Cần tiếp những cuộc giải cứu

Thứ năm - 25/08/2022 11:03

Câu chuyện 42 người Việt tháo chạy khỏi casino Campuchia, vượt sông về đất mẹ, thật sự là một câu chuyện đau lòng, đang là tin nóng mấy ngày qua.

111
Hiện trường nơi 40 người Việt Nam tháo chạy khỏi casino Rich World Campuchia để bơi sang sông Bình Di về nước - Ảnh: BỬU ĐẤU

Cơ quan Công an tỉnh An Giang đã quyết định khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ, nhưng qua đó cũng là hồi chuông cảnh báo trách nhiệm của gia đình, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và xã hội về thực trạng có quá nhiều người cả tin "việc nhẹ, lương cao" trở thành lao động bị cưỡng bức, nạn nhân của tội phạm buôn người qua biên giới.

Không khó để nhận thấy nhiều vụ lừa đảo tương tự đã từng xảy ra có đường đi lòng vòng rồi về cái kết thảm. Bọn lừa đảo đã tận dụng triệt để mạng xã hội, các app quảng cáo trực tuyến hoặc môi giới trực tiếp để lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn đổi đời cho dân nghèo.

Mặc dù thực tế dễ ngó thấy, báo chí không ít lần cảnh báo, nhưng vì sao những vụ việc lừa đảo tương tự và những cái kết thương tâm vẫn cứ xảy ra? Có ngăn được việc này không và ngăn như thế nào?

Nguyên nhân không khó nhận diện. Nhiều nơi đang thiếu việc làm nghiêm trọng, nhất là ở hai vùng khó khăn của cả nước là Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Thực tế đang tồn tại một "thị trường lao động ngầm vận hành hoang dã" mà kẻ xấu, tổ chức buôn người dễ lợi dụng để lừa đảo; trong khi chúng ta đang thiếu các thiết chế giới thiệu, giải quyết việc làm minh bạch, hiệu quả. 

Các vụ việc lừa đảo đưa người lao động qua biên giới đã đẩy lên thành nạn buôn người, lao động cưỡng bức có tính chất nô lệ và tội phạm quốc tế, cần được tiếp cận tổng thể, toàn diện, đa ngành, phối hợp giữa các quốc gia, không chỉ nỗ lực giải quyết của các địa phương khu vực biên giới mà cần sự vào cuộc của các ngành ngoại giao, công an, lao động; cần nhiều hơn các giải pháp kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề từ cái gốc công ăn, việc làm, niềm tin xã hội.

Đã có bằng chứng cho thấy sự chuyển đổi kinh tế ở các địa phương thời gian qua chưa thật sự tạo được nhiều việc làm cho đại bộ phận người dân. Thiếu việc làm nông thôn và một bộ phận dân nghèo thành thị thu nhập thấp bị đẩy ra khỏi khu vực lao động truyền thống một cách chông chênh và chấp nhận mạo hiểm để mưu sinh.

Cần xem vụ việc vừa qua như hồi chuông cảnh báo để rà soát chính sách, bố trí lại cơ cấu lao động đảm bảo yêu cầu phát triển cân đối, hài hòa, tạo việc làm tại chỗ, xây dựng một thị trường lao động lành mạnh. Cũng cần thực thi các biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu hơn nữa để quản lý không gian mạng, ngăn chặn từ xa các vụ lừa đảo qua mạng và hơn hết là nâng cao ý thức tự cảnh giác của người dân.

Để không diễn ra những cảnh đau lòng khác từ bên kia biên giới, cần tạo dựng niềm tin, biên giới mềm bảo vệ dân nghèo, người lao động và lao động trẻ em, phụ nữ từ gia đình, làng xóm, quê hương. Cần những ưu tiên cho tam nông, ly nông bất ly hương, xây dựng nông thôn mới thực chất, chăm lo cho dân nghèo đô thị nhiều hơn, giảm nghèo bền vững.

Hơn cả cuộc giải cứu 40 người Việt bị cưỡng bức lao động vượt sông bằng tấm lòng trắc ẩn, nghĩa đồng bào của những người dân biên giới và sự hỗ trợ, giải quyết đúng pháp luật của cơ quan chức năng là việc bắt tay vào "các cuộc giải cứu khác" liên quan trách nhiệm của gia đình, xã hội, chính quyền địa phương để ngăn ngừa các vụ việc tương tự.
 

Theo Trần Hữu Hiệp/Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây