Nên lo biên soạn chuẩn sách giáo khoa trước khi phát không cho học sinh
Thứ hai - 15/08/2022 22:04
Thông tin Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục&Đào tạo khẩn trương triển khai việc cho học sinh mượn sách giáo khoa kể từ năm học 2022-2023 đang được các bậc cha mẹ và cả xã hội hài lòng phấn khởi. Việc phát không SGK và bỏ học phí cho bậc học phổ thông đã được rất nhiều nước trên thế giới và khu vực Đông Nam Á thực hiện. Làm được như vậy sẽ thật sự bớt được gánh nặng cho các bậc cha mẹ học sinh. Bởi vì, sách giáo khoa đang được thay thế đắt hơn khá nhiều so với SGK cũ. Theo lộ trình, năm học 2020-2021 thay thế sách lớp 1, năm học 2021-2022 thay thế lớp 2 và lớp 6, năm học 2022-2023 thay thế lớp 3, lớp 7 và lớp 10...
Nhưng “bài toán SGK” vẫn đang làm đau đầu các bậc cha mẹ học sinh và đau đầu những ai hiểu biết quan tâm tới giáo dục. Vì SGK mới vẫn còn có những sai sót cùng sự quá tải khó chấp nhận. Ví dụ, học sinh lớp 1 chưa biết đọc biết viết đã phải học 9 môn: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Tự nhiên và xã hội, Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục, Tiếng Anh. Để bán được nhiều sách nhằm kiếm thêm lợi nhuận, Bộ Giáo dục còn cho in nhiều loại sách bài tập Tiếng Việt, bài tập Toán, bài tập tiếng Anh... Và khôi hài hơn khi học sinh lớp 1 cũng đã phải mua sách bài tập Âm nhạc. Bởi chỉ học sinh hệ trung cấp hoặc hệ đại học âm nhạc mới cần phải làm bài tập mà thôi. Chứ học sinh lớp 1 biết làm bài tập âm nhạc thế nào khi các em mới đang tập viết, tập đánh vần... Có thể nhận thấy, học sinh phổ thông của nước ta, nhất là bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở, là học sinh có nhiều sách giáo khoa nhất, nhiều bài tập nhất và phải học thêm nhiều nhất trên thế giới. Những điều này, từng là nỗi đau khổ của học sinh, từng là nỗi bức xúc của xã hội nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.Trở lại với vấn nạn SGK, lâu nay, việc soạn sách do Bộ Giáo dục đảm nhận. Đã qua mấy kì cải cách, nhưng xem ra chương trình học và sách giáo khoa vẫn chưa làm hài lòng dư luận: Sách vẫn còn sai sót, còn hàn lâm quá tải. Thử hỏi, người lớn bội thực một bữa đã khó chịu làm sao, trong khi đó các em học sinh thơ ngây chịu “bội thực kiến thức” đã nhiều năm, thì khổ biết chừng nào! Rõ ràng, người lớn đã không làm tròn trách nhiệm với con em của mình khi không giải tỏa những nỗi khổ mà các em phải chịu trong khi các em đáng lẽ phải được hưởng niềm vui từ giáo dục, từ mái trường...
Một khi Bộ Giáo dục đã không làm tốt khâu biên soạn sách giáo khoa như hồi Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã từng làm rất tốt, thì Hội đồng Giáo dục Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu cần tổ chức biên soạn sách giáo khoa. Hoặc cũng có thể giao cho các hội chuyên ngành Trung ương như hội Toán học, hội Nhà văn, hội Vật lý, hội Địa lý... biên soạn sách để dạy trong các bậc học của nước nhà. Nếu không làm được như vây, hãy giao cho các hội chuyên ngành nói trên thẩm định lại sách giáo khoa, có như vậy mới đáp ứng được việc biên soạn sách để giảng dạy cho học sinh, để các em có được bộ sách tốt.
Vậy nên, việc cần làm, cần lo trước tiên là có được một bộ sách giáo khoa phổ thông với chất lượng tốt, (mà nhiều người cho rằng chỉ cần bằng sách giáo khoa ngày xưa), rồi hãy lo đến việc cho học sinh mượn hay phát không sách giáo khoa cho học sinh.