Báo Thái Bình triển khai ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số báo chí

Thứ năm - 29/08/2024 09:19
Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, sự hình thành và phát triển của những nền tảng mạng xã hội đã tạo nên nhiều thay đổi đa chiều cho mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, an ninh đến văn hóa - xã hội, trong đó có ảnh hưởng sâu sắc tới lĩnh vực báo chí. Sự xuất hiện và tồn tại của mạng xã hội tuy có đặt ra thách thức không nhỏ trong cạnh tranh thông tin, nhưng lại tạo ra cơ hội rất lớn để các cơ quan báo chí, nhất là Báo Đảng các địa phương đưa thông tin chính thống, có định hướng tiếp cận với lượng bạn đọc ở nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi.

Xác định chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để phát triển, Ban Biên tập Báo Thái Bình đã vào cuộc quyết liệt, bước đầu đạt những kết quả khá rõ nét. Báo Thái Bình đã đưa vào áp dụng nhiều công nghệ hiện đại giúp quá trình sáng tạo và trình bày nội dung diễn ra một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian và công sức. Đặc biệt đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI sử dụng MC ảo thay thế MC thật vào sản xuất các chương trình video bản tin, giúp tiết kiện được thời gian, kinh phí, nhân lực. Thể hiện được phong cách làm báo hiện đại - đa phương tiện, đa nền tảng.
111
Ảnh minh họa
Trong một số bản tin truyền hình và phát thanh đã sử dụng giọng đọc trí tuệ nhân tạo (Voice AI) để xuất bản các sản phẩm thay vì phải chờ đợi bản đọc từ phát thanh viên. Ngoài ra còn sử dụng các ứng dụng để tối ưu hóa SEO, từ khóa cho bài viết… Nếu như ấn phẩm báo điện tử phát triển theo hướng báo chí đa phương tiện - đa nền tảng thì ấn phẩm báo in được chuyển đổi theo hướng báo chí dữ liệu. Hiện nay, Báo Thái Bình đang xây dựng hệ thống đọc báo in trực tuyến, mở ra hướng tiếp cận dữ liệu báo chí chuyên sâu từ những trang báo giấy truyền thống trên máy tính và các thiết bị di động có kết nối internet. Ngoài việc tập trung nguồn nhân lực nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, những năm qua, Ban Biên tập Báo Thái Bình đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn cơ quan, qua việc xây dựng phần mềm Hệ thông tin quản lý chất lượng tin, bài, ảnh để tiếp nhận tin bài từ phóng viên chuyển tiếp liên thông đến các cấp biên tập, giúp Ban Biên tập quản lý được chất lượng tin bài và thời gian hoàn thành các nội dung được giao. Từ đó chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Những công nghệ được tích hợp trên Báo Thái Bình điện tử đã giúp tòa soạn có được kho dữ liệu quý báu, trở thành nguồn thông tin để tòa soạn cải tiến, thúc đẩy sáng tạo, xây dựng thêm nhiều nội dung hay hơn, chất lượng hơn nhằm phục vụ nhu cầu đọc, nghe, xem của công chúng. Nếu như trước đây, báo chí chỉ đơn giản là nội dung thì nay, cách tiếp cận đã hoàn toàn khác biệt. Các bài viết trên Báo Thái Bình điện tử được trình bày đa phương tiện với sự kết hợp của nội dung, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa tương tác để tạo thành những sản phẩm: Longform, infographic..., giúp truyền tải thông tin một cách trực quan, lôi cuốn. Tận dụng ưu thế công nghệ từ cuộc cách mạng 4.0, Báo Thái Bình đã ứng dụng nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo để phục vụ cho quá trình sản xuất tin, bài, đặc biệt là các tin bài đa phương tiện. Trước đây, để thiết kế sản phẩm đa phương tiện như Longform, infographic..., kỹ thuật viên phải sử dụng thành thạo các phần mềm Photoshop hay InDesign. Hiện nay, sự hỗ trợ của Canva với kho thư viện lớn, hỗ trợ nhiều tính năng đã giúp quá trình thiết kế các sản phẩm nhanh và bắt mắt hơn.
111
Một chương trình toạ đàm Báo Thái Bình sử dụng nền tảng công nghệ mới, lấy độc giả làm trung tâm.
Trong công nghệ truyền hình trực tuyến. Báo Thái Bình điện tử đã xây dựng phần mềm quản lý truyền hình trực tuyến và ứng dụng công nghệ truyền hình lưu động không dây. Sử dụng hệ thống truyền dẫn tín hiệu không dây, hệ thống liên lạc Intecom, Tally không dây để làm truyền hình trực tiếp. Giúp cho việc triển khai thực hiện chương trình được nhanh và hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh việc ứng dụng cộng nghệ truyền hình, Báo Thái Bình xây dựng hệ thống Sever truyền dẫn tín hiệu truyền hình trực tiếp nhiều điểm cầu kết nối với trường quay và phân phối tín hiệu trực tiếp cho nhiều hạ tầng số, đồng thời đầu tư hệ thống Studio Cabin lưu động có đầy đủ trang thiết bị và công nghệ hiện đại, giúp cho việc sản xuất các chương trình được đa dạng, phong phú. Nhờ có nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), Báo Thái Bình điện tử đã ứng dụng công nghệ trường quay ảo (iSet3D), đây là công nghệ trường quay ảo hiện đại nhất hiện nay, làm thay đổi được các góc quay 3D, linh hoạt trong thay đổi cảnh trường quay,  giảm bớt được nhân lực, thời gian và chi phí trong sản xuất chương trình.

Chuyển đổi số để mang thông tin đến với bạn đọc một cách nhanh nhất, chất lượng nhất. Một trong những giải pháp đó là chú trọng truyền thông mạng xã hội. Với phương châm “ở đâu có mạng xã hội, ở đó có Báo Thái Bình”, thời gian qua, các nền tảng mạng xã hội của Báo Thái Bình luôn được đăng tải nhiều nội dung phong phú và ngày một phát triển. Các nền tảng Fanpage, Youtube, Zalo nhanh chóng phát triển. Nhờ đó, thu hút được nhiều người dùng tương tác trên các nền tảng mạng xã hội của Báo Thái Bình. Việc có mặt trên các nền tảng mạng xã hội giúp Báo Thái Bình đưa thông tin nhanh chóng và chính xác đến mọi ngóc ngách trên môi trường số, qua đó giúp công chúng tiếp cận thông tin bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Biến những vấn đề chính trị - xã hội tưởng chừng rất khô khan trở nên gần gũi, Báo Thái Bình đã lan tỏa thông tin tích cực tới cộng đồng, được đông đảo công chúng đón nhận.

Nhờ chuyển đổi số, Báo Thái Bình  tăng cường tiếp cận và tương tác với độc giả. Từ trang báo đến các nền tảng mạng xã hội với các tính năng bình luận, chia sẻ giúp tòa soạn và độc giả gần nhau hơn, từ đó xây dựng nên những tệp bạn đọc trung thành, gắn bó. Tòa soạn cũng có thể tận dụng những phản hồi từ độc giả để cải thiện chất lượng bài viết, khám phá các góc nhìn mới và tạo ra sự tương tác tích cực.

Một trong những thành công lớn trong chuyển đổi số của Báo Thái Bình là xây dựng App Báo Thái Bình trên các nền tảng của iOS, ‎Android, đây là kênh thông tin quan trọng giúp bạn đọc tiếp cận thông tin qua các thiết bị thông minh, được thưởng thức các sản phẩm đa phương tiện thông qua App trên nền tảng số.

Mỗi nhà báo phải biết sử dụng các phần mềm chuyên biệt để xử lý thông tin, hình ảnh, âm thanh một cách nhanh nhất; xây dựng và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung; tổng hợp, phân tích dữ liệu; thay đổi trong công tác biên tập, tổ chức thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số… Và các cơ quan báo Đảng nói chung, Báo Thái Bình nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm, hi vọng rằng, Báo Thái Bình sẽ hòa chung với xu hướng này, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin ngày càng cao của công chúng.

 
PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây