Để báo chí chất lượng cao “chắp cánh” cho đổi mới, sáng tạo…
Thứ hai - 11/11/2024 09:36
Khi Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia bổ sung 2 thể loại giải mới là báo chí sáng tạo và báo chí đa phương tiện đã có ý kiến lo ngại về độ khó và cũng có nhiều băn khoăn với việc triển khai các tác phẩm chất lượng này như thế nào cho phù hợp. Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên” vừa diễn ra tại TP. Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên đã đánh trúng nhu cầu quan tâm và phần nào “giải mã” cho bài toán để chương trình báo chí chất lượng cao sẽ là mảnh đất cho “đổi mới, sáng tạo”, giúp cho các tác phẩm “cất cánh”…
Tạo nguồn tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia với cơ cấu mới
Tại hội nghị này, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số báo chí, áp dụng thành tựu của công nghệ số trong sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; góp ý tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao trong thời gian tới; trao đổi, thảo luận nội dung Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các hội văn học nghệ thuật địa phương…
Đặc biệt, khi Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia bổ sung thêm hai loại giải mới là tác phẩm của báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo thì chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao càng có ý nghĩa định hướng, nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên, khuyến khích phóng viên trải nghiệm đa dạng các sản phẩm báo chí với công nghệ hiện đại, sáng tạo trên môi trường số…
Vấn đề đặt ra là, tiêu chí của các tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng yêu cầu Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIX năm 2024 như thế nào? Về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Tác phẩm của báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo phải thể hiện được tính sáng tạo trong sản xuất và phân phối nội dung số gắn với các giải pháp, ứng dụng, chương trình tương tác.
Theo đó, đối với sản phẩm Báo chí đa phương tiện thì phải là các tác phẩm, sản phẩm báo chí sử dụng dữ liệu đa phương tiện và áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ truyền thông số trong quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, có định dạng độc lập như: Infographic, Video clips, Podcast, Gói tin tức đa phương tiện, sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí tương tác… Nội dung số hay, hình thức thể hiện hấp dẫn, có giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao, với các giải pháp, ứng dụng (app), chương trình tương tác… làm tăng chất lượng, sự lan quả và hiệu quả tác động của tác phẩm/ sản phẩm đến công chúng.
Còn đối với sản phẩm Báo chí sáng tạo thì phải có tính sáng tạo, đột phá, qua đó thể hiện rõ tác giả, nhóm tác giả có giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động nghề báo, tiết kiệm chi phí sản xuất, tác động trúng công chúng mục tiêu, tác động hiệu quả đến các tầng nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng, tăng cường sự tham gia tương tác của công chúng hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, vùng miền và địa phương.
Tác phẩm, sản phẩm và các chương trình báo chí sáng tạo có nội dung, phương thức sản xuất, hình thức thể hiện sáng tạo, có sáng kiến đổi mới sáng tạo đột phá với nội dung vượt trội, ứng dụng cụ thể vào các chương trình, chiến dịch truyền thông chính sách, truyền thông lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn…, hình thức đặc sắc, độc đáo, hấp dẫn, tác động sâu rộng đến công chúng. Các sản phẩm báo chí sử dụng giải pháp công nghệ hiệu quả, các công nghệ mới như Công nghệ thực tế ảo (VR), tăng cường thực tế ảo (AR)… tạo ra những trải nghiệm tương tác độc đáo với công chúng.
Xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng cho rằng: Nhằm đáp ứng yêu cầu tạo nguồn tác phẩm dự Giải Báo chí Quốc gia với cơ cấu mới, các cơ quan báo chí có thể phối hợp hiệu quả với Hội Nhà báo địa phương trong việc bổ sung, phát triển chương trình, từ khâu chọn đề tài, thẩm định đề cương, hỗ trợ triển khai và thẩm định chất lượng tác phẩm. Từ đó định hướng, dẫn dắt và cho ra đời những tác phẩm báo chí với phương thức làm báo hiện đại như Infographic, Long-form, E-magazine, Podcast…; ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để tạo ra những sản phẩm báo chí dữ liệu, gói tin tức, dự án báo chí - truyền thông đa nền tảng.
Không phải đề tài nào cũng có thể làm hình thức đa phương tiện
Bám vào các tiêu chí, với những điểm mới này, việc triển khai sản phẩm báo chí chắc chắn không hề dễ dàng mặc dù trên thực tế đã có nhiều cơ quan báo chí lớn như Báo Nhân Dân, TTXVN, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… có những đầu tư xứng tầm và có nhiều tác phẩm chất lượng cao, không chỉ đoạt giải báo chí trong nước mà còn khẳng định được tên tuổi trên trường quốc tế. Thậm chí Báo Nhân Dân đã có Ngày Đổi mới sáng tạo, phần nào thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo ở tất cả các đơn vị, bộ phận, các tập thể, nhóm, cá nhân công tác tại báo; qua đó, góp phần cải tiến phương pháp tổ chức, triển khai các mặt công tác; nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí; cổ vũ tinh thần khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng giữa các tập thể, cá nhân trong báo...
Về vấn đề này, theo nhà báo Đinh Như Hoan - nguyên Phó Tổng Biên tập, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân, công tác triển khai Ngày Đổi mới sáng tạo lấy các chi hội làm nòng cốt để rà soát, đánh giá, xây dựng báo cáo về sản phẩm, ý tưởng đổi mới sáng tạo. Liên chi hội cũng luôn khích lệ việc triển khai sáng kiến, ý tưởng của mỗi đơn vị, bộ phận, cá nhân trong báo; lập Hội đồng chấm và tuyển chọn các sản phẩm đổi mới sáng tạo.
Còn đối với những tác phẩm báo chí đa phương tiện đáp ứng tiêu chí “chất lượng cao” và tạo nguồn cho sản phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia với cơ cấu giải mới thì theo nhà báo Lê Xuân Trung – Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, không phải đề tài nào cũng có thể làm hình thức đa phương tiện, nhà báo, cơ quan báo chí nên cân nhắc, chọn lọc. Vì nếu không đạt yêu cầu có nguy cơ phản tác dụng, uổng công sức đầu tư. Bạn đọc bị phân tán nếu nội dung và hình thức không hấp dẫn, không liền mạch…
Ông nhấn mạnh: Báo chí đa phương tiện là loại hình báo chí mở ra không gian sáng tạo không giới hạn cho nhà báo. Cơ quan báo chí thể hiện một đề tài báo chí với nhiều loại ngôn ngữ và loại hình khác nhau như kết hợp văn bản, đồ họa, hình ảnh, âm thanh, video… dễ dàng truyền tải thông tin đa dạng, sinh động gây ấn tượng cho bạn đọc khi xem báo như xem phim. Báo chí đa phương tiện có lợi thế dễ dàng tiếp cận từ câu chuyện hoặc nhân vật đời thường sẽ cuốn hút người xem hơn là nêu vấn đề hoặc số liệu khô khan, vĩ mô. Bên cạnh đó nội dung và trình bày phải tương thích, hỗ trợ lẫn nhau, có điểm nhấn, dẫn dắt theo mạch logic, tránh lắp ghép cơ học. Việc sử dụng hình ảnh và đồ họa thay cho những nội dung liệt kê, minh họa góp phần làm sống động và súc tích nội dung…
Cũng theo nhà báo Lê Xuân Trung đích đến cuối cùng của loại hình báo chí đa phương tiện là tính hiệu quả. Công chúng quan tâm việc báo chí phải tìm giải pháp, lối ra không nên sa vào thực trạng vì đây chỉ là báo chí lặp lại không giải quyết được vấn đề, phải gợi mở cho công chúng. Với những yêu cầu ngày càng cao từ công chúng buộc các nhà báo phải luôn tìm kiếm từ ý tưởng, góc tiếp cận đề tài, hình thức trình bày mới mẻ trong thời đại số khi họ đã xem quá nhiều thứ trên không gian mạng. Ông Lê Xuân Trung dẫn chứng đến các tác phẩm đa phương tiện được giải cao trong các loại giải Báo chí Quốc gia gần đây để các tác giả có thể học hỏi kinh nghiệm như: Loạt bài 5 kỳ: Thảm họa khốc liệt từ thiên tai, sạt lở đất đá: Còn phá, còn đau! của VietnamPlus; Dòng tên trên đá núi đã thành tên phố phường của nhóm tác giả Báo Tuổi trẻ…
Đồng quan điểm đó, nhà báo Ngô Việt Anh - Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân cho rằng, triển khai thực hiện tác phẩm báo chí sáng tạo, báo chí dữ liệu, đa phương tiện thì cần có những bước cơ bản, đó là: Xây dựng ý tưởng sáng tạo; Lập kế hoạch, phân nhiệm nhóm dự án; Triển khai các dự án thành phần; Ghép nối các hạng mục và đặc biệt là tổ chức truyền thông đa nền tảng. Đặc biệt, theo nhà báo Việt Anh, để tổ chức một sản phẩm báo chí sáng tạo trước hết khâu nhân sự phải tổ chức nhóm dự án kết hợp nhiều đơn vị, chia nhỏ các dự án thành phần, đồng thời ưu tiên nhân sự có tư duy đa phương tiện, đa nền tảng, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có việc hợp tác với các công ty công nghệ, cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm…