Cách viết bài phóng sự

Thứ tư - 15/01/2025 10:42

Phóng sự là một thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trong ngành truyền thông mà bạn có thể đã nghe qua từ báo đài, tivi, máy tính… Vậy phóng sự là gì? Những đặc trưng, kết cấu của một phóng sự và các bước cơ bản để thực hiện  phóng sự ra sao? Hãy cùng Nguoilambaohungyen.vn tìm hiểu về thể lại phóng sự.

KHÁI NIỆM

Phóng sự là một thể tài của báo chí, nhưng lại cũng gần gũi với văn học, thường viết, phản ánh về các vấn đề xã hội và những con người trong một hoàn cảnh điển hình. Trong một chừng mực nào đó, những nhân vật này đều có số phận và hoàn cảnh riêng. Một bài phóng sự không có nhân vật thì chưa phải là phóng sự, không để tác giả nói mà phải để nhân vật nói.

Một cách diễn đạt khác, phóng sự là một thể loại báo chí, có nhiệm vụ trước hết là thông tin thời sự về người thật, việc thật trong một quá trình phát triển, đồng thời trả lời những câu hỏi mà hiện thực đề ra, đáp ứng các yêu cầu chung đối với tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, tác giả vẫn có thể sử dụng một lối thể hiện kết hợp giữa thông tin thời sự, với bút pháp văn học để nhằm tạo ra giọng điệu phong phú, linh hoạt.

CÁC ĐỀ TÀI CỦA PHÓNG SỰ

Nói chung, phóng sự là viết về các đề tài xã hội, viết về những vấn đề thuộc về hoạt động của con người liên quan đến sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Các đề tài phóng sự thường đề cập gồm:


- Phóng sự về đất nước con người
- Ký sự, phóng sự đường xa (du ký)
- Phóng sự về những vấn đề, tệ nạn xã hội
- Phóng sự về những số phận hoàn cảnh thương tâm
- Phóng sự về những chuyện lạ, chuyện ly kỳ, hy hữu...
- Ký sự pháp đình.
 
2

 ĐẶC TRƯNG CỦA PHÓNG SỰ

Phóng sự đòi hỏi phóng viên phải bỏ nhiều thời gian và công sức để điều tra, thâm nhập thực tế và phỏng vấn nhiều người. Phóng sự cung cấp cho người đọc một cái nhìn cận cảnh và toàn cảnh về một hiện tượng, thường là đặc biệt, diễn ra trong xã hội.

 Nhà báo là người ghi chép cụ thể, sinh động tình hình một vấn đề, một sự việc nào đó đang là vấn đề thời sự, nóng bỏng, bức xúc trong xã hội. Phóng sự thể hiện tính chiến đấu cao độ, dùng sự thật để bác lại những nhận thức còn sai lệch, lấy sự thật đời sống để ảnh hưởng đến nhận thức của xã hội. Do đặc thù thể loại, tính chân thực về thời gian, địa điểm, sự kiện, con người và chi tiết là những yếu tố cốt lõi của phóng sự.

 Khi viết phóng sự đòi hỏi nhà báo phải xông xáo, tự mình thăm dò, hỏi han người thực việc thực. Phóng sự cũng như các thể loại báo chí khác luôn được theo kết cấu 4,5 W": Who (Ai)?, Where (Ở đâu)?, When (Khi nào)?, What (Cái gì)?

1. Phóng sự phải có nhân vật
Phóng sự là một thể tài của báo chí, nhưng lại gần gũi với văn học, thường viết về các vấn đề xã hội và viết về những con người trong một hoàn cảnh điển hình. Trong một chừng mực nào đó, những nhân vật này đều có số phận, hoàn cảnh riêng. Một bài phóng sự không có nhân vật thì chưa phải là phóng sự, không để tác giả nói mà hãy để nhân vật nói.

Chú ý, khi viết về nhân vật nên chú ý tính cách đời thường của họ.

2. Có cái tôi trần thuật

Khi viết phóng sự, phóng viên cần chú ý:

- Cái tôi nhân chứng. Sự có mặt của nhân vật tôi này trước hết với tư cách là một nhân vật chứng kiến. Họ là nhân chứng sống động và đáng tin cậy trước những tình tiết của các câu chuyện đang phô bày, đang diễn ra.

- Cái tôi trần thuật - thẩm định. Cái tôi trần thuật có một vai trò vô cùng quan trọng. Nó thể hiện rõ cách xử lý riêng của từng tác giả, cho thấy nét độc đáo trong cách tường thuật vấn đề của mỗi người.

 Khi tác giả đến tận nơi, được mục kích, quan sát, chứng kiến, cảm nhận, họ sẽ hóa thân thành nhân vật tôi trần thuật để chuyển tải đến người đọc bức tranh xác thực, vừa chi tiết, vừa cụ thể, có tầm bao quát nhất định từ những điều họ đã “mục sở thị”.

Khi trần thuật, tác giả có thể sử dụng nhiều thủ pháp khác nhau như miêu tả, đặc tả, phác họa chân dung.

- Cái tôi chính kiến. Phóng viên tự thân trải nghiệm, có thể đưa ra góc nhìn, nhận định, đánh giá, lý lẽ đề xuất, kiến nghị và giải pháp hợp lý. Cái tôi chính kiến là sự khẳng định bản lĩnh người làm báo, là lương tâm, trách nhiệm của họ. Tác giả dám lên tiếng để bênh vực sự thật và có đủ bản lĩnh để bày tỏ chính kiến của mình.

 - Cái tôi cảm xúc, nội tâm thể hiện sâu sắc nội tâm của tác giả. Đó là cái tôi có chiều sâu, mang tính nhân bản. Tác giả biết xót xa trước những thân phận bất hạnh, biết cảm thông trước những mảnh đời kém may mắn, biết phẫn uất trước những bất công, biết trân trọng những giá trị của cuộc sống.

- Có tính văn học. Phóng sự là một trong những thể loại hiếm hoi của báo chí được diễn đạt cảm xúc nội tâm của tác giả. Hành văn tốt sẽ đạt hiệu quả hơn chỉ viết bằng ngôn ngữ báo chí, tuy nhiên không nên lạm dụng quá mức các thủ pháp văn chương.
untitled 1


CÁC BƯỚC CƠ BẢN

1. Tìm tòi và phát hiện đề tài

Ở bước này, nhà báo phải quan sát; tự đặt cho mình những câu hỏi; lắng nghe; tìm kiếm thông tin, vấn đề, tìm cái mới trong cái cũ.

2. Chuẩn bị và thu thập

Ở bước này, nhà báo phải thu thập tất cả tài liệu có liên quan, để chuẩn bị cho quá trình viết, cần xác định rõ từ đầu tài liệu cần tìm và thực hiện theo kế hoạch.

3. Tiếp cận và gặp gỡ nhân vật

Ở bước này, nhà báo phải tiếp cận vấn đề; thuyết phục nhân vật; tiếp cận nhân vật vô danh và nổi tiếng...

 4. Đi lấy tài liệu viết phóng sự

Yêu cầu chung: Tư liệu để viết phóng sự là chính xác, thời sự, trung thực.

Cần lưu ý, tư liệu càng trực tiếp, bài phóng sự càng thuyết phục bạn đọc (Tài liệu do chính tác giả lấy được là nguồn đáng tin cậy nhất). Ngoài ra, cũng cần thu tập đủ tư liệu gián tiếp, vì tư liệu gián tiếp làm phong phú hơn, kiểm tra những vấn đề có liên quan (những vấn đề xảy ra trước đó, hoặc tương tự như thế hoặc không liên quan trực tiếp nhưng có thể bổ sung, làm hoàn chỉnh cho bài). Đồng thời, phóng viên viết phóng sự cần phải có tư liệu riêng, phóng viên cần chú trọng đến công tác sưu tầm tư liệu cá nhân.

 Cách lấy tài liệu: Quan sát; hỏi, nghe; nhặt nhạnh, thu lượm.

 BỐ CỤC CỦA PHÓNG SỰ

Một bài phóng sự phải gồm: Tít, Sapô, thân bài và kết luận.

1. Tít

Việc đặt tít tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: Mục đích, tôn chỉ của tờ báo; Chủ đề, nội dung bài báo; Hình thức thể hiện bài báo; Phong cách, bút pháp và sở trường ngôn ngữ của tác giả.

Tuy nhiên cần đảm bảo và hướng tới các nội dung cơ bản là: Tổng kết thông tin; Phân định mức độ của câu chuyện; Gây cảm tình cho độc giả.

2. Sa-pô

Sapo là phần nội dung mở đầu nằm ở đoạn mở đầu của bài viết để dẫn dắt người đọc đến với nội dung chính của bài viết. 

Sapo có thể được viết bởi một hoặc nhiều câu văn hoàn chỉnh khác nhau nhưng cần phải súc tích, trực tiếp, không vòng vo, đi thẳng vào vấn đề, chủ đề của bài phóng sự cho bạn đọc biết là tác giả muốn viết gì. Đó là cách viết bao trùm nhất, báo chí nhất.

3. Thân bài

Đối với phóng sự, thân bài chính là trình bày vấn đề, giải quyết vấn đề đã đặt ra ở phần mở bài. Phóng viên cần chú ý trình bày theo trình tự thời gian sự việc diễn ra. Kiểu viết này thích hợp cho du ký và tường thuật.

Cũng có khi nhà báo triển khai theo mô hình hình tháp ngược, sắp xếp theo trình tự từ việc quan trọng đưa lên trước.

 4. Kết bài

Kết luận của phóng sự không chỉ dừng lại ở việc đúc kết lại sự việc mà còn kiến nghị giải quyết sự việc đó và nêu ra giải pháp để giải quyết vấn đề.

Vì vậy, ngoài yêu cầu ngắn gọn, rõ ràng, nêu lại một lần nữa bản chất của sự việc sau khi đã phân tích, trình bày ở thân bài, tác giả có thể chính kiến, giải pháp của mình (của tác giả hoặc của tòa soạn) để gây ấn tượng mạnh cho bạn đọc.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây