LTS. Trong các yêu cầu của khai thác và xử lý thông tin cho tác phẩm báo chí, có nhiều khâu, nhiều yếu tố, nhiều tiêu chí cần chú ý: Quan điểm tiếp cận và cách tiếp cận đề tài, cách khai thác chi tiết, cách sử dụng chi tiết và cách thể hiện chi tiết… Phóng viên Người làm báo Hưng Yên đã trao đổi với tiến sỹ Trần Bá Dung (TS. TBD), nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam về nội dung này. Tiến sĩ, nhà báo Trần Bá Dung tập huấn nghiệp vụ cho hội viên HNB Hưng Yên.
PV: Để cho ra đời một tác phẩm báo chí vấn đề đầu tiên là việc chọn đề tài, vậy phải chọn thế nào thưa TS?
TS.TBD: Không bao giờ cạn đề tài đối với nhà báo. Vấn đề ở chỗ nhà báo có chịu đào sâu suy nghĩ, đổi mới cách tư duy, cách tiếp cận hay không? Đây không phải là lí thuyết, mà là thực tiễn nghề báo. Bởi cuộc sống luôn luôn vận động, biến đổi. Một sự kiện, một nhân vật… đã được viết ngày hôm kia, hôm qua thì hôm nay đã khác rồi. Hãy tìm cái vận động, cái khác, cái mới đó để viết, chứ không phải chỉ nhìn vào cái cũ mà người khác đã viết, hay viết lại cái cũ. Thậm chí nếu phải viết lại cái cũ, thì hãy tiếp cận theo góc độ khác, theo cách nhìn mới của mình. Một đề tài hay, trước hết ở nội dung câu chuyện, sự kiện. Phải đảm bảo hai yêu cầu đúng và trúng: Đúng quan điểm, chủ trương, chính sách, đúng bản chất tình hình thực tiễn; Trúng thời điểm, trúng với tinh thần chỉ đạo của cấp ủy, trúng sự mong đợi của dư luận xã hội đang cần được giải đáp…
PV: Đề tài đã có vậy nội dung phải thể hiện thế nào? Ngoài ra cần có tính phát hiện ra sao thưa TS?
TS.TBD: Cần khai thác cho được, phát hiện cho được nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Hầu hết những bài báo dự các giải báo chí toàn quốc hay Giải Báo chí quốc gia, dù có tiêu đề rất hay, viết dài kì, mà không được đánh giá cao, trước hết vì chỉ mới dừng lại ở mức phản ánh cái bề mặt thô ráp, xù xì, phức tạp bên ngoài của sự kiện, con người. Ở đây, nhà báo thiếu đi cái nhìn xuyên suốt bên trong của sự kiện, con người, được thể hiện qua những câu chuyện, chi tiết… Để đánh giá tính phát hiện, có thể có nhiều tiêu chí: phát hiện tư duy mới, cách tiếp cận mới, cách giải quyết mới đối với vấn đề cũ; phát hiện sản phẩm mới, mô hình mới, nhân tố mới…
P/V: Ngoài đề tài và nội dung đã có thì phóng viên nhà báo phải có cách tiếp cận mới như thế nào thưa TS?
TS.TBD: Cách tiếp cận mới là tiếp cận đa chiều, có sự phản biện cao.
Ngày nay, trong môi trường truyền thông xã hội ngày càng phát triển, thông tin phong phú, dễ tiếp cận với các thiết bị cầm tay, tiếng nói đa chiều, công chúng báo chí không thích tiếp nhận những thông tin một chiều, theo kiểu nói lấy được. Chính vì vậy, trong công tác tuyên truyền, ngay cả những thông tin mang tính định hướng cũng đã được phân tích trên cơ sở tiếp cận một cách toàn diện: có ưu điểm, hạn chế, có thành công và mặt chưa làm được, có nguyên nhân thành công và cả nguyên nhân của những hạn chế, thất bại,… Đó cũng là thể hiện cách tiếp cận đa chiều.
Thông tin tiếp cận đa chiều được hiểu là thông tin có tính đại diện cao. Chẳng hạn, khi viết về một chính sách kinh tế của Trung ương hay của địa phương mới ban hành, cần thu thập được thông tin có tính đại diện sau: Ý kiến của người trong cuộc, cơ quan hoặc người biên soạn, quyết định, ban hành chính sách; Ý kiến của người được hưởng thụ hoặc bị ảnh hưởng (doanh nghiệp hoặc tổ chức, người dân); Ý kiến nhà quản lý trong lĩnh vực đó; Ý kiến nhà đầu tư; Ý kiến chuyên gia; Chính kiến của nhà báo/tòa soạn,…
Đáng tiếc, nhiều tác phẩm báo chí khi phân tích một chính sách, chỉ phỏng vấn hoặc trích ý kiến của một phía (cơ quan ban hành chính sách) và chỉ dựa vào đó để lập luận sự cần thiết phải ban hành và phải thực thi chính sách. Về mặt lý thuyết, đây là điểm yếu, mặt bất cập trong truyền thông chính sách, mà báo chí là kênh có vai trò đặc biệt quan trọng, có tác động rộng lớn và hiệu quả xã hội nhanh nhất.
Thông tin có tính phản biện xã hội cao, cũng là tiêu chí đánh giá chất lượng nội dung tác phẩm báo chí. Phản biện cần có ý kiến đa chiều của nhiều chủ thể: Chuyên gia; Đối tác/đối thủ cạnh tranh; Người bị tác động, ảnh hưởng; chính kiến nhà báo/tòa soạn.
Phản biện trước hết không có nghĩa là phản đối hay chỉ là phản đối. Mặt khác phản biện của báo chí là phản biện xã hội. Báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội, trước hết trên cơ sở phản biện bằng dư luận xã hội. Cố nhiên, trong phản biện bằng dư luận xã hội, báo chí không loại trừ những cơ sở khoa học của vấn đề.
PV: Theo TS, một bài báo hay phải có nhiều phản biện tốt, vậy muốn phản biện có chất lượng, cần đảm bảo các yếu tố gì thưa TS?
TS.TBD: Thứ nhất, phải có hàm lượng thông tin đủ sức luận giải vấn đề, thuyết phục và định hướng nhận thức công chúng.
Muốn luận giải vấn đề, thuyết phục và định hướng được nhận thức công chúng, cần có những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn (phản biện xã hội của báo chí rất cần). Những cơ sở thực tiễn (sự việc, con người, số liệu thực tế) được lấy làm dẫn chứng, nhiều khi có sức mạnh thuyết phục dư luận xã hội nhanh hơn, mạnh hơn cả những công trình khoa học. Đó chính là sức mạnh từ ý nghĩa của thực tiễn sinh động. Hay như dân gian nói: “Trăm nghe không bằng một thấy”.
Muốn thuyết phục lòng người, định hướng được dư luận xã hội, còn phải có động cơ trong sáng, không vụ lợi. Đây chính là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Bởi không hiếm những trường hợp nhà báo nhân danh ý kiến của nhà khoa học, ý kiến của người dân để phục vụ mục đích riêng, được ẩn giấu dưới vỏ bọc phản biện!
Thứ hai, quan điểm mục đích, thái độ của sự phản biện.
Ở đây, quan điểm đúng đắn là sự phản biện tích cực, đứng về phía lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia. Không thiếu những bài báo mang tính phản biện, nhưng mục đích thì có vấn đề. Có những ý kiến phản biện trong đó, nghe thì có lý, nhưng đằng sau nó, có thể thấy được tác giả bênh vực, đứng về phía một nhóm lợi ích. Thậm chí đôi khi lộ liễu.
Thứ ba, tri thức và phương pháp phản biện của nhà báo.
Muốn phản biện, trước hết nhà báo phải có tri thức đầy đủ về vấn đề phản biện. Phản biện là để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Vì vậy không thể có tri thức nửa vời. Mặt khác, tri thức được sử dụng trong phản biện của báo chí phải mang tính mới, cập nhật. Báo chí nói chuyện hôm nay, do đó nếu chỉ dùng tri thức quá khứ để tranh luận (mặc dù rất cần) thì khó lòng thuyết phục, khó lòng đạt hiệu quả xã hội.
Nhiều tác phẩm đề cập các vấn đề hấp dẫn, vấn đề thu hút sự quan tâm của người đọc, người nghe, xem. Tuy nhiên mới chỉ hấp dẫn ở tít bài, ở sa-pô. Còn nội dung lại bỏ lửng, không đi tới nơi tới chốn, không giải quyết triệt để cái “có vấn đề” đã nêu. Giống như người thợ khai thác than, mới chỉ khai thác vỉa quặng lớp bề mặt của một mỏ than trữ lượng lớn.
Đáp ứng được những yêu cầu và hai tiêu chí trên đây, chính là nhà báo đã đi tới tận cùng của vấn đề. Đó mới là một bài báo hay, dù viết bất kể đề tài gì./.