được cơ quan giao đi theo đoàn công tác, vừa phải viết tin, vừa chụp ảnh; cả ngày đi theo đoàn dù trời mưa hay nắng, khi mọi người trong đoàn nghỉ ngơi, ăn uống sau một chặng đường dài thì tôi cùng anh em phóng viên khác phải “ôm” máy tính ngồi làm việc để kịp thời đưa thông tin đến bạn đọc. Từ bối cảnh tác nghiệp, tính chất công việc… tôi thấy mình ngày càng trưởng thành, chín chắn hơn trong nghề và cuộc sống. Và hơn hết, sau mỗi chuyến đi công tác đó, tôi lại thêm yêu công việc của mình; yêu và tự hào về quê hương, đất nước mình hơn. Từ đó, tôi trân quý hơn những điều mình đang có, biết bằng lòng với hiện tại, biết nghĩ đến những điều xa xôi - nói theo ngôn ngữ các bạn trẻ là “sống chậm” để hiểu nhiều hơn về cuộc đời.
Nếu ai đó hỏi tôi thích điều gì nhất trong nghề làm báo, tôi sẽ trả lời rằng: Đó là những chuyến đi.
Lệ Thu
Chi hội nhà báo Báo Hưng Yên