Những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà báo chân chính trong môi trường mạng
Thứ ba - 02/07/2024 15:23
Môi trường truyền thông mạng ngày nay không chỉ là một nơi truyền tải thông tin mà còn là một “sân chơi” nhiều cơ hội và lắm thách thức của những người làm báo. Môi trường mạng cho phép bất kỳ ai cũng có thể đăng tải thông tin và ý kiến của mình, từ các bài viết blog cá nhân đến các trang tin tức độc lập. Điều này mang lại sự đa dạng và phong phú trong nguồn thông tin, nhưng đồng thời cũng dễ dẫn đến việc lan truyền tin giả, thông tin thiếu chính xác và thậm chí là thông tin gây hại. Trong bối cảnh này, vai trò của nhà báo chân chính là cực kỳ quan trọng để làm sáng tỏ sự thật và giữ vững phẩm chất nghề nghiệp.
Môi trường truyền thông mạng đã thay đổi cách tiếp cận thông tin một cách đáng kể. Với tốc độ truyền tải nhanh chóng, internet cho phép thông tin được lan truyền và chia sẻ ngay lập tức, bất kỳ sự kiện nào diễn ra cũng có thể được phản ánh và chia sẻ trên mạng trong vài giây. Mặt khác, môi trường mạng cung cấp nhiều hình thức truyền thông đa dạng như văn bản, hình ảnh, video, podcast và truyền trực tiếp. Điều này tăng cường tính tương tác và sự thu hút đối với người tiêu dùng thông tin. Người dùng có thể truy cập vào mạng xã hội thông qua điện thoại di động vào mọi thời điểm và mọi nơi, từ đó tăng cường tính cạnh tranh và khả năng tiếp cận của các phương tiện truyền thông. Không chỉ tiếp cận thông tin mà người dùng còn có thể tham gia vào quá trình sản xuất nội dung, bằng cách chia sẻ ý kiến, bình luận và phản hồi... Vì thế, hiện nay, hàng tỉ người trên thế giới có thói quen tiếp cận thông tin chính qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và YouTube...
Tuy nhiên, sự tự do này cũng đi kèm với một loạt các thách thức. Mạng xã hội là nơi thông tin có thể lan truyền nhanh chóng và dễ dàng bị biến tấu, từ đó tạo ra những “đám mây thông tin" mơ hồ và không dễ tin cậy. Trong môi trường mạng phức tạp này, vai trò của nhà báo chân chính là vô cùng quan trọng. Họ không chỉ đơn thuần là người thu thập và phân phối thông tin mà còn phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, bao gồm: độc lập và khách quan; tôn trọng văn hóa và đạo đức; kiểm chứng thông tin; đáp ứng nhu cầu của công chúng...
Nhà báo chân chính luôn phải giữ được nguyên tắc độc lập và khách quan trong công việc của mình. Họ phải đưa ra thông tin dựa trên sự khách quan, dựa trên sự thật và sự kiện chứ không phải dựa trên quan điểm cá nhân hay lợi ích nhóm. Người đọc và công chúng chỉ có thể tin tưởng vào thông tin khi biết rằng nó được phát đi từ một nguồn độc lập và không bị chi phối bởi bất kỳ lợi ích nào. Nếu nhà báo không độc lập, thông tin có thể bị biến tướng hoặc thêm vào những yếu tố chủ quan, dẫn đến sự mất đáng tin cậy. Việc giữ được nguyên tắc khách quan giúp nhà báo đảm bảo rằng các bài báo và phóng sự được viết dựa trên sự thật và sự kiện, chứ không phụ thuộc vào quan điểm cá nhân hay lợi ích nhóm. Điều này giúp người đọc có cái nhìn tổng thể và trung thực về các vấn đề. Mặt khác, khi nhà báo độc lập và khách quan, họ có thể tự do khai thác và phản ánh nhiều quan điểm, giúp người đọc hiểu rõ hơn về sự phức tạp của một vấn đề và có thể tự đưa ra quyết định chính xác hơn, tránh bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, chính trị hay những thế lực bên ngoài. Giữ vững nguyên tắc này cũng là giữ vững uy tín và danh dự cá nhân, đồng thời góp phần vào việc giữ vững uy tín của ngành báo chí toàn cầu.
Nhà báo chân chính phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng văn hóa và đạo đức, bao gồm sự tôn trọng đối với nhân phẩm, quyền riêng tư và đời sống cá nhân của những người liên quan đến thông tin được báo chí công khai. Theo đó, trong tác phẩm của mình, nhà báo phải tôn trọng, không xúc phạm đến giá trị văn hóa, tôn giáo, cũng không vi phạm quyền riêng tư và sự riêng tư của cá nhân và các cộng đồng. Đây không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp của nhà báo mà còn là cơ sở để xây dựng một xã hội văn minh và hòa bình.
Khi môi trường mạng có thể lan truyền thông tin một cách nhanh chóng, nhà báo chân chính luôn phải kiểm chứng và xác minh tính chính xác của thông tin trước khi đưa ra công chúng. Điều này đảm bảo rằng chỉ có những thông tin có căn cứ và chính xác mới được phổ biến và sử dụng. Đồng thời còn góp phần bảo vệ quyền lợi và danh dự của những người liên quan đến thông tin, tránh các tuyên bố sai lệch hoặc bất hợp pháp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến họ và giúp đảm bảo sự công bằng, khách quan trong việc phản ánh các sự kiện và vấn đề xã hội.
Nhà báo chân chính không chỉ đơn thuần là người cung cấp thông tin mà còn là người đáp ứng nhu cầu thông tin chính xác, đa dạng và có giá trị của công chúng. Công chúng có nhu cầu biết về nhiều vấn đề khác nhau, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa và xã hội. Nhà báo chân chính phải đáp ứng được nhu cầu này bằng cách nắm bắt các sự kiện và vấn đề một cách toàn diện và khách quan, cung cấp các bài báo và phóng sự mang tính đa dạng, phản ánh chân thực hình ảnh thế giới. Đồng thời luôn sẵn sàng tiếp thu ý kiến phản hồi và phản biện từ công chúng để nâng cao chất lượng báo chí.
Trong bối cảnh thông tin lan truyền nhanh chóng và dễ dàng “tam sao thất bản” trên mạng, nhà báo chân chính phải đặc biệt cảnh giác và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để phân biệt và ngăn chặn sự lan truyền của tin giả và thông tin sai lệch. Là những người đứng đằng sau câu chuyện, nhà báo chân chính mang lại sự tin cậy và niềm tin trong một thế giới tin thật giả lẫn lộn. Chính bằng việc giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo độ trung thực, tin cậy của thông tin, người làm báo mới có thể giữ được vai trò quan trọng vào sự phát triển của một xã hội thông tin văn minh của thời đại số hóa.
TM